Từ đam mê loài lan rừng có tên Ngọc điểm (tên khác: Nghinh xuân, Tai trâu) mà anh nông dân Phạm Đức Tố (43 tuổi), ở xã Mađagui, H.Đạ Huoai (Lâm Đồng) đã phát triển thành vườn để kinh doanh, và rồi mỗi năm hàng trăm cành lan ấy “xuống phố” để đón xuân.
|
Theo anh Tố kể lại, 16 năm trước, khi cùng gia đình rời quê hương Hải Dương để “di cư” vào vùng đất Mađagui này lập nghiệp, “vốn lận lưng” của anh chỉ là “thợ đụng” với tinh thần sẵn sàng…làm ruộng và bán sức lao động cho bất cứ ai. Tại vùng đất mới, gia đình anh mua được 6.000m2 đất, anh chọn trồng nhiều loại cây ăn quả và đi làm mướn sinh nhai. Năm 2002, vô tình anh gặp được một người bạn ở TP.HCM và người bạn ấy đã giới thiệu với anh về nghề trồng lan rừng. “Khi ấy, nghe bạn nói nhiều về việc làm giàu bằng nghề trồng lan rừng, tôi mê lắm và bắt đầu sưu tầm giống lan rừng Ngọc điểm để chơi. Và đến năm 2006 thì quyết định bắt tay đầu tư 200m2 đất để trồng thử 50 trụ lan rừng có tên Ngọc điểm này”, anh Tố kể.
Cũng theo anh Tố, khi vào “làm thật” rồi mới thấy khó khăn vất vả, bởi chưa nắm bắt hết về kỹ thuật thuật trồng và chăm sóc hoa nên có những lúc anh dường như bất lực nhìn những trụ lan mình trồng cứ chết dần, chết mòn mà không biết cách gì để cứu. Không chịu thất bại, anh bỏ thời gian, công sức để nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân vì sao cây lan mình trồng không thể phát triển được. Và phải mất một thời gian dài anh mới biết được loài này rất thích hợp khi trồng trên thân cây vú sữa và việc điều tiết độ ẩm, nhiệt độ, nước, ánh sáng cho lan là vô cùng quan trọng.
Khắc phục điểm yếu này, vườn lan của anh dần dần mang lại hiệu quả, 2 năm sau anh mở rộng vườn lan lên 1.000m2 và nay là 1.900m2, trồng hơn 1.100 trụ lan rừng Ngọc điểm. Anh Tố cho biết: “Loài lan rừng Ngọc điểm chỉ nở hoa vào mùa xuân - đúng dịp tết âm lịch nên còn được gọi là lan Nghinh xuân (hoa nở trong khoảng 20 – 30 ngày thì tàn) và có rất nhiều người yêu thích. Giống lan rừng này được tôi nhập về chủ yếu từ Campuchia, Lào rồi chăm sóc và cấy ghép vào thân cây vú sữa để trồng thành từng trụ (cao 1,5 – 2m) trong vườn. Chăm sóc khoảng 3 năm thì có thể bán giống hoặc để đến tết bán cả trụ cây lẫn hoa".
Lan này không lo bị ế, khách hàng từ nhiều tỉnh thành như: Đà Nẵng, Hà Nội, Nha Trang, TP.HCM, Cần Thơ… thường xuyên tìm đến mua lan. Anh Tố tiết lộ thêm, bình quân hằng năm, một trụ hoa cho sản lượng 5 – 7kg giống (giá bán từ 250.000 – 300.000 đồng/kg), riêng mùa tết năm nay trong vườn có khoảng 250 trụ nở hoa có thể xuất bán (giá từ 2,5 – 5 triệu đồng/trụ), doanh thu mỗi năm cũng tính bằng tiền tỉ...
“Để trồng được lan này đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật, điều tiết độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng và nước cho phù hợp. Thông thường, lan thích hợp với nhiệt độ khoảng 20 – 32oNghinhC và độ ẩm từ 55 - 60%; vào mùa khô cần phải tưới nước thường xuyên để kích thích lan ra rễ, đồng thời cần điều tiết ánh sáng ở mức từ 60 - 70% là đủ cho lan phát triển. Quan trọng hơn, người trồng lan cần phải thường xuyên bám vườn để theo dõi, kịp thời phát hiện lan bị sâu bệnh mà xử lý, không được để bệnh lây lan sẽ rất nguy hiểm”, anh Phạm Đức Tố chia sẻ.
|
Gia Bình – Khánh Phúc
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
>> Lan rừng sáng bừng ngày Tết
Bình luận (0)