Nhiều công ty tư vấn đang giới thiệu các cơ hội định cư thông qua chương trình đầu tư dự án, nhất là ở Mỹ. Tuy nhiên việc chuyển tiền lại chứa đựng đầy rủi ro khi luật VN chưa cho phép cá nhân tự do chuyển tiền ra nước ngoài.
|
Công ty U. tư vấn về dịch vụ định cư Mỹ theo hình thức đầu tư EB-5, mỗi suất đầu tư vào Mỹ là 500.000 - 1 triệu USD tùy dự án. Công ty này giới thiệu hiện có 2 dự án ở Mỹ với mỗi suất đầu tư là 500.000 USD, phí quản lý dự án từ 50.000 - 55.000 USD, phí dịch vụ 30.000 USD. Hai dự án này có thời gian đầu tư từ 5 - 6 năm, lãi suất 1%/năm. Khi được hỏi làm thế nào để chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài, nhân viên công ty U. giải thích khá lừng khừng: “Nếu ngân hàng đồng ý cho chuyển thì anh chị cứ chuyển, còn không thì chúng tôi sẽ giới thiệu một công ty làm dịch vụ chuyển tiền, phí chuyển tiền bao nhiêu sau khi ký hợp đồng (HĐ) chúng tôi sẽ nói rõ".
"Chui" qua các hợp đồng khống
|
Tất cả các công ty tư vấn đầu tư qua Mỹ đều không nói trước cách thức và phí chuyển tiền cho khách hàng mà chỉ sau khi ký HĐ tư vấn khách mới được biết. Để tìm hiểu thêm về việc này, sau nhiều lần thuyết phục, anh Hà ngụ tại Q.10, TP.HCM - người đã hoàn tất hồ sơ định cư tại Mỹ theo chương trình EB-5 đồng ý kể lại quá trình tư vấn và làm hồ sơ của gia đình mình.
Anh Hà cho biết, qua các công ty tư vấn anh quyết định lựa chọn đầu tư vào chuỗi nhà hàng kinh doanh bánh mì tại California (Mỹ). Công ty tư vấn anh chuyển tiền "ăn theo" HĐ xuất khẩu của một doanh nghiệp (DN) trong nước có đối tác ở Mỹ. Đối tác này sẽ thanh toán vào tài khoản của chủ hệ thống bánh mì số tiền 500.000 USD. Ở trong nước, anh Hà nộp trả lại số tiền này cho DN xuất khẩu. Mọi thủ tục nộp tiền, thanh toán đều được thực hiện qua một đơn vị trung gian. Mức phí anh Hà phải trả lên đến 4,5% là 22.500 USD, tương đương gần 500 triệu đồng.
Nhưng phổ biến hơn là chuyển tiền thông qua một HĐ khống, như vay vốn khống, xuất khẩu khống, mua bán bất động sản khống... HĐ khống để tiền phải được chuyển vào tài khoản ngân hàng của chủ đầu tư theo quy định của Mỹ chứ không phải mang tiền mặt vào nước này. Đơn cử với giao dịch bất động sản khống. Nhà đầu tư trong nước có thể làm HĐ bán bất động sản tại VN cho Việt kiều Mỹ và yêu cầu bên mua chuyển tiền vào tài khoản cho chủ đầu tư dự án tại Mỹ. Việc mua bán này thực tế không xảy ra. Nhà đầu tư sẽ chuyển số tiền cho công ty trung gian (do công ty tư vấn giới thiệu). Công ty trung gian này sẽ chuyển trả cho Việt kiều mua bất động sản. Với hình thức này, khách hàng mất 3% phí chuyển tiền.
|
Một hình thức khác là tự tìm bạn bè, người thân, người quen biết tại Mỹ để làm HĐ vay vốn. Cá nhân ở Mỹ sẽ chuyển số tiền vào tài khoản chủ đầu tư ở Mỹ theo yêu cầu. Phí trong trường hợp này khoảng 1%/tổng giá trị đầu tư.
