Nghiệp đoàn... cấy mướn

02/09/2014 08:54 GMT+7

Với quân số gần 400 người, nghiệp đoàn gieo cấy do chị Nguyễn Thị Kim Liên (Mười Liên, 47 tuổi, ngụ xã Vĩnh An, H.Châu Thành, An Giang) thành lập trở thành đội quân làm thuê hùng hậu bậc nhất miền Tây.

 Nghiệp đoàn... cấy mướn
Nghiệp đoàn cấy mướn - Ảnh: Hồng Ánh

Gian truân phận má hồng

Để tổ chức được một nghiệp đoàn cấy mướn với hàng trăm phụ nữ như hiện nay,  chị Mười Liên đã phải trải qua quãng thời gian dài vất vả. Chị kể, gia đình nghèo nên mới hết cấp 1, chị phải nghỉ học đi cấy mướn phụ giúp cha mẹ. Đến khi lập gia đình ra ở riêng, do không ruộng có đất canh tác, chị lại tiếp tục bám nghề cấy mướn mưu sinh. “Trước đây, nghề cấy mướn chưa thịnh hành nên phụ nữ tụi tôi chủ yếu cấy giặm kiếm cơm. Khoảng thập niên 90, máy sạ hàng xuất hiện nhiều khiến nghề cấy càng bị mai một. Nhiều lúc tôi định bỏ nghề chuyển sang bán tạp hóa cho đỡ cực”, chị Mười Liên nhớ lại.

Thế nhưng, từ khi Công ty TNHH Dịch vụ nghiên cứu sản xuất giống cây trồng Bình Minh (H.Tri Tôn, An Giang) ra đời, nghề cấy lúa truyền thống bắt đầu thịnh hành trở lại. Chị Mười Liên kể: “Qua lời giới thiệu của bà con nông dân, công ty đến tận nhà kêu tôi dẫn quân đến cấy mướn, nhưng lúc ấy trong xóm chỉ có khoảng 10 phụ nữ chịu theo tôi làm nghề này. Làm được một thời gian, thấy không kham nổi, tôi phải đến từng nhà rủ rê, năn nỉ mọi người tham gia. Thấy nghề cấy mướn thu nhập cũng khá nên chị em phụ nữ trong xóm xin gia nhập ngày một đông, đến nay đã tăng lên hàng trăm người”.

Theo chị Mười Liên, thường mỗi công đất do 2 người đảm trách, cấy từ 4 giờ sáng đến 11 giờ trưa là xong, được chủ trả tiền công từ 150.000- 200.000 đồng/người. Mỗi năm, đội quân của chị nhận cấy thuê hàng chục ngàn công lúa. “Ban đầu, đi đồng xa nhiều chị em rất ngại vì bị chồng ghen. Hay tin, tôi với ông xã phải đến tận nhà giải thích mãi mấy ổng mới chịu cho vợ đi cấy mướn cùng chị em. Làm mướn xa nhà, khó khăn nhất vẫn là chỗ ăn, ở. Do đó, khi nhận công cấy, tôi đi trước để chọn địa điểm, rồi che lều tạm trên đê cho các chị tá túc. Khổ nhất là cấy lúa vào mùa mưa, chị em nhiều lúc phải khúm núm chia sẻ chỗ ngồi trong trại. Có nếm trải cùng nghề cấy mới thấy hết nỗi vất vả, gian truân của phận “má hồng” chúng tôi. Nhưng vì cuộc mưu sinh, chị em tự nhủ phải bám nghề”, chị Mười Liên tâm sự.

Đời du mục

Làm ăn có uy tín, tiếng tăm của “Nghiệp đoàn cấy mướn Mười Liên” ngày một vang xa. Hằng năm, khi cấy đồng nhà xong, nghiệp đoàn của chị hành quân sang các tỉnh thành khác cấy mướn. Khi thì đi qua Tam Nông (Đồng Tháp) lúc thì chuyển xuống Vĩnh Long, Long An. Mùa mưa đến thì xuôi về Cà Mau cấy lúa nước mặn cho người dân nuôi tôm… Nhờ đi khắp nơi mà các chị trong nghiệp đoàn có thu nhập quanh năm. “Tuy nhiên, hầu hết các chị em đều có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều chị gia cảnh đơn chiếc, khốn khó, tôi phải đứng ra cho ứng tiền trước để làm kinh phí mua sắm xe, khi cấy hết mùa trả lại. Người này trả xong tiếp tục cho người khác mượn, đồng tiền cứ xoay vòng. Ngoài ra, trong đội cấy hễ có người ốm đau thì tôi cũng đứng ra lo liệu thuốc thang”, chị Mười Liên bộc bạch.

Nghiệp đoàn... cấy mướn 2
Chị Mười Liên và chồng mình - Ảnh: Hồng Ánh

Là người đứng đầu của nghiệp đoàn, chị Mười Liên lúc nào cũng phải lo cho mọi người. Thậm chí, chị còn kêu gọi được hàng chục phụ nữ trong xóm đang làm mướn ở xa trở về quê sinh sống.  “Tôi đã gọi điện thoại lên Bình Dương kêu được khoảng 30 cặp vợ chồng trở về quê gia nhập vào nghiệp đoàn cấy mướn. Nhiều chị ở tận Đồng Tháp và Cần Thơ cũng gia nhập nghiệp đoàn gieo cấy nên quân số tăng lên nhanh chóng”, chị  Mười Liên nói.

Hơn 10 năm theo nghề cấy mướn, chị Mười Liên đã có đến khoảng 6 năm dẫn dắt đoàn quân vạn cấy đi khắp nơi. Lần dỡ cuốn “nhật ký cấy mướn”, chị khoe: “Ông Sáu Đức mở công ty giống khoảng 4 năm nay, năm nào đến vụ cũng gọi điện dặn trước để chúng tôi đưa khoảng 150 - 200 quân vào Lương An Trà (H.Tri Tôn) để cấy cả ngàn công lúa. Ngoài ra, còn có ông Tư Liêu, Hai Cảnh, Mười Long, Công ty giống Phú Phú Kim… cũng gọi nghiệp đoàn gieo cấy đến cấy hàng trăm ha. Mấy ông “vua lúa” sản xuất giống rất khó tính nên đòi hỏi mình phải gieo cấy thật kỹ. Vì vậy, các chị em ai cũng ý thức được cái nghề nhằm giữ chữ tín lâu dài cho nghiệp đoàn”.

Hồng Ánh

>> Xả nước hồ thủy điện để gieo cấy vụ đông xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.