Nghiên cứu truy tầm bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại Vũ Hán

19/11/2021 14:01 GMT+7

Trước đây, ca bệnh Covid-19 sớm nhất được xác định là một nam kế toán viên 41 tuổi sống cách chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán khoảng 32 km. Bệnh nhân này được cho là nhiễm bệnh vào ngày 8.12.2019.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới công bố trên chuyên san Science, trưởng khoa sinh thái học và tiến hóa sinh học tại Đại học Arizona (Mỹ) Michael Worobey cho biết vào ngày 8.12.2019, nam kế toán viên này không mắc Covid-19 mà bị đau răng. Ông Worobey tìm thấy hồ sơ cho thấy người này chỉ bắt đầu có triệu chứng của Covid-19 vào ngày 16.12.2019.

Do đó, ông cho rằng ca bệnh Covid-19 đầu tiên được ghi nhận tính đến nay phải là một người phụ nữ bán hải sản tại chợ Hoa Nam. Theo vị chuyên gia, bệnh nhân này bắt đầu bị bệnh vào ngày 11.12.2019. Chợ Hoa Nam là nơi bán hải sản và nhiều loại động vật khác.

Trong nghiên cứu, ông Worobey cũng cho biết có hơn 100 ca nhiễm từ tháng 12.2019 không có liên kết dịch tễ với chợ Hoa Nam nhưng sống ở khu vực gần kề ngôi chợ, qua đó cho thấy bằng chứng thuyết phục rằng việc lây lan bắt đầu tại chợ, sau đó lan sang các khu dân cư kế bên.

Theo nghiên cứu, người kế toán có thể bị lây nhiễm cộng đồng sau khi virus lây lan từ chợ Hoa Nam. Ông Worobey gợi ý bệnh nhân này có thể bị nhiễm tại bệnh viện lúc đi khám răng hoặc trên tàu điện.

Hồ sơ cho thấy ông này di chuyển đến khu vực phía bắc chợ Hoa Nam ngay trước khi xuất hiện triệu chứng.

Theo chuyên gia Peter Daszak, một trong số các nhà điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những phát hiện của ông Worobey về ca bệnh ngày 8.12 trùng khớp với thông tin mà nhóm điều tra phát hiện trong chuyến công tác tại Vũ Hán.

Cả ông Worobey và ông Daszak đều nhận định rằng những bằng chứng đến nay đều chỉ về khả năng virus bắt nguồn “tự nhiên” nhưng nhấn mạnh đó không phải là bằng chứng mang tính kết luận.

Đáng chú ý, ông Worobey là một trong những nhà khoa học hồi tháng 5 ký vào lá thư trên chuyên san Science kêu gọi điều tra kỹ hơn về giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Ông Worobey nhấn mạnh: “Tôi ký vào lá thư trên Science gợi ý rằng giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm cần điều tra, điều tôi vẫn tin và nó nên như vậy. Nhưng cùng lúc đó, cũng đáng ngạc nhiên là có nhiều bằng chứng đi ngược lại và nghiêng về nguồn gốc tự nhiên”.

Trung Quốc nói báo cáo nguồn gốc Covid-19 của Mỹ "không khoa học"
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.