Hôm qua 12.8, Bộ Ngoại giao tổ chức hội thảo “70 năm ngoại giao vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki moon và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại lễ khánh thành Một Ngôi nhà chung Liên Hợp Quốc tại Hà Nội - Ảnh: Trường Sơn
|
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, nhấn mạnh kể từ ngày thành lập cách đây 70 năm (28.8.1945), ngành ngoại giao VN đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc cũng như trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và bảo vệ an ninh Tổ quốc hiện nay. Bên cạnh đó, ngoại giao cũng góp phần to lớn trong việc củng cố và nâng cao vị thế của VN trên trường quốc tế.
Sau 30 năm đổi mới, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng khó lường, đất nước ta tiếp tục phải giải quyết nhiều vấn đề quan trọng và phức tạp về đối ngoại. Với nhiệm vụ "giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” đặt các thế hệ cán bộ ngoại giao hôm nay trước những yêu cầu mới.
Hai Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (Việt Nam) và John Kerry (Mỹ) trong một cuộc gặp tại Washington - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ
|
Phát biểu tại hội thảo, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), cho rằng ngành ngoại giao là lực lượng “thi công”, chuyển những chính sách đối ngoại được hình thành từ cấp cao nhất vào đời sống.
Theo thiếu tướng Cương, trong giai đoạn những năm 1980 khi đất nước bắt đầu mở cửa, hội nhập, ngành ngoại giao là nơi đầu tiên đưa ra các ý tưởng lớn về việc VN gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ... Ngày nay vai trò ngoại giao ngày càng quan trọng. Để bảo vệ Tổ quốc, cần xây dựng quân đội, công an, sắm vũ khí. Nhưng để đẩy lùi các nguy cơ thì mặt trận ngoại giao là số một, đi đầu... nếu sáng suốt, thông minh thiết kế các chính sách ngoại giao. “Ngoại giao làm tốt sẽ đẩy lùi các nguy cơ, tạo dựng môi trường phát triển”, thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định.
Bình luận (0)