Số người ngộ độc tăng vọt
Chiều 14.9, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, Sở đã có báo cáo gửi Bộ Y tế về tình hình vụ ngộ độc thực phẩm tại TP.Hội An.
Theo ông Mười, tính đến 15 giờ hôm nay (14.9), ngành y tế ghi nhận có 141 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì mua tại hộ kinh doanh bánh mì Phượng trên đường Phan Châu Trinh (P.Minh An, TP.Hội An). Trong đó, có 34 người nước ngoài (quốc tịch Úc, Anh, Nhật, Chile). Ngoài ra, cơ quan chức năng còn ghi nhận thông tin từ một số người dân, du khách khác qua điện thoại.
Triệu chứng lâm sàng của người bị ngộ độc thực phẩm gồm: sốt cao, đau bụng, đại tiện lỏng nhiều lần, nôn, đau đầu... Hiện sức khỏe của tất cả bệnh nhân cơ bản đã ổn định.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin 5 người trong 1 gia đình có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì ở tiệm bánh mì Phượng ở TP.Hội An, đơn vị đã phối hợp Trung tâm Y tế TP.Hội An thành lập đoàn điều tra để nắm thông tin.
Qua kiểm tra, ngành chức năng xác định vào ngày 11.9, tiệm bánh mì Phượng đã bán 1.920 ổ bánh mì. Ngày 12.9, cơ sở này tiếp tục bán hơn 1.700 ổ bánh mì. Đáng chú ý, khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh; chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác. Các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh…
Bước đầu, Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Nam nhận định thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc là pa tê, thịt xíu (gồm thịt và nước), xíu mại và các loại rau chua. Bởi theo khai báo của các bệnh nhân bị ngộ độc, điểm chung là họ đều ăn bánh mì đã qua chế biến.
Hiện Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Nam đã lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang, sẽ có kết quả kiểm nghiệm trong thời gian từ 7 - 10 ngày tới.
"Đã là thương hiệu thì rất dễ bị tổn thương"
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều nay (14.9), ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, bánh mì Phượng là một thương hiệu nổi tiếng hàng chục năm. Cơ sở này cũng được thành phố tổ chức kiểm tra vấn đề ATVSTP thường xuyên.
"Bánh mì Phượng là một trong thương hiệu ẩm thực của Hội An và rất được nhiều người ưa chuộng. Vì vậy, cái gì đã là thương hiệu thì rất dễ bị tổn thương. Qua vụ việc này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch Hội An nói riêng và truyền thống văn hóa ẩm thực của Hội An nói chung", ông Lanh nói.
Theo ông Lanh, sau khi vụ việc xảy ra, thành phố đã cho thống kê số người bị ngộ độc, kể cả những người đang phát sinh thêm theo từng địa phương, để nắm tình hình sức khỏe của họ.
Thêm 42 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Hội An
Trong sáng mai (15.9), lãnh đạo TP.Hội An cũng như tỉnh Quảng Nam sẽ đi thăm, động viên từng người tại các cơ sở điều trị. Đối với du khách nước ngoài, nếu sức khỏe có tình huống trở nặng thì tỉnh sẽ có chỉ đạo tiếp theo. Bởi ngộ độc tập thể trên 30 người thì thuộc thẩm quyền xử lý của tỉnh.
Phó chủ tịch UBND TP.Hội An cũng khẳng định, đối với vấn đề ATVSTP, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm, liên tục chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành TP.Hội An phối hợp với cơ quan, ban ngành của tỉnh tổ chức kiểm tra định kỳ.
Riêng đối với những nơi có nguy cơ, dễ phát sinh ngộ độc, đặc biệt là các điểm đến, khu du lịch, nhà hàng, trường học... thì TP.Hội An kiểm tra thường xuyên. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn TP.Hội An có vụ ngộ độc tập thể đông người như vậy.
"Sự việc này cho thấy đây là một rủi ro không đáng có. Chúng tôi cũng đang chờ kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang xem nguyên nhân từ đâu, loại vi khuẩn nào gây ngộ độc để có hướng xử lý tiếp theo", ông Lanh nói.
Xem nhanh 20h: Cập nhật thông tin ngộ độc nghi ăn bánh mì ở Hội An
Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 12.9, Trung tâm Y tế TP.Hội An tiếp nhận thông tin 5 người trong 1 gia đình bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng. Sau đó, số lượng bệnh nhân tăng nhanh, đến nay ghi nhận 141 người có biểu hiện ngộ độc.
Thời gian ăn bánh mì của các bệnh nhân rải rác từ 8 giờ đến 20 giờ ngày 11.9. Khoảng cách giữa thời gian xuất hiện triệu chứng và thời gian ăn ít nhất là 2 giờ, nhiều nhất là 16 giờ (thời gian ủ bệnh từ 2 - 16 giờ).
Bình luận (0)