Có một định mệnh là âm nhạc Trịnh Công Sơn gắn liền với các bóng hồng trong âm nhạc. Phần lớn những tiếng hát thể hiện nhạc Trịnh thành công nhất cũng đều là phái nữ, từ những tác phẩm đầu tiên được thể hiện bởi danh ca Thanh Thúy, rồi tới Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, sau này là Hồng Nhung. Tất cả họ đều mang theo vẻ đẹp đến từ thanh âm, hình ảnh của mình vào nhạc Trịnh, tạo nên một vườn hoa đa màu sắc.
Và trong những bóng hồng đó, khán giả không thể quên được Ngọc Lan - nữ ca sĩ mang tên một loài hoa, với trường phái của riêng mình, không lẫn với bất cứ ca sĩ nào khác. Nhiều người còn cho rằng Ngọc Lan là ca sĩ hát nhạc Trịnh hay thứ ba, chỉ sau Khánh Ly và Hồng Nhung.
Trường phái Ngọc Lan, cái đẹp hát nhạc Trịnh
Bản thân nhạc Trịnh đã là một cá tính âm nhạc riêng, nhưng qua tiếng hát Ngọc Lan lại tiếp tục trở thành một trường phái độc đáo khác.
Khác với những ca sĩ còn lại, khán giả tiếp nhận nhạc Trịnh qua Ngọc Lan không chỉ bằng tiếng hát, mà còn ở sự cảm thụ về hình ảnh, tâm hồn, cuộc đời của một giai nhân đúng nghĩa. Nói cách khác, Ngọc Lan hát nhạc Trịnh với sự nữ tính đậm đặc nhất.
Trường phái Ngọc Lan trong nhạc Trịnh là trường phái của cái đẹp, của nữ tính, của tình tứ, mong manh và thuần khiết. Ở trường phái đó, nhạc Trịnh như đang vẽ một giai nhân trên nước sơn dầu, được tắm ướt dưới dòng suối nguồn, nhẹ nhàng rót từng lời ca ngọt như mật vào lòng khán giả.
Chất nữ tính ở Ngọc Lan không phải sự gượng ép hay cố tỏ ra như vậy. Nó được hình thành từ chính tính cách, tâm hồn, lẽ sống và nhân sinh quan, thế giới quan của cô. Ngọc Lan vốn là người nhút nhát và rụt rè. Lúc nào cô cũng khép nép, kín đáo, di chuyển chậm rãi nhưng đầy mê hoặc, toát lên một nét quyến rũ riêng và phả vào nhạc Trịnh. Bằng tiếng hát, Ngọc Lan vẽ nên những bức tranh đầy mềm mại, tình tứ qua thứ ngôn từ ảo diệu của Trịnh Công Sơn.
Chất nữ tính được Ngọc Lan dùng để phát triển lối hát mới cho nhạc Trịnh - lối "hát điệu". Quả thực mà nói, hiếm có ca sĩ nào hát nhạc Trịnh điệu đà như Ngọc Lan, ngọt như rót mật vào tai, mềm đến tận xương tủy. Ca sĩ nữ ai cũng có thể hát điệu, nhưng không phải ai cũng điệu một cách hấp dẫn và văn minh như Ngọc Lan.
Chữ "buồn" gắn liền với trường phái Ngọc Lan, từ đôi mắt, nụ cười, giọng hát tới cuộc đời. Cái buồn vô tình làm nên chất riêng cho trường phái nhạc Trịnh ở Ngọc Lan. Ngọc Lan hát rất buồn, nét buồn trở thành bản chất cố hữu trong giọng hát của cô và cô đã thổi nó vào nhạc Trịnh, để tăng thêm những suy tư, chiêm nghiệm, ưu sầu cho dòng nhạc này.
Bản thu Còn tuổi nào cho em của Ngọc Lan được cho là hay nhất trong mọi phiên bản, vượt qua cả bản thu của Khánh Ly.
Tiếng hát trong sáng, thuần khiết
Đa số các giọng hát nữ thành công với nhạc Trịnh đều là nữ trung với màu giọng dày, trầm, từ Thanh Thúy, Lệ Thu, Khánh Ly tới Hồng Nhung, chỉ riêng Ngọc Lan là nữ cao, sáng, mảnh (light lirico soprano). Đây là điều vô cùng đặc biệt, ghi dấu ấn lớn. Nhờ Ngọc Lan mà nhạc Trịnh được khoác lên một màu áo khác.
Giọng soprano thông thường hơi chói, gắt do sức nặng của tính kim, nhưng giọng Ngọc Lan lại pha mộc nên có độ xốp, mềm mại, uyển chuyển và ấm áp, nghe vô cùng dễ chịu, thư thái.
Âm sắc giọng Ngọc Lan gần như có một không hai và chưa từng xuất hiện lại trong dòng chảy âm nhạc, nó quá đặc biệt, tự nhiên. Ngọc Lan hát nhạc Trịnh bằng một sự nhẹ nhàng, thanh khiết, trong vắt đến khó tả, khác hẳn những ca sĩ khác.
Ngọc Lan biết phát huy tối đa chất trữ tình đặc trưng trong cữ âm của mình khi hát nhạc Trịnh. Cô không cố gắng luyến láy, đưa đẩy giọng để ra được cái trữ tình ấy, mà giữ nó xuất hiện một cách tự nhiên nhất, phù hợp với sự chân phương, đơn giản, mộc mạc của nhạc Trịnh.
Những note head voice được Ngọc Lan sử dụng trên quãng trung rất tinh tế, ém sâu vào giọng hát để tạo ra sự mượt mà, êm đềm. Việc sử dụng mixed voice với lượng head voice gia tăng hơn chest voice trên những quãng trung trữ tình khiến cho bản nhạc trở nên mềm mại và du dương hơn một cách tự nhiên. Phong cách hát nhạc Trịnh này chỉ có ở Ngọc Lan.
Bản chất giọng hát Ngọc Lan không khỏe, không phải kiểu giọng thích hợp để khuấy động, phô diễn nội lực. Điều này xuất phát từ chính thể trạng của cô. Chính Ngọc Lan cũng từng thừa nhận trong một lần trả lời phỏng vấn: "Lan hát 3 ngày liên tiếp mà mệt quá. Thanh quản của Lan không quen với việc hát nhiều".
Nhưng Ngọc Lan đã biết biến điểm yếu thành thế mạnh của mình, phát huy chất trữ tình riêng có trong nhạc Trịnh. Thay vì phô diễn cao trào, Ngọc Lan khép giọng hát lại bằng những bỏ nhỏ, ngân rung đầy tinh tế, xúc cảm. Nó hợp nhất với tính nữ tính đậm đặc trong trường phái Ngọc Lan, như lời nghệ sĩ Chí Tài từng nói trong chương trình Chí Tài lên mây: "Tôi biết chắc, chẳng riêng gì khán giả thời ấy mà ngay cả khán giả trẻ bây giờ cũng nhiều người mê Ngọc Lan. Giọng hát Ngọc Lan rất đặc biệt. Đó không phải chất giọng nội lực, hát mạnh mẽ. Đó là kiểu giọng thì thầm".
"Kiểu giọng thì thầm" mà Chí Tài nhắc đến chính là phong cách hát riêng của Ngọc Lan, hát chậm rãi, thủ thỉ như tâm tình, rót vào tai người nghe thứ mật ngọt ngào nhưng cũng đầy u buồn, âu sầu. Đó là một thứ nhạc Trịnh mang tên Ngọc Lan. (còn tiếp)
Bình luận (0)