Nhìn cảnh anh chị em trong nhà cãi vã thiếu điều chém nhau vì ba sào đất cha má để lại, Phúc nhún vai bỏ xứ ra đi sau khi phán một câu xanh rờn:
- Đừng kể tên tui trong vụ chia chác nầy. Mấy ông mấy bà ăn hết đi.
Phúc lưu lạc lên phố lớn với duy nhất cái chứng minh nhân dân. Không sao. Tiền ở trong tay chứ không hề từ trên trời rơi xuống. Và nghề thợ hồ bất kỳ thời nào cũng ngon lành kiếm ra tiền. Chỉ cái hơi kẹt là mùa mưa đến thì nghiệp xây tô chịu sầu. Những ngày ấy anh em thợ tụ lại và ăn nhậu mút mùa lệ thủy. Đi đó đi đây và ăn nhậu có tầm nên Phúc rất sành vụ chế biến mồi nhậu. Bạn nói:
- Ba bữa mày lấy vợ mở quán nhậu là bá cháy Phúc ơi.
Thợ hồ tha phương mười thằng tự do đúng một chục. Không lý na vợ con theo cho rách việc à? Vậy nên sau chén rượu là tất cả rủ nhau đến các quán cà phê đèn mờ. Đàn ông, cái gì thiếu họ cũng chịu được và chịu tốt nhưng thiếu đàn bà thì - xin thưa - không. Tại sao ta phải nhịn khi xinh như hoa đầy trong các quán? Hai trăm nghìn một ly cà phê được người ngọc âu yếm như tình chả rẻ lắm ru? Thợ ngày bốn trăm nghìn. Tuần sáu ngày ta có hai triệu tư. Tuần một lần trong mát xa thư giãn hay karaoke ôm còn được nói chi ba cái cà phê đèn mờ đúng nghĩa bình dân.
Và rồi trong một đèn mờ Phúc gặp Bích Dung.
Phúc không hề là một gã tay mơ trong lĩnh vực ái tình. Chuyện bỏ xứ ra đi ngoại trừ không màng vụ đất đai anh còn buồn vì người yêu đi lấy chồng. Cô gái chê anh ngu khi không giữ ít đất cho mình. Trên răng dưới dép lấy nhau rồi cạp đất mà ăn à? Trên bước lưu lạc Phúc có yêu thêm vài em nhưng bất thành vì thợ hồ như Phúc sao mà hiu quạnh quá. Nhà không. Xứ sở tít mù mù thì tương lai ở đâu?
Không hiểu sao anh quyến luyến Bích Dung.
Bạn thợ nói:
- Con quỷ cái cho mày uống bùa mê rồi. Không ai tin nước mắt lầu xanh là thiệt đâu Phúc ơi. Nó chỉ có cái coi được chứ có gì mà mày đuối? Một ngày nó ôm chí ít vài thằng thì mày nghĩa lý chi?
Ngoại trừ những điều bạn bè nói Phúc còn biết thêm Bích Dung có chồng và có hai con trai. Hai con của nàng đang ở với ông bà ngoại. Chồng nàng là một thứ đàn ông vô trách nhiệm. Nó bỏ mặc con cho nàng rồi bê tha vô rượu. Chán lắm anh à... nàng thút thít trên vai Phúc... em làm nghiệp nầy chủ yếu nuôi con...
Nàng nói khi Phúc mời nàng đi nhà nghỉ:
- Em chỉ tâm sự với khách chứ không đi xa hơn đâu anh.
Rồi nàng tâm sự rằng mỗi lượt khách nàng có một trăm, còn lại là của chủ. Quán kiểu nầy ngoại trừ “mặt rô” bảo kê đề phòng khách say xỉn quậy quọ còn phải biết điều với quan chức sở tại. Họ kiểm tra là dẹp tức khắc. Khách ôm ấp hun hít để có trăm ngàn là nhục lắm rồi - nàng nói - đi nhà nghỉ thì...
Rồi nàng lại thút thít.
Sư bố nó cái tình. Cái tình là cái chi chi vậy kìa? Thoạt tiên Phúc thinh thích, rồi thích. Cuối cùng lúc nào Bích Dung cũng trong tâm tưởng anh. Nghĩa là Phúc yêu cô phục vụ của quán đèn mờ có tên Bích Dung mất rồi.
