Ngộ độc do nuốt mật cá trắm

04/11/2015 08:10 GMT+7

Khoảng 2 giờ sau khi nuốt mật cá trắm, một người đàn ông bị đau bụng dữ dội , sau đó phải nhập viện trong tình trạng suy gan, suy thận.

Khoảng 2 giờ sau khi nuốt mật cá trắm, một người đàn ông bị đau bụng dữ dội, sau đó phải nhập viện trong tình trạng suy gan, suy thận.

Bệnh nhân Nguyễn Văn T. điều trị suy gan, thận cấp do ngộ độc mật cá trắm - Ảnh: Liên ChâuBệnh nhân Nguyễn Văn T. điều trị suy gan, thận cấp do ngộ độc mật cá trắm - Ảnh: Liên Châu
Nuốt mật cá để “trị đủ bệnh”
Gần một tuần sau khi được điều trị tại Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), anh Nguyễn Văn T. (38 tuổi, nhà ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã dần hồi phục. Anh T. kể: “Tôi bị đau dạ dày, nghe người quen mách bảo nuốt mật cá trắm sẽ khỏi đau nên tôi đã xin một cái mật cá trắm khoảng 3 kg về để dùng. Trước lúc nuốt mật, tôi có nhúng nước sôi cho sạch. Khoảng 2 giờ sau đó tôi thấy đau bụng, nôn nao nên nằm nghỉ, nhưng bụng càng đau dữ dội, nôn và tiêu chảy”.
“Đau bụng và nôn nhưng chồng tôi vẫn nấn ná ở nhà, được hai hôm thì mặt sưng nề phù nước, bụng to trướng, mệt nhiều nên gia đình đưa đi khám ở bệnh viện địa phương và bác sĩ yêu cầu nhanh chóng lên trung tâm chống độc để điều trị”, vợ của anh T. cho biết thêm.
Theo TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng suy gan với biểu hiện vàng da, vàng mắt; bụng to trướng phù ứ nước, tiểu ít do suy thận cấp. Vào điều trị, mặc dù được dùng thuốc lợi tiểu (bài niệu cưỡng bức) liều rất cao nhưng chỉ tiểu được 500 ml mỗi ngày; trong khi đó một người bình thường lượng nước tiểu khoảng 1.500 - 2.000 ml/ngày.
Trước anh T., Trung tâm chống độc cũng từng tiếp nhận điều trị các ca ngộ độc là bệnh nhân nuốt mật cá trắm để “trị đau lưng”; có trường hợp nuốt mật cá trắm để “tăng cường sức khỏe”.
Mật nào cũng có thể gây độc
Theo chuyên gia, tình trạng ngộ độc phụ thuộc vào lượng mật đưa vào cơ thể, lứa tuổi, thể trạng, nhập viện sớm hay muộn. Nếu đến sớm bệnh nhân được rửa dạ dày; lọc máu điều trị suy thận, suy gan chức năng thận, gan sẽ được phục hồi. Nếu ngộ độc nặng, điều trị muộn bệnh nhân có thể tử vong. “Rất nhiều người phải nhập viện cấp cứu do bị ngộ độc sau khi đã nuốt mật cá trắm hoặc uống mật gấu để “trị đau bệnh” hoặc “bồi bổ”. Đặc biệt xu hướng ngộ độc mật thường tăng vào dịp cuối năm là thời điểm thường tát ao bắt cá to; có các cuộc liên hoan, họp mặt”, TS Sơn cho biết.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, vừa qua có hiện tượng người dân sử dụng mật cá trắm để điều trị bệnh như nhức mỏi, hen... bằng cách nuốt sống hoặc pha trộn túi mật với nước, rượu hoặc mật ong. Tuy nhiên, hiện chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh mà thực tế rất nhiều trường hợp nuốt mật cá đã bị ngộ độc, nguy hiểm tính mạng. Nuốt mật cá trắm có thể tử vong do phù phổi cấp, phù não do vô niệu. Độc tố chính trong mật cá trắm là 5α Cyprinol chất này gây tổn thương cho gan, thận. Mật của cá trắm từ 3 kg trở lên thì chắc chắn gây ngộ độc, viêm thận cấp và có thể tử vong sau 2 - 3 ngày nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.