Ngôi cổ miếu huyền bí

Ba Thắc cổ miếu ở Sóc Trăng là một cơ sở thờ tự của người Khmer Nam bộ. Nơi đây có nhiều huyền thoại linh thiêng được dân gian truyền miệng. Đặc biệt là những bộ xương người lộ thiên và chuyện kho báu dưới lòng đất.

Tọa lạc tại ấp Chợ Cũ, TT.Mỹ Xuyên, H.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), Ba Thắc cổ miếu là một cơ sở thờ tự theo tín ngưỡng thờ Néak Tà của người Khmer Nam bộ. Nơi đây có nhiều huyền thoại linh thiêng được dân gian truyền miệng. Đặc biệt là những bộ xương người lộ thiên và chuyện kho báu dưới lòng đất.
Miếu thờ thần bảo hộ
Ngôi miếu không lớn, lại bị che khuất bởi cây bồ đề cổ thụ nên không khí âm u, tĩnh mịch. Ở gian chính, trên khung cửa có tấm hoành Ba Thắc cổ miếu viết bằng chữ Hán, phía dưới chú bằng chữ quốc ngữ. Bên ngoài, ở cửa vòm hàng hiên có đắp chữ số 1927, có lẽ là năm trùng tu cổ miếu.
Trước sân miếu xây một cái tháp thờ Chiến sĩ trận vong theo mô tuýp hiện đại. Ở bên trong gian miếu bố trí các câu liễn, hoành phi chữ Hán và cả dàn lỗ bộ hai bên bàn thờ vốn thường thấy trong các ngôi đình của người Việt ở Nam bộ.
Ông Quách Phụng Hoàng (82 tuổi) cho biết gia đình ông gốc là người Triều Châu, tới định cư ở vùng này đến nay đã ba đời. Ngày xưa ở khu vực này ngoài ngôi miếu Ba Thắc còn có 2 cái am thờ bà Thượng động Cố hỉ và bà Chúa xứ, cùng miếu thờ ông Hổ. “Nghe ông bà kể lại, miếu Ba Thắc lúc đầu cất bằng gỗ, nằm ở bìa rừng hoang vu. Đến năm 1927, những người trong bang hội Triều Châu cất lại. Mãi đến sau năm 1990 mới được sửa chữa và đến năm 2003 trùng tu thêm lần nữa…”, ông Hoàng kể.
Bàn thờ “Ông Tà” Ba Thắc ở vị trí trung tâm cổ miếu. Trên bệ thờ cao có một khám thờ uy nghi, sơn son thếp vàng. Trong khám thờ đặt một hòn đá trứng thuôn dài, được người dân địa phương nhủ vàng.
Theo ông Quách Phụng Hoàng, ông Ba Thắc là người gốc Khmer, nhưng có người nói là gốc Chàm. “Xưa lắm, nghe nói ông được thỉnh từ chùa Miên qua đây cất miếu thờ, người dân địa phương gọi ngôi miếu là “chùa Ông Ba”. Đặc biệt trong dân gian tồn tại truyền thuyết cho rằng, ông Ba Thắc là một hoàng tử của nước Lào, vì xung đột mà phiêu bạt sang đây rồi lạc tới Bãi Xàu định cư. Ông có công biến mảnh đất này thành nơi trù phú, nên khi qua đời, để tưởng nhớ công ơn, người ta xây miếu thờ ông”, ông Hoàng nói.
Tham khảo ý kiến nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, ông cho biết người Khmer thờ Néak Tà như người Việt thờ vị thần bảo hộ. Do đó có thể hiểu, miếu Ba Thắc thờ vị thần bảo hộ cho xứ Ba Thắc xưa.
Còn chuyện cặp thần xà ở gốc cây bồ đề cổ thụ tu thành chánh quả, được nhiều người cao tuổi trong ấp Chợ Cũ kể lại, cũng như chuyện rắn thần mất trứng gây ra một trận giông dữ dội, làm cây cối, nhà cửa sụp đổ… được truyền tụng ở Bãi Xàu là ảnh hưởng tín ngưỡng thờ thần Naga gốc Ấn được Việt hóa.
Bí ẩn xương người lộ thiên
Trong khuôn viên Ba Thắc cổ miếu, mấy năm gần đây, cứ sau một trận mưa lớn thì lộ lên xương, cốt của người xưa, đa phần là xương ống chân, tay. Năm 2008, số xương cốt được Ban quản lý cổ miếu gom lại vào 2 cái quách rồi xây một ngôi mộ để nhang khói. Hiện nay sân miếu đã được lót xi măng nên việc phát hiện hài cốt không còn nữa. Nhưng trong khu vực này thỉnh thoảng vẫn còn, chỗ khu vườn miếu Bà Thượng động cũng có.
Trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ Trịnh Công Lý, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư du lịch TP.Sóc Trăng, cho biết một số nghiên cứu về vùng đất Ba Thắc cho thấy khu vực chung quanh miếu Ba Thắc là nơi từng xảy ra chiến trận. Ông Lý đề nghị các nhà khảo cổ học nên vào cuộc tiến hành khai quật, xác định niên đại cũng như về nhân chủng học của những bộ xương để có kết luận chính xác.
Người dân địa phương cho biết vào năm 2002, khi tiến hành đào móng sửa lại miếu, người ta còn phát hiện được một số chén, dĩa, tiền đồng và cả xương người… bị vùi lấp dưới nền gạch. Từ đó, nhiều người đồn đoán rằng dưới miếu chôn giấu một kho báu...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.