Những người thành thị cứ tưởng bở. Lên núi bằng giày cao gót. May là có cáp treo. Ngồi trong cái thùng treo lơ lửng, trôi từ từ lên núi, ca ngợi nhờ có sản phẩm hiện đại, nếu không thì người già và con nít không thể lên núi cúng Phật được. Nhờ có cáp treo, lên núi mà vẫn còn giữ được phong độ như người thành phố. Các bà các cô vẫn giày cao gót mười phân, cười cười nói nói...
Đoàn chúng tôi lên viếng chùa núi lần này là do một anh kiến trúc sư mời. Anh bảo các bác lên núi xem ngôi chùa mà tôi đã bỏ công xây dụng từ 10 năm nay, sau 14 năm xin giấy phép. Chạy tới chạy lui, xuôi ngược, mới xin được sửa lại chùa. Ngẫm anh kiến trúc sư này có cuộc đời cũng lạ. Phát nguyện đi tu từ năm 12 tuổi. Bố mẹ không cho. Trốn gia đình vào chùa. Được đưa đi học từ chùa tổ ở Huế, đến chùa ở Quảng Nam, rồi một ngôi chùa ở Sài Gòn, vừa tu vừa đi học kiến trúc, trong đời chỉ mê kiến trúc đình đền chùa miếu. Lấy bằng tiến sĩ về kiến trúc và bây giờ lên núi đập đá để xây chùa và tạc tượng phật. Hỏi sao lại thế, anh bảo đó là cái nghiệp.
Thú thật chẳng thể hiểu nổi cái người bạn kiến trúc sư này cũng như bà lão sư thầy trụ trì chùa núi. Bảy mươi hai tuổi. Bộ quần áo nâu sồng đầy bụi. Vừa tiếp chuyện đoàn khách vừa chỉ đạo các nhóm đệ tử làm thứ này thứ nọ, lo buổi ăn chiều cho các đoàn, tranh thủ kể với anh kiến trúc sư về những nhầm lẫn của toán thợ xây dựng và tạc tượng... Nhanh nhẹn, hoạt bát, tất bật... Nghe kể lại, bà vốn khá giả, từng sở hữu 20 ha trồng thanh long xuất khẩu, rồi nhận quản cả khu rừng đã đến kỳ khai thác. Nhưng sao cực khổ thế kia? Anh bạn kiến trúc sư chép miệng: Cũng là nghiệp.
Ngẫm nghĩ cái luật nhân quả của đạo Phật kỳ lạ thật. Những gì không thể giải thích được đều bảo bởi nghiệp luật. Khó cắt nghĩa việc những người xây chùa trên núi này không vì một thôi thúc vô hình nào đó, quyết tâm theo đuổi việc hoàn thành một kiến trúc ở cheo leo lưng chừng núi như thế này, trong khi họ đủ sức xây nhà với chăn ấm nệm êm. Gian khổ, nhọc nhằn giữa cái nắng chói chang ban ngày và gió rét của núi ban đêm... Nếu đó không phải nghiệp luật thì là cái gì?
Phan Nguyên Minh
Bình luận (0)