Ngồi đường - Truyện ngắn của Hồ Anh Thái

Trong lớp tôi có một cặp vợ chồng. Mary và Brian, người Mỹ. Họ ra vào nhẹ nhàng, gần như là khép nép, gần như là nhón gót mà đi. Nói năng thì gần như là nói thầm, có khi đấy là kiểu nói của người Mỹ. Sau này sống trên đất Mỹ, trong đám người quen, tôi hầu như không gặp người nói to.

Vợ chồng Brian càng không dám ăn to nói lớn sau một sự cố. Trong lớp có một nhóm mấy người gốc Ấn từ Trinidad và Guyana sang. Vừa Ấn vừa Nam Mỹ, họ ăn sóng nói gió, hễ có dịp là nhảy múa hát ca ngay trong lớp. Một phụ nữ trung niên cực kỳ lập dị. Chị ta chiếm ngay một cái ghế ở hàng đầu, rồi bày xuống dưới chân tất cả những túi đồ mới tranh thủ mua được trên đường đến lớp. Như một bà hàng xén ở chợ, phải chạy lưu động vì không có chỗ ngồi cố định. Chị ta thì tất nhiên có chỗ ngồi cố định. Đố ai dám chiếm cái ghế hàng đầu ấy. Nó như một cái ngai nữ hoàng.
Nhưng. Sự đời bao giờ cũng có chữ nhưng. Anh chàng Yuki nhập học muộn ba tuần, ngày đầu vào lớp, anh đã không biết mà ngồi vào cái ngai ấy. Anh chàng người Nhật đã chiếm ngai của quý bà Guyana. Chị ta đến lớp muộn, vào lớp thì thầy đang giảng rồi, ghế cũng bị chiếm rồi. Đành đi xuống ngồi vào cái ghế gần cuối lớp, cạnh vợ chồng Brian. Cả lớp mười lăm người kín đáo quan sát chị ta. Vợ chồng Brian càng thu mình lại. Ai cũng cảm thấy sắp nổ bùng một cuộc tổng phản công. Quý bà Guyana thỉnh thoảng lại lầm bầm, người đời không tự xác định được chỗ ngồi của mình.
Bầu không khí căng thẳng, nhưng cũng qua được ngày đầu.
Sai lầm của cả lớp là không ai nói cho anh bạn Nhật biết rằng cái ngai ấy chỉ dành cho quý bà. Vậy là hôm sau anh ta lại ngồi vào đấy. Cũng là tại anh ta cứ đến sớm và bà kia cứ đến muộn. Đến muộn thì thấy ngai vàng đã bị chiếm. Quý bà lại ôm mấy túi đồ xuống ngồi bên dưới. Hậm hực. Ngọ nguậy vùng vẫy trên cái ghế không xứng với mình.
Rốt cuộc nỗi hậm hực ấm ức nổ bùng ra. Một cuộc chiến đơn phương không tuyên bố. Một cuộc tập kích chiến lược. Quý bà cầm một cái túi ni lông đựng rau xăm xăm đi lên. Quý bà đập cái túi rau ấy lên đầu cậu người Nhật. Mày chiếm ghế của tao. May là cái túi rau nhẹ và xốp. May là rau không văng ra. Cậu Yuki sốc quá, sốc đến mức không chạy được, cứ ngồi chết cứng mà tròn mắt nhìn lên kẻ địch. Bỗng dưng tai họa đập xuống đầu. Quý bà quay lên thấy thầy giáo đang nhìn xuống theo kiểu để yên xem sao, quý bà phân bua: “Nó chiếm ghế của tôi, giờ thì nó phải trả ghế”. Ngôn đi đôi với hành, quý bà xách cổ áo anh chàng Nhật lôi dậy, rồi chỉ tay xuống cuối lớp. Ý là chỗ của mày ở dưới kia.
Ngai vàng được khôi phục bằng bạo lực. Từ ấy tôi để ý thấy vợ chồng Brian càng nói năng nhỏ nhẹ, càng đi đứng khép nép. Tác phong già của một cặp vợ chồng trẻ, trông thật là ái ngại. Đang đứng với nhau ở hành lang mà thoáng bóng quý bà đi tới là chúng lẩn ngay ra xa. Trông cứ như là rất cung kính, nhưng ai biết trong đầu chúng nghĩ gì.
