Trải qua hàng trăm năm, dù kiến trúc bên ngoài có thay đổi nhưng nội thất vẫn giữ nét cổ kính của một chùa xưa khiến du khách không thể không ghé thăm.
Tọa lạc trên đường Anh Giác, P.3, TP.Mỹ Tho, cổng tam quan chùa Bửu Lâm được xây dựng hình cổ lâu. Tầng trên trang trí nhiều hoa văn rồng phượng và những câu đối ý nghĩa thâm trầm. Tầng dưới có 3 cửa ra vào, ngụ ý là 3 cửa đạo Không môn, Vô tướng và Giải thoát môn.
tin liên quan
Kỳ lạ ngôi chùa nhiều tượng Phật nhưng chỉ có một nhà sư ở miền TâyVới tổng số 145 pho tượng Phật, la hán lớn nhỏ trong khuôn viên, Già Lam Cổ Tự được xem là ngôi chùa có nhiều tượng nhất ở miền Tây. Thế nhưng ở đây lại chỉ có độc mỗi thầy trụ trì, ngày ngày trông nom.
Đường vào chùa hai bên sân rộng bày các hình tượng mô tả các cảnh Tất Đạt Đa giáng sinh, Thái tử xuất gia, Thích ca Mâu ni thành đạo, Đức Phật thuyết pháp, Đức Phật nhập niết bàn…
Trừ ngôi nhà trù phía bên trái, chùa Bửu Lâm xây dựng theo mô hình chữ “khẩu”. Tất cả có 5 công trình kiến trúc gồm: Đại hùng bảo điện, Hộ pháp đường, Bát nhã đường và hai nhà nối liền Đại hùng bảo điện với Bát nhã đường. Trong chùa có nhiều pho tượng niên đại trên 200 năm như tượng tổ sư Bồ đề Đạt Ma đúc vào năm 1802.
|
Ngoài ra, ở phía trên có 3 tấm hoành phi chạm trổ tinh xảo. Tấm giữa đề chữ Đại hùng bảo điện, tấm bên trái đề chữ Tây thiên đại thánh, tấm bên phải đề chữ Nam quốc chí tôn. Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì các bức hoành phi này đều do 3 nữ tín đồ là bà Hàn Thị Trinh ở Mỹ Tho, bà Lâm Thị Oanh ở Cần Thơ và bà Lê Thị Ngỡi ở Ba Tri hiến cúng vào năm 1909.
Khung hoành phi đều chạm nổi tứ linh. Tất cả các bức hoành đều chạm 3 lớp: lớp ngoài chạm chữ, lớp thứ hai chạm hoa văn, lớp sau cùng chạm hồi văn. Cũng theo ông Tường thì lớp hồi văn này phải là những nghệ nhân tay nghề rất cao mới chạm được, bởi vì khi thực hiện người ta phải chạm thuộc lòng chứ không thể vẽ kiểu được.
tin liên quan
Kỳ lạ những tượng phật 'khổng lồ' ở miền TâyThời gian qua, nhiều tượng Phật khổng lồ được xây dựng tại các chùa ở miền Tây không chỉ có ý nghĩa tôn giáo sâu sắc mà còn tạo thành những điểm nhấn tham quan hấp dẫn đối với khách thập phương.
Chùa Bửu Lâm hiện còn khoảng 40 câu đối chữ Nho, phân nửa số liễn đối khắc trên gỗ treo ở gian chánh điện, Hộ pháp đường, Bát nhã đường đều được chạm khắc từ đầu thế kỷ 20. Hiện nay có vài bức ở chánh điện đã mục lộ phần gỗ bên trong, thớ gỗ cho thấy các nghệ nhân xưa đã dùng cây kè bổ đôi rồi chạm khắc.
|
Theo truyền thuyết dân gian, xưa có một ni cô già giỏi nghề thuốc về đây khai khẩn đất hoang trồng các loại thuốc nam, bà dựng một cái am nhỏ thờ Phật, đêm tụng kinh, ngày xem mạch bốc thuốc trị bệnh cứu người.
Dần dần cái am đó trở thành ngôi chùa, nhưng chưa có danh hiệu. Sau khi ni cô viên tịch chùa trở nên vắng vẻ. Đến năm 1803, có một người tên là Nguyễn Thị Đạt xuất tiền xây lại chùa và rước hòa thượng Tiên Thiện Từ Lâm về trụ trì. Hòa thượng đặt tên chùa là Bửu Lâm.
Đến Tiền Giang, dường như ai cũng muốn ghé ngôi chùa trên 200 năm tuổi để chiêm ngưỡng kiến trúc xưa cũng như ngắm những pho tượng quý... và thầm cầu nguyện sự yên lành, hạnh phúc cho mình cùng những người thân..
Bình luận (0)