Đài NHK ngày 17.4 đưa tin tình hình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành vấn đề nổi bật trong ngày đầu tiên của cuộc họp ngoại trưởng các nước G7, trong đó có vấn đề Trung Quốc gia tăng hiện diện trong khu vực.
Cuộc họp diễn ra từ ngày 16-18.4 tại thành phố Karuizawa thuộc tỉnh Nagano ở miền trung Nhật Bản. Ngoại trưởng Nhật Hayashi Yoshimasa và những người đồng cấp thảo luận về tình hình khu vực suốt hơn 2 giờ trong buổi ăn tối của ngày đầu tiên.
Về mối quan hệ với Trung Quốc, họ đồng ý phản đối bất cứ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lục, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Ngoại trưởng Yahashi bày tỏ lo ngại về những thách thức khác nhau liên quan Trung Quốc. Ông lưu ý về sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kêu gọi Trung Quốc cư xử như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Nhà ngoại giao này cho rằng cần tiếp tục đối thoại với Trung Quốc, làm việc về những thách thức toàn cầu và vun đắp mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định với nước này.
Các bộ trưởng chia sẻ quan điểm rằng sự thống nhất giữa các thành viên G7 là vô cùng quan trọng. Nhóm này gồm các nước Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý.
Tại cuộc gặp, các bộ trưởng còn lên án việc CHDCND Triều Tiên phóng các tên lửa đạn đạo với tần suất chưa từng thấy.
Dự kiến vào hôm nay (17.4), các ngoại trưởng G7 sẽ thảo luận tình hình Ukraine và có khả năng tái khẳng định cam kết cấm vận Nga, cũng như hỗ trợ Ukraine. Ngoài ra, chương trình nghị sự dự kiến còn gồm việc tăng cường phối hợp với những nước phát triển và nền kinh tế mới nổi ở nhóm các nước phía nam trên toàn cầu (Global South).
Trước đó, cuộc họp bộ trưởng G7 về khí hậu, năng lượng và môi trường kéo dài 2 ngày đã kết thúc vào ngày 16.4 tại Sapporo. G7 đặt mục tiêu lớn về năng lượng mặt trời và điện gió, đồng ý tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Trong thông cáo chung, các thành viên cam kết cùng tăng tổng năng lực điện gió thêm 150 GW vào năm 2030 và năng lượng mặt trời lên hơn 1 terawatt. Các bên đồng ý loại bỏ việc sử dụng năng lượng hóa thạch không kèm công nghệ nhốt CO2, nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 muộn nhất vào năm 2050.
Bình luận (0)