Nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị từ trung tâm đi Cần Giờ

29/07/2024 08:56 GMT+7

Đây là một trong những nội dung được Sở GTVT TP.HCM nêu ra trong cuộc họp với Sở QH-KT TP.HCM rà soát hợp phần giao thông trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị từ trung tâm đi Cần Giờ- Ảnh 1.

TP.HCM đang quyết tâm thực hiện đề án phủ metro khắp thành phố

ĐỘC LẬP

Theo đó, Sở GTVT và Sở QH-KT thống nhất đề xuất nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt đô thị (loại hình phù hợp) từ trung tâm thành phố đi Cần Giờ. Tuyến đường sắt này xuất phát từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau chuyến đi khảo sát, kiểm tra, làm việc tại huyện Cần Giờ năm 2023, sau đó, Thành ủy, UBND TP cũng có chủ trương và chỉ đạo.

Về hướng tuyến, cần quy hoạch định hướng một số vị trí khống chế, để có thể nghiên cứu điều chỉnh cục bộ hướng tuyến trong các bước tiếp theo. Tương tự, việc đi trên cao hoặc đi ngầm cũng cần bổ sung nguyên tắc để có thể xem xét điều chỉnh ở các bước triển khai tiếp theo.

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn yêu cầu đơn vị tư vấn cập nhật các điểm kết nối đường sắt đô thị liên vùng (tuyến metro số 1, số 5...) với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long AnTây Ninh, trong đó lưu ý các điểm kết nối đã được xác định trong quy hoạch tỉnh (Đồng Nai, Long An và Tây Ninh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị từ trung tâm đi Cần Giờ- Ảnh 2.

Sơ đồ các tuyến đường sắt đô thị đang được đề xuất nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch

Sở GTVT TP.HCM

Trước đó, từ 2023, các đơn vị nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM cũng đề xuất TP.HCM cần nghiên cứu mở thêm 3 tuyến metro mới. Cụ thể, thứ nhất là tuyến đường sắt đô thị có tính chất kết nối qua các nhà ga hành khách của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để về đến trung tâm TP.HCM và Thủ Thiêm, đồng thời kết nối đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành (theo đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành).

Thứ hai, bổ sung tuyến đường sắt đô thị vượt sông Soài Rạp sang Cần Giờ, kết nối đến khu đô thị du lịch 2.870 ha lấn biển Cần Giờ.

Thứ ba, bổ sung tuyến đường sắt có tính chất vận chuyển khách kết nối giữa 2 ga đầu mối đường sắt quốc gia về phía bắc (ga Thủ Thiêm) và về phía tây (ga Tân Kiên), chiều dài khoảng 28 km bằng cách sử dụng một phần hướng tuyến trước đây được quy hoạch cho tuyến monorail theo đường Nguyễn Văn Linh.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.