Theo anh Hà, việc chuyển tiền thông qua một cá nhân khác phí thấp nhất nhưng rất rủi ro vì thường chỉ được đưa lại một biên nhận viết tay. Nếu cá nhân ở Mỹ "lật kèo" thì rất khó để kiện hay đòi lại tiền.
Phí nhiều, rủi ro lớn
Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cũng cho biết, gần đây, khá nhiều người hỏi thăm về dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư theo dạng định cư. Có khách hàng còn đề nghị thế chấp nhà vay tiền ngân hàng để thực hiện chuyển tiền đầu tư theo diện EB-5, nhưng ngân hàng đều từ chối vì việc đầu tư này không có trong quy định.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết: “Theo quy định, cá nhân và tổ chức muốn chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài cần phải có giấy phép đầu tư ra nước ngoài của Bộ KH-ĐT, sau đó NHNN sẽ xác nhận tiến độ chuyển tiền ra nước ngoài và ngân hàng thương mại căn cứ theo đó thực hiện”. Ông Minh khẳng định, việc chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư, mua cổ phần và kể cả việc mua bất động sản như nói trên là trái quy định. Pháp lệnh ngoại hối có quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài nhưng hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên chưa thực hiện.
Theo các công ty tư vấn, trên thực tế các cá nhân rất khó để theo đuổi xin được giấy phép chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài trong khi họ phải hoàn thành hồ sơ trong thời gian nhanh nhất. Với những người đầu tư theo dạng EB-5 đa số là đầu tư gián tiếp dưới hình thức góp vốn cổ phần nên càng không thể xin được giấy phép. Vì vậy, họ đành phải chấp nhận mất phí rất cao để chuyển "chui" ngoại tệ sang Mỹ với rủi ro cực lớn. Đáng lo ngại là tiền cao, phí lớn, rủi ro nhiều nhưng không có gì đảm bảo được hồ sơ đầu tư định cư đều được phía Mỹ chấp thuận. Bởi còn hàng loạt những việc phía sau như chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số tiền đầu tư, nhân thân của gia đình…
Chưa hết, để được hướng dẫn các hình thức chuyển tiền, bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc tài chính để đầu tư… thì khách hàng phải trả cho công ty tư vấn 45.000 USD. Rủi ro lớn nữa là khả năng bị mất luôn số tiền đầu tư ban đầu nếu gặp phải dự án “ma”.
“Định cư lấy thẻ xanh nhanh nhất” ? Theo giới thiệu của nhiều công ty tư vấn, EB-5 là chương trình định cư lấy thẻ xanh Mỹ nhanh nhất. Sau khoảng 1,5 - 2 năm nộp hồ sơ, nhà đầu tư và tất cả thành viên khác trong gia đình (vợ/chồng và các con dưới 21 tuổi chưa lập gia đình) sẽ được cấp thẻ xanh có điều kiện. Và 2 năm sau kể từ ngày nhập cảnh vào Mỹ theo diện visa định cư, nhà đầu tư và người đi kèm sẽ được nhận thẻ xanh vĩnh viễn, đồng thời sẽ trở thành công dân Mỹ sau 5 năm. Tuy nhiên, việc có được chấp thuận trở thành công dân nước sở tại hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc sau 2 năm đầu tiên, phải chứng minh được dự án đầu tư này vẫn tiếp tục và tạo được việc làm cho ít nhất 10 người bản xứ, thì lúc đó mới đủ điều kiện để xin thẻ xanh 10 năm (thường trú nhân). Vì vậy việc thẩm định dự án có hiệu quả hay không để rót tiền đầu tư là một vấn đề khá quan trọng.
Mai Phương - Thanh Xuân
>> Cá nhân xuất cảnh định cư mang trên 1 kg vàng phải có giấy phép
>> Thực hư “du học định cư”
>> Thực hư “du học định cư” - Bài 2: Không đơn giản như quảng cáo
Bình luận (0)