Một sáng kia anh em thợ không thấy Phúc và quán đèn mờ cũng mất cô phục vụ.
***
Phúc tuy chữ nghĩa không bao nhiêu nhưng rất khoái xem phim cổ trang tàu nên sành lắm quý vị Võ Tòng, Lâm Xung, Tống Giang, Tiều Cái. Trên bước tha phương kiếm cơm Phúc hiểu thế nào là nhập giang tùy khúc, đến đâu hạ mình kết giao bằng hữu đến đó. Lớn và sang cả thì không có cửa chứ nhỏ nhỏ và bụi đời xóm chợ thì, vài ba xị rượu và đĩa mồi ngon là ra huynh đệ chi binh liền. Và trên tư thế ấy Phúc đã kết nghĩa đệ huynh với một trung gia ở X.
Gặp lại Phúc trung gia mừng lắm. Sau khi biết bạn cũ trở lại X để làm ăn và đang có ý định thuê nhà cho vợ có nơi ăn chốn ở, trung gia bèn dẫn Phúc đến một lô đất rất đẹp trong khu tái định cư mà rằng:
- Miếng đất nầy của tao. Tính ba năm nữa mới cất nhà. Bây giờ tao cho mày mượn tạm cất cái chòi lá cho vợ mày ở.
tin liên quan
Đừng đùa với tử thần - Truyện ngắn của Nguyễn TríPhúc cứ thế mà tới.
Sau khi nàng đã tinh thông các ngón trong nghệ thuật ẩm thực, chàng giao bếp cho nàng và thuê thêm hai nữ lưu nhan sắc có tầm để chạy bàn. Quán nhậu mà phục vụ tươi như hoa cũng là một lợi thế. Nhan sắc hầu rượu yêng hùng chả thú lắm ru? Riêng Phúc thì cầm cái bay tiếp tục xây tô. Cứ thế này thì vợ chồng Phúc nên nhà nên cửa trăm phần trăm. Bọn vô công rồi nghề ở X luận rằng:
- Ngày công thằng Phúc bốn trăm K. Tháng nó đem về cho vợ chục triệu không mẻ một lai. Ba năm nữa nó mua lại miếng đất đang ở nhờ là có quá.
Nhưng bà con cô bác lé con mắt bên trái khi nghe tin Phúc tậu một lô thổ cư trăm mét vuông trăm rưởi triệu. Ái chà chà... nhanh như sao xẹt. Thằng này lượm được vàng cục hay sao vậy cà? Xin thưa là không. Buông cái bay Phúc làm một nghề khác ngon ăn và tiền nhiều gấp bốn lần xây tô dán gạch. Thiên hạ đập cũ để xây mới cái đang ở. Nhà xây chứ không phải bánh tráng hay hột vịt mà dễ đập nghe bạn. Anh phải bắt đầu từ trên cao và đưa xà bần xuống từ từ. Rác rưởi rơi qua nhà kề bên không ăn cú đấm cũng ăn chửi. Trên cao mà vung búa tạ để đập là không dễ. Phúc làm hết với điều kiện tiền công phải cao. Đập xong xà bần đổ đi đâu? Phúc bao luôn. Anh thuê ba bánh đưa về bán lại cho các nhà đang làm nền trong tái định cư. Thời buổi một khối cát sáu trăm ngàn đại gia còn chơi xà bần cho đỡ tốn huống chi dân có dăm ba đồng bạc vụn sau đền bù. Ba cái sắt thép của những căn nhà bị đập Phúc mua luôn với giá rẻ. Chỉ sáu tháng ở X mà có thổ cư và chuẩn bị cất nhà.
Nên và ra vậy mà cô Bích Dung rất ít khi cười. Cô buồn.
Đơn giản là cô nhớ con.
Chả có người chồng nào trên trần gian nầy không am tường tâm tình vợ. Đêm đêm em gối đầu trên tay thở dài và nước mắt thì võ sĩ còn mềm như bún nói chi Phúc. Và Phúc - kẻ mà - lúc trắng tay còn nhún vai ngoảnh mặt với tài sản mẹ cha để lại; kẻ mà - ghé vô đèn mờ đã yêu sương phụ với một lòng tinh sạch và chân thật. Sẵn sàng trăm năm đầu bạc bởi không có em bầu trời như không có nắng. Trắng tay còn vậy huống bây giờ đã có tí chút trong tay. Trừ những kẻ biển lận chứ thường thì khi có tí đỉnh vật chất tâm tình người rộng rãi và phóng khoáng hơn. Phúc có cái máu của kẻ giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha nên mùa hè năm ấy, cô Bích Dung về quê rước hai đứa con cô lên X chơi cho biết cha mới của chúng là ai.
