Nếu như trong truyện Tùng, Cúc, Trúc, Mai của tác giả Ngọc Trần, mỗi nhân vật đều cất giấu một bí mật và để mất nhau vì những che giấu, toan tính cá nhân và chỉ đến khi sự thật được phơi ra ánh sáng thì tất cả các nhân vật đều đáng thương nhiều hơn, thì ngược lại Nàng hài hước, tung tẩy được xếp ngay sau Tùng, Cúc, Trúc, Mai để độc giả cân bằng lại trạng thái cảm xúc. Sau những tăm tối, u ám, người đọc thấy một mảng màu hồng tươi tắn, rực rỡ. Nhưng ngay cả Nàng - một nhân vật thật với một câu chuyện thật - người tưởng như có mọi thứ, cả nhan sắc, gia cảnh, tài năng, vẫn gặp phải những chua chát, tréo ngoe trong cuộc tìm kiếm tình duyên.
|
|
Chuyện tình của người điên là câu chuyện mà nhiều phụ nữ thấy mình trong đó khi đề cập đến bi kịch muôn thuở của hôn nhân là ngoại tình. Tác giả Ngọc Trần đã đẩy nỗi đau khi bị phản bội, khiến cho nhân vật có những hành động không ai có thể tưởng tượng nổi. Những người vốn yếu đuối, lệ thuộc lại trở thành những kẻ cực đoan nhất, để hân vật chính sắp xếp một kế hoạch trả thù hoàn hảo và bi đát.
Ám mộng - câu chuyện đan xen giữa thực và mộng, với khao khát "nếu như" trong lòng mỗi người. Ngạn ngữ Pháp có câu: "Với chữ Nếu, người ta có thể bỏ cả thành Paris vào lọ". Chúng ta thường khao khát thay đổi những điều trong quá khứ để thoát khỏi những bi kịch hiện tại, nhưng chắc gì khi chống lại sự an bài số phận, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn? Trong khi đó, với Ma làm, Ngọc Trần phản ánh các bi kịch của những ẩn ức tình dục vốn được che dấu trong những làng quê yên bình. "Tấm vé số" khắc họa những mâu thuẫn âm ỉ trong tổ ấm nhỏ, chỉ chờ cơ hội được khơi ngòi. Còn "Cú lừa" là một câu chuyện nhỏ quá quen thuộc với những người sống trong thời đại 4.0; Xem bói lại là một câu chuyện mật ngọt với cái kết bất ngờ.
Tác giả Ngọc Trần tâm sự: "Nhân sinh như kịch, kịch như nhân sinh. Tám câu chuyện được lấy cảm hứng từ những người tôi có cơ hội tao ngộ ngoài đời, phát triển lên. Tôi cố né tránh việc đi sâu khai thác dục tính, chỉ lướt qua nó để khắc họa nữ tính. Không đao to búa lớn, không răn dạy đạo lý, không mong cầu truyền đạt những tư tưởng lớn hay đạt được những điều to tát, chỉ đơn giản là kể câu chuyện của những người phụ nữ quanh đời mình".
Đó là giữa những người đàn bà trong cơn guồng quay cơm áo gạo tiền, giữa bổn phận và trách nhiệm, khi tạm đặt xuống gánh nặng của một ngày, thường thở dài tự nhủ: Ngày mai, sẽ... Nhưng không ai biết ngày mai có đến hay không, vì cuộc sống vốn quá nhiều bất trắc. Kết cục rồi thời gian cũng chẳng đứng đợi ai. Mọi người đều khác nhau về thân phận, học thức, gia cảnh nhưng giống nhau ở chỗ đều có một lần sống, vì vậy những truyện trong Ngày mai có khi là kiếp sau của nhà văn Ngọc Trần như lời thủ thỉ nhẹ nhàng, rằng: "Muốn gì, yêu ai, hay dành chút thời gian thương mình thì hãy làm ngay đi, vì không ai biết ngày mai có khi đã là kiếp sau".
Bình luận (0)