Nhiều vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì
Mới đây, ngày 27.11, Bệnh viện Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết đã tiếp nhận gần 150 người nhập viện điều trị trong tình trạng bị đau bụng, nôn ói, đi ngoài liên tục. Các bệnh nhân này trước đó có ăn bánh mì, xôi tại một tiệm bánh trên địa bàn.
Trước đó, vào đầu tháng 5.2024, có 328 người nghi bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Đồng Nai. Các bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng nôn, tiêu chảy, sốt, đau bụng... Bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị nhiễm trùng đường ruột và tiến hành chữa trị.
Vụ ăn bánh mì, xôi phải nhập viện cấp cứu: số ca tăng lên 150
Hay vào năm 2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ 313 người bị ngộ độc do ăn bánh mì Phượng.
Nguy cơ ngộ độc bánh mì đến từ nhiều nguyên nhân
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết các nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi ăn bánh mì có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến sơ chế, dụng cụ chế biến, điều kiện vệ sinh khi chế biến, bảo quản thực phẩm, nhiệt độ bảo quản thực phẩm... Ngoài bánh mì thì các nguyên liệu ăn kèm như thịt heo, chà bông, bơ, pa tê, chả lụa, nước xốt, đồ chua, hành ngò đều tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm.
"Thời tiết nóng ẩm sẽ dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi sinh vật phát triển đặc biệt là đối với các sản phẩm như bơ, pa tê, đồ chua... nếu không bảo quản đúng cách. Những loại vi khuẩn phổ biến thường gặp có thể gây ngộ độc trong bánh mì có thể là Salmonella, E.coli...", bác sĩ Niên chia sẻ.
Theo bác sĩ Niên, độc tố có thể sinh ra từ vi khuẩn trong thực phẩm hoặc xâm nhập từ bên ngoài như tay người, vật chứa, ruồi nhặng... Có một số trường hợp dù thực phẩm nhiễm độc tố nhưng vẫn không có dấu hiệu bất thường, tuy nhiên có những tình huống là do người dùng bỏ qua các yếu tố bất thường này.
"Bằng cảm quan, nếu nhận thấy màu sắc thực phẩm, như màu bánh mì, chả lụa, pa tê... có màu lạ, hay có vị đắng nhẫn, nhớt, chua..., thì nên bỏ. Người dùng không nên tiếc mà ăn thêm hay tự nhủ là 'chắc không sao đâu' rồi ăn hết. Vì khi có bất thường chứng tỏ thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn, cần bỏ một cách dứt khoát", bác sĩ Niên khuyến cáo.
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm dễ nhầm lẫn
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Hữu Trí, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, cho biết ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện sau vài giờ hoặc vài ngày khi sử dụng thực phẩm nhiễm độc và thường có triệu chứng không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như tiêu chảy, đau bụng, sốt, nôn ói, đau đầu, đau cơ...
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm nặng hay nhẹ phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh như lượng độc tố ăn phải, cũng như sức khỏe của từng người. Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể tự khỏi trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, nếu thấy các triệu chứng ngộ độc kéo dài cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị, phòng ngừa bệnh diễn tiến nặng như mất nước, nhiễm trùng huyết, sốc…
Ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm nếu ngoài biểu hiện ở đường tiêu hóa và kèm theo các triệu chứng như rối loạn thần kinh (đặc biệt là nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, tê liệt cơ, co giật, đau đầu, chóng mặt), rối loạn tim mạch, có lẫn máu hoặc chất nhầy trong phân, tiểu ít, đau ở các vị trí khác ngoài bụng (như đau ngực, cổ, hàm, họng)…
Theo bác sĩ Trí, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật gây bệnh có trong thức ăn như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (hoặc độc tố của chúng), chất độc hóa học, chất độc tự nhiên có trong thực phẩm.
"Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, mọi người cần lưu ý ăn uống đảm bảo vệ sinh, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, khi thấy những triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài lâu hơn 2-3 ngày, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời và phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng", bác sĩ Trí khuyến cáo.
Bình luận (0)