Theo AFP, tuyên bố của ngoại trưởng Thái Lan là một kế hoạch táo bạo để lần đầu tiên đưa World Cup đến một khu vực vốn say cuồng vì bóng đá từ lâu. Đến nay, chủ nhà châu Á duy nhất đăng cai World Cup là Nhật Bản và Hàn Quốc đồng tổ chức kỳ giải năm 2002.
|
Trung Quốc được coi là quốc gia tiên phong châu Á nhắm đến kế hoạch chạy đua đăng cai World Cup sắp tới nhờ sở hữu thị trường thể thao khổng lồ, tài chính dồi dào và cơ sở hạ tầng có sẵn có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) họp tại Bangkok (Thái Lan) vào cuối tuần này đã manh nha về một cuộc chung tay đấu thầu đồng đăng cai World Cup.
“Các chính phủ nghĩ rằng điều này có thể xảy ra... 15 năm nữa”, ông Don Pramudwinai nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm với các đối tác của mình. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết “ý tưởng trên sẽ được đề xuất với các nhà lãnh đạo” của ASEAN trước khi kết thúc hội nghị vào ngày 23.6.
|
Kể từ World Cup đầu tiên vào năm 1930, 17 quốc gia đã tổ chức sự kiện bóng đá lớn nhất thế giới, đa phần các nước đăng cai đều ở châu Âu và Nam Mỹ, nơi hàng triệu người hâm mộ cuồng nhiệt bóng đá luôn ủng hộ các tuyển quốc gia của họ. FIFA thường chọn quốc gia đăng cai trước nhiều năm và World Cup 2026 sẽ đến Bắc Mỹ với các chủ nhà Mỹ, Canada và Mexico.
Tuy vậy, việc quá trình đấu thầu đến bỏ phiếu đăng cai kéo dài nhiều năm đã gây ra nhiều tranh cãi trong quá khứ. Gần nhất là các cáo buộc hối lộ và tham nhũng khiến FIFA đối mặt với rắc rối về việc Nga và Qatar đã “mua” quyền đăng cai để lần lượt làm chủ nhà World Cup 2018 và 2022.
|
Đông Nam Á là nơi có hàng chục triệu người hâm mộ cuồng nhiệt nhưng hiện lại thiếu các đội tuyển quốc gia ở nhóm mạnh trên bảng xếp hạng FIFA. Mới nhất, người hâm mộ thế giới bắt đầu biết đến bóng đá Đông Nam Á nhiều hơn sau sự trỗi dậy của các tuyển VN trong 2 năm qua ở đấu trường Giải vô địch U.23 châu Á 2018 (á quân), ASIAD 18 (bán kết) và Asian Cup 2019 (tứ kết).
Bình luận (0)