Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong chuyến thăm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

06/02/2022 11:14 GMT+7

Từ ngày 7.2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Úc, Fiji và Hawaii để tham gia đối thoại với các đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific), bao gồm cuộc họp với nhóm “Bộ Tứ” ở Melbourne.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken

reuters

Ngoại trưởng Blinken đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về Ukraine. Reuters dẫn lời giới phân tích chính sách cho rằng mục tiêu của chuyến công du nhằm chứng tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với khu vực. Đồng thời, nỗ lực đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò ưu tiên trong nghị trình làm việc của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Nhà ngoại giao Mỹ sẽ rời Washington D.C ngày 7.2 và đến Úc từ ngày 9-12.2 tham gia hội đàm cấp bộ trưởng của nhóm “Bộ Tứ”, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

Kế đến, ông Blinken tại Fiji sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của nhóm đảo quốc Thái Bình Dương, trước khi đến Haiwaii gặp những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc để thảo luận về CHDCND Triều Tiên.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, đây cũng là lần đầu tiên một ngoại trưởng đến thăm Fiji trong gần 4 thập niên.

Trong thông cáo trên state.gov, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định mục đích của chuyến công du kéo dài đến ngày 13.2 nhằm “tham gia nỗ lực của các đồng minh và đối tác trong việc thúc đẩy hòa bình, sự kiên cường và thịnh vượng xuyên suốt khu vực, và thể hiện những gì có thể đạt được thông qua các quan hệ đối tác”.

Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Putin cam kết ủng hộ lẫn nhau, chỉ trích NATO

Chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ được công bố vào thời điểm Nga và Trung Quốc tổ chức đối thoại trực tiếp lần đầu tiên trong gần 2 năm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin tại Bắc Kinh hôm 4.2.

Một quan chức cấp cao không nêu tên của Washington cho biết chính quyền Tổng thống Biden có kế hoạch khởi động sáng kiến mới liên quan đến nhóm đảo Thái Bình Dương.

Trước đó, ông Kurt Campbell, Điều phối viên Nhà Trắng phụ trách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dự báo Thái Bình Dương nhiều khả năng trở thành khu vực sẽ nổi lên “bất ngờ chiến lược” trong vài năm tới đây, trước tham vọng của Trung Quốc thiết lập căn cứ tại các đảo quốc Thái Bình Dương.

“Nếu bạn hỏi tôi về những nơi nhiều khả năng xảy ra những thay đổi bất ngờ về chiến lược, dựa trên tài liệu tham khảo, những dạng thỏa thuận hoặc sắp xếp cụ thể, nơi đó có thể là Thái Bình Dương”, Reuters hôm 11.1 dẫn lời ông Campbell.

Thậm chí, quan chức Nhà Trắng còn gọi đây là vấn đề ông quan ngại nhất trong năm tới hoặc hai năm nữa. “Và Mỹ còn quá ít thời gian để hợp tác xoay chuyển tình hình với các đối tác như Úc, New Zealand, Nhật Bản, Pháp, những nước có lợi ích tại Thái Bình Dương”, theo ông Campbell.

Nghiên cứu của Mỹ là cơ sở phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.