Sửa cầu Long Biên hay cấm xe để bảo tồn?

02/06/2022 06:12 GMT+7

Chi phí dành cho hạng mục duy tu, bảo dưỡng cầu Long Biên (Hà Nội) năm 2022 là 9,3 tỉ đồng, trong đó phần dành riêng cho mặt đường bộ chỉ là 252 triệu đồng. Con số ít ỏi này khó có thể giúp cây cầu có giá trị lịch sử hơn 100 tuổi chống chịu hàng đoàn xe ba gác mỗi ngày.

Việc tiếp tục vá víu cầu Long Biên một lần nữa làm dấy lại câu hỏi từng gây tranh cãi: có nên dừng hoạt động xe qua cầu để bảo tồn cầu?

Current Time0:00
/
Duration0:00

0:00
Cầu Long Biên lại thủng một lỗ lớn

Kinh phí duy tu quá ít ỏi

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty CP đường sắt Hà Hải (đơn vị chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng cầu Long Biên), cho biết kinh phí được phân giao cho đơn vị trong năm 2022 là 9,3 tỉ đồng, nhưng phần dành cho đường bộ chỉ là 252 triệu đồng.

Trước câu hỏi kinh phí quá thấp có đủ để thực hiện duy tu, bảo dưỡng cầu hay không, ông Vượng cho hay Công ty CP đường sắt Hà Hải chỉ là đơn vị được giao vốn, nên có bao nhiêu triển khai bấy nhiêu. Cầu Long Biên có cả đường bộ và đường sắt, phần nào cần sửa chữa trước thì được ưu tiên hơn, luân phiên hằng năm.

Cầu Long Biên là một di sản, một di tích kỹ thuật của thời cận đại thì đừng để tiếp tục làm cầu giao thông

GS-TS Hoàng Đạo Kính, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam

“Tốc độ lưu thông trên phần đường bộ hiện chỉ còn 15 km/giờ vì mặt đường rất yếu, trước đây là 30 km/giờ. Phía hai đầu cầu Long Biên đều đã cắm biển cấm xe thô sơ như xe ba gác, xe thồ hàng, nhưng thực tế không cấm được. Đầu cầu Long Biên là chợ đầu mối Long Biên, nên các phương tiện này hoạt động tấp nập. Như hôm 30.5, chúng tôi thực hiện đếm xe từ 14 - 20 giờ thì có 150 xe máy thồ hàng và xe ba gác qua cầu. Nhiều xe lam có tải trọng đến 2 tấn, nặng như xe tải nhẹ, dù bị cấm nhưng vẫn vượt qua cầu”, ông Vượng nói.

Cũng theo lãnh đạo Công ty CP đường sắt Hà Hải, nếu không làm chặt, cấm được xe quá tải đi qua cầu Long Biên thì không thể duy trì nổi mặt cầu.

Dù bị cấm nhưng xe ba gác vẫn chạy trên cầu (chụp ngày 1.6)

Đình Hiếu

Trước đó, hôm 31.5, Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) cũng đã kiểm tra và làm việc với các đơn vị liên quan sau khi liên tiếp xảy ra 2 vụ thủng mặt cầu. Theo ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cầu Long Biên đã có 121 năm sử dụng, đến nay dù hằng năm vẫn thường xuyên được duy tu, bảo trì nhưng đã quá xuống cấp. Tình trạng họp chợ, buôn bán trên cầu, người dân và khách du lịch tập trung qua lại chụp ảnh dừng xe máy sát lan can cũng gây áp lực cho kết cấu mặt cầu.

Thực tế năm 2016, Bộ GTVT đã có dự án khôi phục cầu Long Biên giai đoạn 1 với mục tiêu gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2025, tổng mức đầu tư hơn 256 tỉ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu chủ yếu của dự án là sửa chữa các hư hỏng lớn của kết cấu để duy trì trạng thái kỹ thuật công trình, đảm bảo an toàn khai thác vận tải đường sắt trong thời gian chờ cầu riêng cho đường sắt được quy hoạch theo tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi. Do đó, phần đường bộ chưa được đầu tư nhiều, tình trạng xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao hơn.

Cầu đã “tàn tạ, già nua”, cần bảo tồn

Tranh cãi về việc dừng hoạt động cầu Long Biên để bảo tồn như một phần công trình văn hóa đã có từ lâu. GS-TS Hoàng Đạo Kính, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho hay ông đã nhiều lần nêu quan điểm coi “cầu Long Biên là một di sản, một di tích kỹ thuật của thời cận đại thì đừng để tiếp tục làm cầu giao thông. Phải làm đường cầu mới khác cho tàu chạy”.

Theo ông, nếu tăng tải trọng vận tải, tăng số lượng tàu, hiện đại hóa... thì hoàn toàn ngược lại với việc bảo tồn cầu Long Biên như một di sản, một di tích. “Bây giờ chúng ta đang cứ tiếp tục vá và vá cầu khi thủng. Cầu Long Biên đã “tàn tạ, già nua” như thế thì nó cần một lần đại trùng tu như một di sản văn hóa kỹ thuật. Phải phục hồi hình dáng cơ bản cầu Long Biên đã từng có. Còn nếu bây giờ nó vẫn được giữ lại như cầu giao thông thì dứt khoát chúng ta cứ tiếp tục chắp vá thế thôi, sẽ không an toàn. Chúng ta phải quyết định, nếu xem cầu Long Biên là di sản thì phải bảo tồn văn hóa, để cầu Long Biên trở thành một yếu tố cảnh quan đô thị”, ông Kính nói, và đề xuất có thể biến khu vực này thành nơi tập thể dục, dạo chơi, chụp hình, mua sắm.

Cùng quan điểm, PGS-TS Khuất Tân Hưng, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, cũng cho biết đã nhiều lần đề xuất biến cầu Long Biên thành cây cầu phục vụ du lịch văn hóa. Về nguyên tắc, cầu nên chuyển thành cầu đi bộ để hoạt động trên đó được nhẹ nhàng hơn, vừa phát huy giá trị di sản, vừa bảo tồn được. Không nên để cầu chất tải nhiều nữa vì càng chất tải nhiều thì khả năng hỏng càng nhanh. Phải cố làm sao để giữ được cầu không xuống cấp thêm nữa.

Cũng theo PGS-TS Hưng, những công trình lịch sử như cầu Long Biên có giá trị du lịch rất lớn. Giá trị kinh tế của di sản là giá trị lâu dài chứ không phải chỉ là giá trị kinh tế. Cầu Long Biên có những giá trị khác chứ không phải chỉ để đi lại.

“Một cây cầu như thế tăng thêm giá trị cho khu 36 phố phường, tạo nên sự hấp dẫn, thu hút người đến hơn hoặc những hoạt động có thể tổ chức trên đó. Cầu cũng kết nối với nhiều di sản, chẳng hạn như ga Long Biên. Việc bảo tồn có giá trị lớn hơn rất nhiều so với xây một cây cầu mới thay thế cầu Long Biên hiện tại. Nếu thay kiểu đó thì đình làng người ta sẽ thay hết bằng cách xây nhà mới rẻ hơn nhiều so với trùng tu”, ông Hưng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.