Lớp được đi tham quan New Delhi một ngày. Đúng ngày có biểu tình. Hàng trăm người dưới chân Ấn Môn, một kiểu Khải Hoàn Môn của Ấn Độ. Băng cờ biểu ngữ sặc sỡ tua tủa, loa đài đinh tai nhức óc. Khẩu hiệu chốc chốc lại hô vang. Đả đảo bọn Mỹ.
Sao lại đả đảo bọn Mỹ? Lúc đó đang là chiến tranh vùng Vịnh, kéo dài đến đầu năm 1991 vẫn chưa hết. Liên quân hơn ba chục nước do Mỹ cầm đầu đang can thiệp vào Iraq. Hầu như cả thế giới Hồi giáo phản đối sự can thiệp quân sự này. Người Hồi khắp thế giới biểu tình chống Mỹ. Người Hồi giáo ở Ấn Độ cũng biểu tình. Hindu mới là tôn giáo chính, nhưng Ấn Độ có cộng đồng Hồi giáo đứng thứ ba trên thế giới, gần một trăm năm mươi triệu người.
Vợ chồng Brian tái mét. Nhìn thì biết cặp vợ chồng người Mỹ này đang rất hoảng nhưng cố giữ bình tĩnh. Tôi đi bên cạnh, có ý che chắn cho chúng và sẵn sàng giúp chúng thoát thân.
Giữa đám đông reo hô ồn ã, một anh chàng Ấn đội chiếc mũ trắng như cái bát úp, cái mũ của đàn ông Hồi giáo, bám theo Brian để làm quen. Anh ta thấy một người ngoại quốc tóc vàng mắt xanh thì đoán là một người nước ngoài có cảm tình với đoàn biểu tình. Cảm tình thì chuyện trò cho vui. Anh bạn Ấn hỏi, cậu từ đâu tới, where do you come from? Một câu hỏi bình thường, “từ đâu” là đầu câu chuyện. Vậy mà Brian hơi giật mình, rõ ràng là hơi giật mình. Nhưng rồi nó cũng nở được một nụ cười mà đáp: I’m from Wisconsin. Câu đáp bình thường mà lại không bình thường. Hỏi “từ đâu tới” hàm ý cậu là người nước nào. Nhưng Brian lại trả lời bằng cái địa danh Wisconsin, một bang nhỏ phía bắc nước Mỹ. Không nói tôi từ Mỹ đến, mà nói tôi từ Wisconsin đến.
Anh chàng người Ấn hỏi lại, Wisconsin à? Brian lại cười khiêm nhường: Vâng, Wisconsin. Chàng người Ấn chắc đang điên cuồng lục lọi tìm kiếm trong đầu xem Wisconsin là cái nước nào mà anh ta chưa từng nghe, chắc là một nước nhỏ nào đấy bên châu Âu. Brian ta chớp lấy cơ hội, chào một câu rồi đi. Rất vui được gặp cậu. Đi. Lẩn rất nhanh vào đám người. Tôi bám ngay sau như bọc hậu. Giờ thì Brian đã có kinh nghiệm. Giữa đám biểu tình đang phẫn nộ với người Mỹ, nếu được hỏi người nước nào, Brian sẽ trả lời: Wisconsin. Một cái bang nhỏ bỗng chốc được nâng lên quy chế một nước. Rõ ràng là có trả lời, mà không cần phải trưng cái tên nước Mỹ ra.
Vợ chồng Brian năm ấy đều ba mươi, lấy nhau được năm năm rồi nhưng chưa có con. Bàn bạc cân nhắc mãi, cuối cùng họ đi nhận con nuôi. Mang về một con bé tám tháng tuổi khóc đến là to. Âm lượng phải gấp mười lần giọng của Brian và Mary cộng lại. Một ngày cuối tuần, chúng mời tôi đến nhà chơi rồi ở lại ăn trưa. Bố mẹ nói năng cứ nhỏ nhẹ thì thầm khiến cho ông khách cũng phải thì thầm theo. Chỉ có đứa con là cứ khóc váng lên, đến lúc không khóc, chỉ bi bô thì bi bô cũng đủ cho cả nhà nghe. Lúc ấy tôi mới hỏi, sao người Mỹ chúng mày nói gì cũng nhỏ, nhiều lúc nghe chẳng rõ, vậy khi nào thì mày nói to? Brian thì thầm: Nghe rõ chưa, như thế này là tao đang hét đấy.
