Ngoại trưởng Mỹ thăm Ả Rập Xê Út với hy vọng hàn gắn quan hệ

07/06/2023 14:43 GMT+7

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Ả Rập Xê Út hôm 6.6 với sứ mệnh hàn gắn mối quan hệ giữa Washington với Riyadh sau nhiều năm bất đồng sâu sắc về các vấn đề từ Iran, an ninh khu vực đến giá dầu.

Ngoại trưởng Mỹ thăm Ả Rập Xê Út với hy vọng hàn gắn quan hệ - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Blinken và Thái tử Mohammed bin Salman tại Jeddah, Ả Rập Xê Út, ngày 7.6

REUTERS

Reuters cho hay Ngoại trưởng Blinken đã gặp Thái tử Mohammed bin Salman (thường được gọi tắt là MbS), người có vai trò rất quan trọng ở Ả Rập Xê Út. Trong cuộc gặp diễn ra vào đầu ngày 7.6, hai bên đã "thảo luận việc tăng cường hợp tác kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng sạch", theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Một quan chức Mỹ sau đó cho biết ông Blinken và Thái tử MbS đã trao đổi một cách "cởi mở, thẳng thắn". Họ đã thảo luận hàng loạt vấn đề song phương từ khả năng Ả Rập Xê Út bình thường hóa quan hệ với Israel, cho đến Yemen, Sudan và các vấn đề nhân quyền.

"Hai bên có khá nhiều điểm thống nhất liên quan các sáng kiến tiềm năng mà ở đó chúng tôi có chung lợi ích, đồng thời thừa nhận những điểm khác biệt giữa chúng tôi", Reuters dẫn lời quan chức Mỹ nói trên. Quan chức này cũng cho biết cuộc gặp kéo dài một giờ 40 phút.

Theo hãng thông tấn nhà nước SPA của Ả Rập Xê Út, hai bên đã thảo luận "việc hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau cũng như những diễn biến của tình hình khu vực và quốc tế".

Ông Blinken cũng đã lên kế hoạch gặp gỡ các quan chức hàng đầu khác của vương quốc Vùng Vịnh trong thời gian lưu lại thủ đô Riyadh và thành phố ven biển Jeddah. Đây là chuyến thăm thứ hai của giới chức cấp cao Washington tại Ả Rập Xê Út trong thời gian gần đây. Trước đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã tới Ả Rập Xê Út hôm 7.5.

Liên đoàn Ả Rập chào đón Syria quay lại sau thời gian dài vắng bóng

Chuyến thăm 3 ngày (6-8.6) của nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ diễn ra sau khi quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu. Động thái này có khả năng gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ vốn đã sứt mẻ giữa Washington và Riyadh, do vấn đề nhân quyền tại Ả Rập Xê Út cũng như bất đồng liên quan chính sách của Mỹ đối với Iran.

Mục đích của chuyến đi bao gồm việc giành lại ảnh hưởng của Washington với Riyadh trong vấn đề giá dầu, chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga tại khu vực, cũng như thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Israel.

Phát biểu trong một sự kiện trước chuyến đi, ông Blinken cho biết Washington có "lợi ích an ninh quốc gia thực sự" trong việc ủng hộ bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và Ả Rập Xê Út, nhưng cảnh báo rằng việc này sẽ không diễn ra nhanh chóng.

Mối quan hệ giữa chính quyền Mỹ hiện nay và Ả Rập Xê Út đã khởi đầu một cách trắc trở vào năm 2019 khi Tổng thống Joe Biden, trong chiến dịch tranh cử của mình, nói rằng ông sẽ đối xử với Riyadh như "kẻ hạ đẳng" nếu ông đắc cử. Ngay sau khi nhậm chức vào năm 2021, ông Biden đã công bố một đánh giá tình báo của Mỹ nói rằng Thái tử MbS đã cho phép tiến hành chiến dịch bắt sống hoặc giết chết nhà báo Jamal Khashoggi của tờ The Washington Post vào năm 2018.

Chuyến thăm Ả Rập Xê Út của ông Biden vào tháng 7.2022 đã không làm giảm bớt căng thẳng và Riyadh ngày càng nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của mình đối với các quốc gia xung quanh, đồng thời cho thấy họ ít quan tâm hơn đến việc đứng về cùng phía với các ưu tiên của Mỹ tại khu vực.

Ví dụ gần đây nhất là khi Thái tử Ả Rập Xê Út trao cái ôm nồng ấm cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập hồi tháng 5. Trong sự kiện này, các quốc gia Ả Rập tái công nhận Syria sau một thập niên đình chỉ tư cách thành viên của Damacus, động thái mà Washington cho biết họ không ủng hộ cũng như không khuyến khích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.