'Ngoại giao gấu trúc' của Trung Quốc là gì?

'Ngoại giao gấu trúc' của Trung Quốc là gì?

La Vi
La Vi
23/06/2024 09:00 GMT+7

Có nguồn gốc từ Trung Quốc, gấu trúc qua nhiều năm đã trở thành "sứ giả của tình hữu nghị", nhưng cũng được sử dụng để thể hiện sự tức giận của Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã đề nghị gửi một số gấu trúc trong chuyến thăm Úc vào tuần này.

Điều này diễn ra khi mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc được cải thiện sau tranh chấp ngoại giao dẫn đến việc Trung Quốc áp đặt các hạn chế đối với nhập khẩu nông sản và khoáng sản từ Úc vào năm 2020.

Có nguồn gốc từ Trung Quốc, gấu trúc qua nhiều năm đã trở thành "sứ giả của tình bạn".

Nhưng gấu trúc cũng được sử dụng để thể hiện sự giận dữ của Trung Quốc.

Vậy ngoại giao gấu trúc là gì và diễn ra như thế nào?

Ngoại giao gấu trúc bắt đầu từ khi nào?

Trung Quốc đã tặng hoặc cho mượn gấu trúc để nâng cao hình ảnh quốc tế kể từ khi thành lập vào năm 1949.

Để củng cố mối quan hệ với các đồng minh xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc đã tặng 2 con gấu trúc cho Liên Xô vào những năm 1950 và 5 con nữa cho Triều Tiên trong khoảng thời gian từ 1965 đến 1980.

Năm 1972, trong chuyến thăm lịch sử của cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon, Bắc Kinh đã tặng Washington 2 chú gấu trúc Ling Ling và Hsing Hsing.

Đó là dấu hiệu bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ và đánh dấu thời điểm then chốt trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Cựu đệ nhất phu nhân Pat Nixon chia sẻ: "Và trên hết, món quà là những chú gấu trúc mà tất cả trẻ em, mọi lứa tuổi đều sẽ thích thú. Và tôi cũng nằm trong số đó".

Kể từ đó, các quốc gia khác, bao gồm Nhật Bản, Pháp, Anh và Tây Ban Nha cũng đã được tặng gấu trúc.

Chính sách ngoại giao gấu trúc là gì?

Trung Quốc đã ngừng tặng gấu trúc từ năm 1984 do số lượng của loài gấu này ngày càng giảm.

Thay vào đó, Bắc Kinh bắt đầu cho các vườn thú ở nước ngoài mượn gấu,

thường là theo cặp trong 10 năm, với mức phí hàng năm lên tới khoảng 1 triệu USD.

Việc nuôi gấu trúc có thể gây tốn kém cho các vườn thú.

Nhưng các bé gấu này được coi là tâm điểm thu hút du khách và tạo ra thu nhập cho vườn thú.

Sau khi hợp đồng cho thuê kết thúc, gấu trúc thường trở về quê nhà ở miền tây nam Trung Quốc.

Những bé gấu trúc con ra đời ở nước ngoài cũng không ngoại lệ. Chúng sẽ được gửi về nước để tham gia chương trình nhân giống của Trung Quốc.

'Ngoại giao gấu trúc' của Trung Quốc là gì?- Ảnh 1.

Gấu trúc Wang Wang tại Sở thú Adelaide

REUTERS

Ngoại giao gấu trúc diễn ra thế nào?

Trung Quốc thường sử dụng gấu trúc để tặng cho các đối tác thương mại của mình.

Một nghiên cứu của Đại học Oxford năm 2013 cho biết thời điểm Trung Quốc cho Canada, Pháp và Úc thuê gấu trúc diễn ra cùng thời điểm các thỏa thuận và hợp đồng uranium được ký kết với các nước này.

Các hợp đồng về gấu trúc với các quốc gia khác, bao gồm Singapore, Malaysia và Thái Lan, cũng cùng lúc các hiệp định thương mại tư do được ký kết.

Đôi khi, gấu trúc còn được dùng để thể hiện sự bất mãn của Trung Quốc đối với một quốc gia.

Năm 2010, Trung Quốc đã thu hồi hai chú gấu trúc sinh ra ở Mỹ sau khi Bắc Kinh cảnh báo Washington về cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống lúc đó là Barack Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Trong thời kỳ suy thoái gần đây trong quan hệ song phương, Mỹ đã trả lại Trung Quốc gấu trúc Ya Ya vào tháng 4.2023, sau 20 năm mượn.

Những lo ngại về sức khỏe của Ya Ya cũng đã thổi bùng tinh thần dân tộc trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người cáo buộc Sở thú Memphis ở Tennessee đã chăm sóc Ya Ya không chu đáo.

Vào tháng 11 năm ngoái, 3 con gấu trúc khác đã về quê, chỉ còn lại 4 con gấu trúc khổng lồ trên đất Mỹ.

Ngay sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gợi ý rằng ông sẵn sàng gửi thêm gấu trúc sang Mỹ sau cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden ở California, một cử chỉ được coi là sự sẵn sàng của Trung Quốc nhằm cải thiện quan hệ.

Các chương trình bảo tồn trong nước đã giúp cải thiện tình trạng gấu trúc từ chỗ có nguy cơ tuyệt chủng thành dễ bị tổn thương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.