Ngoại trưởng Indonesia: tình hình biển Đông sẽ tồi tệ thêm nếu chỉ nói mà không làm

21/05/2014 17:20 GMT+7

(TNO) Đây chính là lúc Trung Quốc phải chứng minh cái gọi là “cam kết” mà mình liên tục khẳng định về thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) , Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói ngày 20.5.

“Đòi hỏi cần kiềm chế đã rõ như ban ngày”, ông Natalegawa trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal (Mỹ).
 
Tình hình biển Đông trở nên căng thẳng sau khi Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc cũng điều máy bay, tàu quân sự đến khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép. Tàu Trung Quốc còn đâm, bắn nước vào tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển của Việt Nam.

“Đây vừa là  vấn đề song phương nhưng lại cũng là một vấn đề của cả khu vực và ASEAN có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện để hai bên đối thoại giải quyết tình hình”, ông Natalegawa nói.

"Bằng cách không làm gì, chúng ta chỉ khiến cho tình hình tồi tệ thêm".

Trung Quốc và ASEAN đã ký kết DOC vào năm 2002, nhưng mãi đến nay hai bên vẫn chưa thể đưa ra một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nhằm cụ thể hóa tuyên bố này.

"Nếu không phải là bây giờ thì khi nào mới cho thấy DOC đóng vai trò thực sự quan trọng? Chúng ta đã đưa ra được những quy tắc chuẩn mực; thời điểm chứng minh tầm quan trọng của chúng là bây giờ", ông Natalegawa nói.

Indonesia, nơi đặt trụ sở ASEAN, lâu nay đóng vai trò “hòa giải” trong giải quyết nhiều vấn đề trong khu vực, bao gồm tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia liên quan đến một ngôi đền lịch sử.

Mới đây, Philippines lên tiếng tố cáo Trung Quốc ngang ngược xây dựng đường băng trái phép trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Không chỉ riêng Việt Nam và Philippines, Trung Quốc còn chuyển hướng sang “bắt nạt” cả Indonesia.

Trong những tháng gần đây, Indonesia đã hai lần phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý tại quần đảo Natuna của Indonesia trên biển Đông

"Làm mới tư tưởng"

Việt Nam và Philippines từng lên tiếng phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông trong kỳ họp thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào ngày 10-11.5 tại Myanmar.

Các nước thành viên ASEAN cũng bày tỏ quan ngại về hành động Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam.

Tuy nhiên, bản tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ngày 11.5 tại Myanmar lại không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc.

Ngoại trưởng Natalegawa kêu gọi các quốc gia ASEAN hãy “làm mới” lại tư tưởng của họ về biển Đông với một thái độ mạnh mẽ dứt khoát.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng thật khó hình dung các nước thành viên khác ASEAN sẽ thể hiện thái độ "mạnh mẽ" của mình như thế nào trong vấn đề tranh chấp biển Đông.

Giáo sư Dennis McCornac (ĐH Loyola Maryland, Mỹ), một chuyên gia kinh tế Châu Á, nhận định với Thanh Niên Online: "Quan hệ kinh tế với Trung Quốc quá quan trọng đối với Thái Lan hay Campuchia để khiến các nước này dám mạo hiểm gây ra rắc rối với Bắc Kinh. Nguồn thu từ khách du lịch Trung Quốc cho hai nước này là rất lớn. Myanmar cũng cần một thị trường để xuất khẩu các nguồn năng lượng và Trung Quốc đáp ứng chính xác yêu cầu này".

GS McCornac kết luận: "Ngoài ra, một số các nước ASEAN khác thì cũng đang có bất ổn nội bộ và họ cũng không có đủ các nguồn lực cần thiết để đương đầu với Bắc Kinh. Tôi nghĩ, các nước không có tranh chấp tại biển Đông chỉ thực sự cảm thấy bị ảnh hưởng nếu như căng thẳng làm tắc nghẽn luồng lưu thông hàng hải tại đây".

Phúc Duy - An Điền

>> Báo Nhật: Việt Nam và Philippines sẽ bắt tay đối phó với Trung Quốc trên biển Đông
>> Thủ tướng Việt Nam, Tổng thống Philippines sẽ bàn tình hình biển Đông
>> Trung Quốc lại ngang ngược áp lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông
>> Các nước trong khu vực sẽ liên minh chống Trung Quốc trên biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.