Vào bữa ăn, vợ chồng nó và tôi ngồi bên bàn, nó hỏi rất nhún nhường: Mày không phiền nếu chúng tao cầu nguyện chứ? Rồi hai vợ chồng hơi cúi đầu nhìn vào mép bàn. Brian thì thầm. Lạy Chúa ở trên trời cao, Người lại ban cho chúng con một bữa ăn nữa trong bình yên, chúng con là Mary và Brian, và thêm Thái cùng ăn với chúng con, amen.
Tôi nhận ra rồi. Lúc nào cũng nhẹ nhàng thủ thỉ khiêm nhường thế ấy, như là lúc nào cũng nói với Chúa ở trên cao.
***
Thỉnh giảng ở Đại học Maryland, có lần tôi bay sang Wisconsin thăm vợ chồng Brian. Thành phố cũng tên là Madison, nhưng không phải quận Madison bên Iowa, nơi có những chiếc cầu của Clint Eastwood và Meryl Streep. Madison này thủ phủ một bang, nhưng chỉ có 250.000 người. Đã thế, vợ chồng Brian lại còn ở ngoại vi thành phố.
Trước chợ cá lảng vảng dăm ba người ngồi theo kiểu chợ người ngồi chờ việc. Nhìn thoáng qua là biết có vài ba người da đỏ và vài ba người H’mông. Giống như trước chợ cá ở Seattle và chợ cá ở Minneapolis, cũng đôi ba người H’mông. Không thể gọi họ là người thất nghiệp, họ là kiểu người tình nguyện chấp nhận không có việc làm thì đúng hơn. Cũng như người da đỏ, thu nhập chính là tiền trợ cấp. Tháng tháng lĩnh tiền trợ cấp xong thì tiêu hết trong một ngày, hai mươi chín ngày còn lại ra đứng đường. Đàn ông đàn bà gì cũng đứng đường, đàn ông thì bốc vác chôm chỉa, đàn bà thì chờ có đàn ông nào đến dắt đi.
Người Anh điêng da đỏ thì không nói, còn người H’mông xứ nóng thì phải là trời đày mới ngụ cư xứ lạnh lẽo này. Đám ở trước chợ đúng ra không gọi là đứng đường mà là ngồi đường. Cái dáng ngồi rất đặc trưng. Ngồi lừ lừ. Ngồi như ngủ. Ngồi hóa đá. Ngồi uể oải chán chường. Ngồi còng lưng thõng hai cánh tay trên đầu gối. Mắt chằm chằm nhìn điếu thuốc kẹp giữa hai đầu ngón tay như không phải để hút mà để ngắm nhìn điếu thuốc cháy cho đến hết.
Vợ chồng Brian không chỉ có một đứa con nuôi, mà là hai. Đứa con gái mang từ Ấn Độ về, giờ đã mười chín tuổi. Nó đòi ra sống riêng khi vừa tròn mười tám tuổi. Sao con phải đi thuê nhà, cái nhà này chưa đủ rộng cho con hay sao? Nó bảo, bố mẹ cứ để cho con đi, cuộc đời ngoài kia chắc chắn là rộng hơn một căn nhà.
Nó đã nói thế thì không ngăn cản gì được nữa. Wisconsin chỉ là một bang nhỏ. Madison chỉ là một xứ tỉnh lẻ. Dù gì ở nơi ấy, người ta vẫn còn duy trì một nền nếp gia đình, một mối gắn kết hàng xóm láng giềng. Để cho con ra khỏi nhà mà tự lập, bố mẹ nào cũng cảm thấy có chút vương vướng khi phải chạm mặt láng giềng, phải giãi bày với hàng xóm.
Đứa thứ hai là một thằng bé da trắng. Vợ chồng Brian nhận nuôi nó từ một trại trẻ mồ côi khi nó gần hai tuổi. Bố mẹ nó bị chết trong một trận thanh toán băng đảng ở một khu ổ chuột. Ở trong nhà mình thì nó cũng theo nếp nhà mình, cũng học hành đầy đủ. Luôn luôn được nhắc nhở rằng mình là nhà có đạo. Chẳng hạn đi đêm về muộn thì phải xin phép trước, không xin phép trước thì bị nhắc nhở. Mọi sự cứ phẳng lặng mà trôi, cho đến mấy tháng trước, nó cũng bỏ nhà mà ra đường.
