Ngoại hình có ảnh hưởng đến thi tuyển ĐH, CĐ ?

02/02/2015 05:26 GMT+7

Gần 2.000 học sinh lớp 12 ở H.Đức Trọng (Lâm Đồng) đã tới Trường THPT Đức Trọng từ rất sớm, sôi nổi đặt nhiều câu hỏi với các chuyên gia tư vấn mùa thi.

Gần 2.000 học sinh lớp 12 ở H.Đức Trọng (Lâm Đồng) đã tới Trường THPT Đức Trọng từ rất sớm, sôi nổi đặt nhiều câu hỏi với các chuyên gia tư vấn mùa thi.
 
Học sinh H.Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) có mặt từ rất sớm và đặt nhiều câu hỏi trong buổi Tư vấn mùa thi - Ảnh: Đào Ngọc ThạchHọc sinh H.Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) có mặt từ rất sớm và đặt nhiều câu hỏi trong buổi Tư vấn mùa thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chương trình do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức, được Đài phát thanh - truyền hình Lâm Đồng truyền hình trực tiếp vào sáng 1.2.
Thấp hơn 1,5 m có vào được sư phạm ?
Nguyễn Thị Lan Anh, lớp 12 Trường THPT Đức Trọng mong muốn trở thành cô giáo trong tương lai, nhưng băn khoăn: “Em nghe nói ngành sư phạm chỉ xét tuyển thí sinh cao 1,5 m trở lên. Nếu như em thấp hơn thì có cơ hội trúng tuyển hay không?”. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thông tin: “Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, bên cạnh các tiêu chuẩn về chuyên môn, học lực, hạnh kiểm còn đưa ra những tiêu chuẩn về ngoại hình. Đây cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng hình ảnh người thầy trong mắt học sinh (HS). Thí sinh không có dị tật, không nói ngọng, không nói lắp. Thí sinh nam cao 1,55 m, nữ 1,5 m trở lên. Đây là một yêu cầu bắt buộc”.
Theo dõi chương trình trực tiếp qua truyền hình, một HS gọi điện đến đường dây nóng thắc mắc: “Em muốn học để sau này ra làm công tố viên nhưng không thấy có mã ngành này, vậy em phải học ngành nào?”. PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, Phó phòng Sau ĐH và quản lý khoa học Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: “Đây là một công việc liên quan đến luật. Do đó, em có thể đăng ký học các ngành luật dân sự, luật kinh tế… được đào tạo tại các trường ĐH như Luật TP.HCM, Kinh tế - Luật, hoặc tại một số trường ngoài công lập”.
Những câu hỏi cho thấy HS mặc dù rất chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về kỳ thi, ngành nghề qua các phương tiện truyền thông nhưng vẫn còn nhiều chi tiết HS còn mơ hồ, chưa nắm rõ. HS Nguyễn Thế An, lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: “Em muốn học ngành tâm lý học nhưng xem trên mạng thì chỉ thấy Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đào tạo ngành này. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu em nhận thấy lực học của mình không đủ đậu vào trường. Vậy có trường nào xét điểm trung bình hay không? Ra trường em có thể làm trong lĩnh vực tâm lý tội phạm hay không?”. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung tư vấn: “Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có đào tạo ngành tâm lý học, tuy nhiên em cần tham khảo điểm chuẩn để xem mình có phù hợp không. Năm 2014 ngành này lấy 17 điểm, tỷ lệ chọi là 1/4,7. Chương trình đào tạo cung cấp những kiến thức về tâm lý con người nói chung. Còn nếu em muốn nghiên cứu về tâm lý tội phạm thì cần học chuyên sâu hơn tại Trường ĐH Cảnh sát nhân dân”. Ngoài ra, ban tư vấn thông tin thêm các trường có đào tạo về tâm lý học còn có ĐH Huế, ĐH Quy Nhơn…
Nữ học công nghệ thông tin có dễ kiếm việc ?
Bên cạnh những băn khoăn về quy chế thi và xét tuyển, phần lớn HS quan tâm tới cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Nguyễn Thị Tuyết Nhi, lớp 12A3 Trường THPT Nguyễn Thái Bình đặt một câu hỏi thú vị: “Thưa thầy cô, con gái có nên học ngành công nghệ thông tin hay không? Vì em nghe nói nữ học ngành này ra rất khó kiếm việc”. Tiến sĩ Tân Hạnh, Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cơ sở TP.HCM, khẳng định: “Ngành công nghệ thông tin không phân biệt nam hay nữ, miễn là các em học tập nghiêm túc để có được chuyên môn tốt, kỹ năng và ngoại ngữ giỏi. Trên thực tế, các doanh nghiệp về công nghệ thông tin vẫn tuyển dụng rất nhiều nhân sự là nữ”.
Cũng lo lắng về vấn đề việc làm, một HS Trường THPT Đức Trọng cho biết mình thi khối D thì cơ hội xin việc sau này như thế nào? Ông Châu Minh Quí, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, đưa ra lời khuyên: “Để biết cơ hội việc làm ra sao, trước hết các em phải xác định mình sẽ chọn nghề nào, sau đó là xác định ngành học và trường học. Phải chọn ngành học đúng sở thích, năng lực và điều kiện gia đình, nhu cầu nhân lực của xã hội. Đồng thời trong quá trình học cần nỗ lực nắm vững chuyên môn, kỹ năng thì khối thi nào, ngành học nào cũng đều có cơ hội việc làm tốt”.
HS Nguyễn Thế Hùng, lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh, muốn học ngành kỹ thuật hạt nhân. “Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia em sẽ thi các môn toán, văn, tiếng Anh và hóa. Như vậy em có cần phải thi thêm môn lý mới được xét tuyển vào ngành này hay không?”, Hùng thắc mắc. Thạc sĩ Văn Quang Viên, Trưởng phòng Khảo thí - Kiểm định chất lượng Trường ĐH Đà Lạt, giải đáp: “Ngành kỹ thuật hạt nhân xét tuyển 2 tổ hợp môn tương ứng với khối A và A1 truyền thống. Nếu em muốn học ngành này thì phải thi thêm môn vật lý. Học kỹ thuật hạt nhân, sinh viên không phải đóng học phí vì đây là chương trình của Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực lĩnh vực hạt nhân của đất nước trong tương lai. Ngoài ra ở trường có ngành vật lý cũng đào tạo kiến thức về kỹ thuật hạt nhân”.
Chọn 1 hay cả 4 nguyện vọng để xét tuyển ?
Chiều 2.1, mặc dù trời nắng nhưng gần 1.600 học sinh trong H.Di Linh, Lâm Đồng tập trung tại Trường THPT Di Linh để tham dự chương trình tư vấn. Có nhiều phụ huynh cũng có mặt để đặt câu hỏi.
Phụ huynh Nguyễn Quốc Thiện có con học tại Trường THPT Di Linh lo lắng về việc xét tuyển: “Trong 4 đợt xét tuyển thì mỗi đợt thời gian là bao nhiêu? Trong 4 nguyện vọng của mỗi đợt, thí sinh chỉ chọn 1 nguyện vọng hay được chọn cả 4?”. HS Thảo Nguyên, Trường THPT Lê Hồng cũng băn khoăn: “Các trường sẽ xét tuyển trong cùng một khoảng thời gian hay trường xét trước, trường xét sau?”.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM thông tin: “Theo dự thảo quy chế tuyển sinh, mỗi đợt xét tuyển kéo dài khoảng 20 ngày. Về nguyện vọng, mỗi đợt thí sinh nên lựa chọn cả 4 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên để tăng cơ hội trúng tuyển. Nếu nguyện vọng 1 đã trúng tuyển thì các phiếu xét tuyển tiếp theo không còn giá trị”.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ lưu ý thêm, ở phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia, thời gian xét tuyển của các trường phải đảm bảo theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Riêng phương thức xét tuyển theo học bạ thì các trường có thời gian nhận hồ sơ khác nhau, thí sinh cần theo dõi thông báo của các trường thông qua trang web hoặc các phương tiện truyền thông.
Phụ huynh Nguyễn Quốc Thiện đặt câu hỏi với các thầy cô trong ban tư vấn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Phụ huynh Nguyễn Quốc Thiện đặt câu hỏi với các thầy cô trong ban tư vấn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tập trung các ngành du lịch, dịch vụ, nông lâm nghiệp
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thuộc Sở LĐ-TB-XH, Lâm Đồng là tỉnh tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía nam. “Theo quy hoạch nhân lực của tỉnh, Lâm Đồng sẽ tập trung tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo, đến năm 2020 đạt 77 - 80%. Trong đó tập trung các ngành kinh tế mũi nhọn dịch vụ, nông lâm nghiệp, du lịch, chăn nuôi - thú y, sinh vật cảnh, chế biến nông sản... Theo đó, mỗi năm tỉnh cần khoảng 30.000 lao động”, ông Tuấn cho biết.
Báo Thanh Niên xin cám ơn các đơn vị đã hỗ trợ tổ chức thành công chương trình: Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Vietravel, Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, Trường THPT Đức Trọng, Trường THPT Di Linh và các trường THPT trên địa bàn 2 huyện Đức Trọng và Di Linh, chi nhánh Viettel Lâm Đồng, VNPT Lâm Đồng, Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Lâm Đồng và Đài phát thanh - truyền hình Lâm Đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.