Liverpool khởi đầu hành trình đá tập trước mùa bóng mới bằng trận giao hữu thảm bại 0-4 trước M.U. Nhưng tất nhiên đấy chỉ là loại hình bóng đá thương mại chẳng có chút giá trị chuyên môn nào. Hoàn toàn trái ngược với sự thể hiện của kết quả, chính Liverpool mới là đội đang đứng gần nhất với sự hoàn thiện trước mùa bóng mới ở Premier League. Ngược lại, M.U rõ ràng là đội ì ạch nhất trong hàng ngũ “Big 6” trên thị trường chuyển nhượng.
Dù để thua M.U 0-4 ở trận giao hữu nhưng Liverpool (phải) mới là đội hoàn thiện nhất trước mùa bóng mới ở Premier League |
Độc Lập |
HLV Juergen Klopp trả lời phỏng vấn trước trận giao hữu đầu tiên của Liverpool bằng một câu hỏi. Khi báo giới hỏi ông về kế hoạch mua sắm trong thời gian còn lại của mùa chuyển nhượng, Klopp đáp lại bằng câu hỏi ngược: “Tại sao tôi lại phải mua? Hiện không có bất cứ cầu thủ nào yêu cầu được đi khỏi Liverpool, thế thì tôi phải mua cầu thủ mới làm gì?”.
Những điểm nhấn của Ngoại hạng Anh trong gần 30 năm lịch sử |
Mohamed Salah gia hạn hợp đồng, như khoảng chục ngôi sao khác đã làm trong mùa hè vừa qua. Thế là quá đủ. Với Luis Diaz đã đến vào giữa mùa trước trong khi Darwin Nunez trở thành bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Liverpool ngay khi “cửa sổ mùa hè” năm nay mở ra, Liverpool hoàn toàn yên tâm về hàng tiền đạo mạnh nhất Premier League.
Nếu Liverpool đã mua xong cầu thủ cần mua (tiền đạo Nunez - chỉ một là đủ), thì đối trọng số 1 của họ ở Premier League là Man.City cũng đã… bán xong những cầu thủ cần bán. Raheem Sterling chuyển sang Chelsea, còn Gabriel Jesus chuyển sang Arsenal. Đấy là một hiện tượng lạ: Man.City liên tiếp bán 2 ngôi sao sang các đội “Big 6” khác - điều mà các đội mạnh ở Premier League xưa nay rất hiếm khi làm. Vốn là đội không có trung phong, Man.City dễ dàng bảo vệ ngôi vô địch Premier League với mọi cầu thủ tấn công đều có thể đá “trung phong giả” trong bất cứ thời điểm nào. Bây giờ, Pep Guardiola đã tăng cường trung phong thượng thặng Erling Haaland. Hệ quả tất yếu là kiểu tiền đạo “bá nghệ, bá thi” như Sterling hoặc Jesus trở nên thừa thãi. Họ cần ra đi để giải phóng vị trí trong đội hình, cũng như để giảm nguy cơ nội bộ lục đục vì luôn có hảo thủ không được ra sân.
Tottenham khá ổn với 2 bản hợp đồng mới mang tên Richarlison và Yves Bissouma, chưa kể Ivan Perisic và thủ môn Fraser Forster gia nhập tự do. Đây là đội không bao giờ “chịu chi tiền”, nên HLV Antonio Conte có thể hài lòng với cách chuyển nhượng khá hợp lý này.
Nhìn chung, cả Tottenham lẫn Liverpool, Man.City đều có thể bổ sung lực lượng trong những tuần chuyển nhượng còn lại, nhưng không bắt buộc. Họ đã coi như “xong việc”. Ngược lại, không thể nói vậy với Chelsea, Arsenal và M.U.
Chelsea vẫn chưa lấp được khoảng trống ở hàng thủ, khi Andreas Christensen và Antonio Rudiger đồng loạt ra đi. Kế hoạch tuyển mộ tiền vệ cũng đổ bể khi Chelsea không mua được Raphinha. Chỉ với mỗi Sterling đến thay “của nợ” Romelu Lukaku, công việc của Chelsea trong mùa chuyển nhượng còn rất bề bộn. Cũng dễ hiểu, xét trên hoàn cảnh đội này vừa đổi chủ và phải thay nguyên dàn lãnh đạo, trừ HLV trưởng Thomas Tuchel.
Cũng còn “ngổn ngang trăm việc” như Chelsea là M.U của tân HLV Erik Ten Hag. Vẫn như mọi khi, báo chí luôn kết nối M.U với hàng chục hảo thủ khác nhau, rút cuộc thì chẳng thấy ai xuất hiện. Ten Hag rất cần tăng cường một trung phong giỏi, bất kể Cristiano Ronaldo ở lại hay ra đi (dù ở lại, anh vẫn không thể thường xuyên đá đủ 90 phút). Ở mọi khu vực, M.U đều cần tăng cường hảo thủ, trong khi họ chỉ mới mua được hậu vệ cánh Tyrell Malacia.
Arsenal thì cần thêm một thủ lĩnh giữa sân, vừa để gia cố hàng thủ, vừa để chỉ huy dàn sao khá trẻ. Với Arsenal mà “chỉ” có thêm Fabio Vieira và Jesus, thì xem ra chưa đủ uy lực.
Bình luận (0)