Nói theo kiểu người Việt thì vợ chồng Brian không mát tay, con nào cũng bỏ mà đi. Cũng nói theo kiểu người Việt, công anh bắt tép nuôi cò, cò ăn cò lớn cò dò lên cây.
Một buổi tối, Brian và tôi đi dạo qua trước một cái bar. Trước cửa quán có một người đứng làm tượng Michael Jackson, từ đầu đến chân như nhúng trong một lớp kim loại bạc. Cách đó một quãng là một thanh niên khoảng mười sáu mười bảy tuổi ngồi bệt xuống vỉa hè, tựa lưng vào tường. Cái kiểu ngồi cực kỳ chán đời. Hai cẳng chân dài co lên, đầu gối quá tai, trong khi đầu tựa tường mà mắt hơi nhìn lên. Nhìn lên tức là chẳng nhìn ai. Phía trước mặt gã là một cái bát nhôm, bên trong có mấy đồng xu lẻ.
Cả Brian và tôi đều hơi giật mình. Trước hết là tôi. Gã thanh niên tóc vàng da trắng mắt xanh nếu chỉ cắt lấy cái phần từ cổ trở lên thì hoàn toàn là đầu của một pho tượng thiên thần. Những búp tóc vàng trên một gương mặt bầu bĩnh trong trắng. Con nhà ai mà to cao đẹp đẽ thế kia ra ngồi đường xin mấy đồng xu lẻ. Thiên thần sa cơ. Thiên thần ngồi đường. Từ cổ trở xuống thì lại là dáng ngồi so vai đầu gối quá tai của một kẻ như là thiếu thuốc.
Tôi rút ra tờ mười đô, không bỏ vào cái bát mà chìa ngang ra trước mặt gã trai. Tôi thừa biết cách thức đưa tiền cho người xin tiền ở những nơi như thế này. Người ta không đưa tay chuyền tay, cũng không nhận tay chuyền tay. Muốn cho thì bỏ vào cái bát hay cái mũ đặt trước mặt người xin. Tay chuyền tay, rất có thể ta bị chụp ảnh và nhân viên an ninh có thể phải mất công phân tích bức ảnh ấy, xem có phải ta mua bán trao tay ma túy hay không.
Nhưng lúc này tôi cứ muốn đưa theo kiểu chuyền tay. Mình chìa tay ra đưa. Nó phải chìa tay ra nhận. Một sự trao nhận giao cảm trực tiếp mà nếu ai chỉ quen làm từ thiện qua mạng internet thì sẽ không bao giờ cảm nhận được.
Tôi chìa tay ra. Gã trai chỉ hơi hạ ánh mắt xuống một tí liếc nhìn tờ giấy bạc. Rồi gã uể oải chỉ một ngón tay xuống cái bát. Ngón tay gã bất động chỉ mãi vào đấy. Một lúc lâu. Như thể ngón tay gã cũng đã đông cứng lại rồi. Đến lúc ấy thì tôi bỏ cuộc. Tôi cúi xuống bỏ tờ tiền vào cái bát rồi đứng thẳng dậy bên cạnh Brian.
Tôi để ý thấy Brian cũng đã giật mình. Một thoáng chua xót trên nét mặt anh. Nét chua xót như chia sẻ như cảm thông, lại cũng có vẻ gì như nỗi xót xa của người trong cuộc. Hình như anh đã định giơ tay ra ngăn tôi đưa tiền. Hình như anh đã thọc tay vào túi áo trong định lấy ví tiền. Hình như anh định nói một câu gan ruột với gã trai. Gã trai nhìn anh như nhìn vào chỗ không người, mà có khi gã cũng chẳng nhìn. Gương mặt gã khô khốc vô cảm. Brian định nói gì đó, dáng vẻ như cha nói với con. Nhưng rồi cái cảm xúc trên gương mặt anh cũng được kìm nén rồi lặng lẽ mà lặn dần đi.
Lại một lần nữa vợ chồng anh cầu nguyện trước bữa ăn. Vẫn chỉ có ba người giống như gần hai chục năm trước ở Ấn Độ. Brian và Mary hơi cúi đầu xuống. Thì thầm. Lạy Chúa ở trên cao, chúng con xin cảm ơn Chúa vì đã cho chúng con thêm một bữa ăn bình yên. Hôm nay có Thái ngồi với chúng con. Lạy Chúa ở trên cao. Amen.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.