Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 20.2, ông Nguyễn Hoàng Đen, Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc (H.Trần Văn Thời, Cà Mau), cho biết các ấp trong xã thực hiện quy ước dân ấp nào mới được bắt cá dưới sông ở ấp đó. Dân nơi khác đến đánh bắt cá sông của ấp sẽ bị lập biên bản và xử lý theo quy ước của ấp.
Nội dung quy ước được gắn ở ấp Vườn Tre |
GIA BÁCH |
“Người dân lập ra quy ước để giữ cá, tránh bị người lạ đến câu, xuyệt điện... Họ giữ để họ bắt ăn, có nghĩa không cho những người xứ lạ bắt thôi”, ông Đen nói.
Được biết, việc thực hiện quy ước này là từ cuối năm 2021 và tất cả các ấp trong xã gắn bảng ghi rõ nội dung quy ước. Cụ thể, bảng được gắn tại ấp Vườn Tre ghi: “Nghiêm cấm người dân của ấp khác vào địa bàn ấp Vườn Tre đánh bắt cá, chỉ người dân trong ấp mới được đánh bắt cá trên sông thuộc phạm vi của ấp. Nếu người dân nào vi phạm sẽ bị lập biên bản xử lý theo nội quy của quy ước”.
Ngoài ra, quy ước cũng chú thích rõ, “Trích nội quy trong Quy ước được UBND huyện ban hành tại Quyết định số 5681/QĐ, ngày 1.10.2019”.
Ông Đen cũng xác nhận với PV Thanh Niên là quy ước trên được Phòng Tư pháp của huyện thẩm định, phê duyệt.
Trước đó, vì vi phạm quy ước này, một số người dân nơi khác đi vào ấp câu cá bị người dân trong ấp ngăn cản. Những người đi câu cự lại rằng pháp luật không cấm câu bắt cá dưới sông công cộng.
Cùng ngày, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND H.Trần Văn Thời, cho biết: “Chúng tôi đã cho rà soát lại vụ việc, sai thì sửa. Đồng thời, chỉ đạo xã phải tháo gỡ các bảng quy uớc đó xuống”.
Chuyện khó vậy mà cũng… nghĩ ra được!
Nhiều bạn đọc (BĐ) ngỡ ngàng khi biết có quy ước lạ kỳ này. BĐ thanhsang0086 lý lẽ: “Chim trời cá nước là của thiên nhiên ban tặng, ai bắt được thì bắt nhưng không được bắt những loài nằm trong danh sách đỏ. Có luật pháp nào nghiêm cấm người dân tới địa bàn khác câu cá hoặc đánh lưới không? Mấy ông tự đem vào luật. Quá hoang đường!”. BĐ Thơ Anh thì than thở: “Chuyện khó vậy mà không hiểu sao cũng có người nghĩ ra được?”.
Nói về cái quy ước vô lý trên, nhiều BĐ cho rằng nếu thực hiện theo sẽ nảy sinh nhiều điều vô lý khác nữa. BĐ IT Mr Khuong cho rằng: “Đã vậy nên đề xuất tôm cá ấp khác không được bơi qua đây. Vi phạm lập biên bản luôn”. BĐ Công Thành Trần cũng cho biết: “Nếu áp dụng quy ước này thì dân ở đây không được đánh bắt cá biển vì biển không phải của xã, ấp! Vậy là mình tự cấm mình!”.
Trong khi đó, BĐ Tùng thắc mắc: “Đáng lưu ý là quy ước trên được Phòng Tư pháp của huyện thẩm định, phê duyệt. Tôi nghĩ, cho dù là quy ước đi nữa thì cũng phải đúng với pháp luật”. “Hay nhỉ, có cả ban bệ tư pháp, dám đứng trên cả pháp luật sao?”, BĐ Ton Tan nhận xét.
Có lập biên bản “tình làng nghĩa xóm”?
BĐ Lão Nông Tri Điền nhận xét: “Đến thế kỷ 21 rồi, thế kỷ mà cả thế giới hòa nhập, sao lại có một quy ước chia rẽ như vậy? Rồi đây có chuyện gì lớn hơn (dịch bệnh, lũ lụt...) thì dân ấp nào ấp nấy tự lo chăng?”. Theo BĐ này, nếu “không ngăn chặn kịp thời những suy nghĩ, quyết định tiêu cực thế này rồi đây dẫn đến vùng biển, vùng đất địa phương nào thì địa phương đó khai thác, không được ra khỏi vùng, thì ôi thôi bao nhiêu chuyện trái ngang sẽ diễn ra, hàng hóa làng anh không được chuyên chở ngang làng tôi... Thật không thể hiểu nổi anh cán bộ tư pháp huyện nào mà dám thẩm định, phê duyệt một quy ước trái luật như vậy?”.
Trong khi đó, BĐ Tám Công đặt câu hỏi: “Nếu theo quy ước này thì tình làng nghĩa xóm sẽ như thế nào? Ấp này ấp kia chỉ cách nhau có cây cầu bé tí, giờ phân định rạch ròi như vậy, biết con cá nào thuộc ấp nào mà đánh bắt cho đúng? Chẳng lẽ lại lập biên bản, xử lý cái “tình làng nghĩa xóm” lâu nay sao? Suy nghĩ lại đi mấy ông ơi!”. BĐ Hòa cũng cho rằng: “Không thể chấp nhận chuyện “ngăn sông cấm chợ” này. Đừng vì cái quy ước vô lý này mà làm tình làng nghĩa xóm bị ảnh hưởng”.
* Sai thì sửa nghe đơn giản ghê ta, tự đặt ra rồi sai thì sửa, chẳng ai bị gì hết?
minhtien1193
* Đúng là nực cười... Chuyện vậy mà cũng có thể xảy ra được.
thanh nguyen
* Đọc mà cứ tưởng chuyện cười thời bác Ba Phi mà không phải. Cũng may chủ tịch huyện đã nói: “Chúng tôi đã cho rà soát lại vụ việc, sai thì sửa. Đồng thời, chỉ đạo xã phải tháo gỡ các bảng quy uớc đó xuống”. Sai thì phải sửa và điều quan trọng hơn là đừng để lặp lại cái sai này nữa. Không thì dân mệt lắm.
Tiến Bộ
Bình luận (0)