Rất nhanh chóng cha con chồng vợ kết mối thâm tình. Hai thằng cu đứa lớp năm đứa lớp hai. Chúng xanh xao vàng vọt bởi suy dinh dưỡng. Chúng nói ở quê khế chua lòm lòm chứ không hề ngọt. Phúc nghe mà ngậm ngùi nhớ đến tuổi thơ thất học của mình. Anh nói với vợ yêu rằng:
- Em về dưới rút hồ sơ cho hai đứa nhỏ lên đây. Học mà bụng đói thì thánh còn nuốt không nổi chữ nói chi người trần.
Bích Dung về xứ rút học bạ nhân tiện cho rồi thủ tục ly hôn. Tòa án chia đôi các thứ kể cả con. Thằng lớn thuộc về cha nhưng cha nó đồng ý để vợ nuôi luôn với điều kiện cái nhà hắn ta hưởng. Ở với Phúc hai đứa nhỏ dư ăn dư mặc nên đĩnh ngộ hết biết luôn. Thằng lớp hai lên lớp ba rồi lớp bốn lớp năm, thằng anh cũng thẳng một mạch mà tiến. Trong chừng ấy thời gian con gái Bích Dung và Phúc được ba tuổi. Trên mảnh đất của người anh em kết nghĩa Phúc trụ vững với nghiệp “đập phá nhà giải tỏa”. Dưới trướng có thêm vài thằng vai u thịt bắp. Đứa sử dụng cưa cắt tường thằng cầm máy đục bê tông. Phúc say việc như một thằng trai si tình say gái. Tiền nhiều ai chả say? Tóc Bích Dung dài ra, da cô trắng hơn thuở cà phê đèn mờ. Chiều chiều cô đưa con gái dạo quanh khu tái định cư bằng E-lắc đời mới.
Đời đẹp vậy mà thiên hạ móc họng Phúc:
- Ê… Phúc, để tao đọc cho mày nghe mấy câu ông bà dạy nè “Tò vò mà nuôi con nhện. Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi. Tò vò ngồi khóc tỉ ti. Nhện ơi nhện hỡi mày đi đằng nào”…
Phúc bỏ ngoài tai lời của bọn ghen ăn tức ở. Nhất là bọn cố cựu. Chúng ba đời ở đất này mà thua một kẻ tha phương. Và khôn ngoan như một con cáo núi - cả đời lưu lạc thì gian luôn chứ ngoan là tất yếu, Phúc quyết định bỏ X về quê của Bích Dung. Cha má cô cho con gái một lô thổ. Quý thằng rể nên ông bán thêm một lô với giá cha con. OK. Cha má cho thì vợ chồng con xin nhận, nhưng ba má làm ơn cắt sổ đỏ giúp cho. Đâu ra đó rõ nét chứ không thể linh tinh lời ở miệng. Bởi lời nói gió bay. Phúc để cho vợ đứng tên mảnh đất. Phúc trả lời khi ai đó nói về tò vò nuôi nhện hoặc điên hay sao mà không đứng tên mình trên bất động sản:
- Kẻ nào sống chân tình thì chả ai phản bội hắn cả.
Phúc trả đất cho người anh em kết nghĩa và làm một tiệc chia tay hoành tráng. Anh mời tất cả các đồng cam cộng khổ cho đến các anh quan chức be bé xứ X. Tất cả nâng ly chúc mừng, dứt khoát không say không về. Phúc cũng say. Thôi thì một đời mới có một lần. Anh em mời không uống là không phải phép.
Sáng hôm sau Phúc nhảy lên hông chiếc tải tám tấn ràng tấm bạt phủ mui xe. Trong thùng xe đầy ặp những bàn ghế tủ lạnh ti vi… vân vân và vân vân. Tất cả được di lý về nơi ở mới. Hông bên kia là lơ xe. Phúc và thằng lơ kéo sợi dây dù thật căng để cột vào cái móc. Thao tác ấy cực kỳ đơn giản. Nhưng cuộc đời vốn chẳng giản đơn. