Ngoại hối đạt kỷ lục 53 tỉ USD

10/01/2018 07:13 GMT+7

Tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng ngày 9.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngành đã thực sự lấy lại được niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, sau nhiều năm khủng khoảng, khó khăn.

Hứa giảm lãi suất ngay tại hội nghị
Hội nghị kéo dài tới chiều tối, khi cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lắng nghe toàn bộ ý kiến, nguyện vọng của cán bộ, lãnh đạo ngành ngân hàng (NH).
Báo cáo với Thủ tướng, Thống đốc Lê Minh Hưng điểm qua các con số năm 2017 như dự trữ ngoại hối đạt 53 tỉ USD, lạm phát kiểm soát 3,53%, tín dụng tăng trưởng 18,17%, tiền "chảy" vào các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, công nghệ cao, xuất khẩu...
Lắng nghe con số này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ngành NH trong năm 2017 thành công toàn diện trên các mặt. Đặc biệt, Thủ tướng cho biết, Chính phủ tính toán năm 2020 dự trữ ngoại tệ mới có thể đạt 50 tỉ USD để đảm bảo 15 tuần nhập khẩu, tuy nhiên ngay tại thời điểm này đã đạt trên 53 tỉ USD. “Kết quả này nhờ niềm tin của người dân, doanh nghiệp và đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài vào chính sách tiền tệ và môi trường kinh doanh của VN”, Thủ tướng khẳng định.
Đối với thị trường vàng, ông Hưng báo cáo, qua thực hiện Nghị định 24 của Chính phủ, đến nay thị trường vàng tiếp tục diễn biến tương đối ổn định. Nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm, doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống duy trì ở mức thấp. “Thị trường không xuất hiện các “cơn sốt” vàng miếng; không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô. Một phần nguồn vốn bằng vàng đã bước đầu được chuyển hóa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, ông Hưng khẳng định.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các NH thương mại cổ phần báo cáo tình hình lãi suất cho vay thời gian qua đã giảm mạnh so với trước kia, cộng đồng doanh nghiệp được tiếp cận vốn rẻ, kinh doanh khởi sắc. Chủ tịch HĐQT Agribank Trịnh Quốc Khánh hứa ngày 10.1 sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn bộ hội sở, chi nhánh giảm ngay 0,5% lãi suất cho vay ngắn và trung hạn. Thủ tướng ghi nhận, biểu dương tinh thần quyết liệt này, song ông cũng lưu ý: “Cần tính toán để lãi suất tiếp tục giảm hơn nữa và giảm trên diện rộng tại nhiều NH, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh”.
Đã xử lý 705,3 nghìn tỉ đồng nợ xấu
Liên quan đến nợ xấu, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, theo thống kê nợ xấu nội bảng toàn hệ thống chiếm 2,3% tổng dư nợ (thấp hơn mức an toàn theo chuẩn quốc tế là 3%). Nếu tính cả nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, nợ đã bán cho VAMC chiếm 7,91%. Trong 11 tháng năm 2017, tổng nợ xấu đã xử lý ước đạt 93,7 nghìn tỉ đồng, nếu tính từ năm 2012 là 705,3 nghìn tỉ đồng. Thủ tướng đánh giá, nợ xấu đã được NH Nhà nước tách bạch rất rõ, giảm được từ mức 10,08% xuống còn 7,91% là rất tích cực, khả quan. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhắc nhở, quá trình xử lý vẫn còn chậm, một số tổ chức còn thiếu mạnh dạn, chưa quyết tâm.
Năm 2017, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết NH Nhà nước tiếp tục tái cơ cấu nhiều NH thương mại, đặc biệt 3 NH được mua lại 0 đồng. Các nhà băng này cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, thanh khoản ổn định. Đặc biệt, một loạt nhà băng khác làm ăn có lãi, trả cổ tức cao. Chia sẻ kết quả này, Thủ tướng cho biết, năm qua, Chính phủ nhìn thấy nhiều NH tái cơ cấu thành công, một số nhà băng nhỏ có mô hình kinh doanh hiện đại, dựa trên nền tảng công nghệ cao. Điều đó mang lại cho cổ đông sự tin tưởng.
Đánh giá chung về ngành NH năm nay, người đứng đầu Chính phủ khẳng định đó chính là “niềm tin đã trở lại”. Niềm tin khi đồng tiền VN được đánh giá trong tốp ổn định nhất châu Á, người dân giữ đồng nội tệ cảm thấy yên tâm. Niềm tin từ dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục, niềm tin vào thị trường vàng không còn sốt nóng, sốt lạnh. Để củng cố hơn nữa niềm tin này, Thủ tướng tái khẳng định: “Nhà nước luôn luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người gửi tiền trong mọi tình huống”.
“Đừng để chi tiền bạc thì lớn mà hiệu quả thấp”
Đó là nhắc nhở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết khoa học - công nghệ (KH-CN) năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 do Bộ KH-CN tổ chức ngày 9.1.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra 4 trụ cột, 3 đột phá giúp ngành này đổi mới. Theo đó, 4 trụ cột chính gồm: KH-CN phải góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, nhất là những mô hình hiện có năng suất thấp trong sản xuất nông nghiệp ở VN; thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa; tập trung phục vụ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ; KH-CN phải góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Trong 3 đột phá, đặc biệt quan tâm đến đột phá về thể chế chính sách. Cần xóa bỏ tư duy hành chính hóa, quy hoạch hóa KH-CN. Lấy dẫn chứng từ Singapore và Thái Lan đã trở thành nước công nghiệp phát triển, Thủ tướng cho rằng, thành công đó là do thể thế. “Người VN đâu phải kém, giới khoa học nghiên cứu VN rất giỏi, học sinh đi thi đều đạt giải cao... cái gì đấy, quy định nào đấy khiến chúng ta chậm phát triển đó chính là quy định từ tài chính, ngân hàng đến xét duyệt, đăng ký, thanh toán... Những vấn đề thể chế cần được tháo gỡ để KH-CN phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đột phá thứ 2 là đổi mới về phương thức đầu tư, cơ chế đặt hàng cho KH-CN. “2% ngân sách nhà nước chi cho KH-CN phải sử dụng hiệu quả hơn, đừng để tiền bạc thì lớn, mười mấy nghìn tỉ đồng nhưng hiệu quả thấp”. Đột phá thứ 3, đổi mới chính sách trọng dụng và sử dụng cán bộ, trong đó cần quan tâm đến 3 đối tượng: các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học được giao nhiệm vụ chủ trì các đề tài khoa học cấp quốc gia, các nhà khoa học trẻ tài năng.
T.Hằng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.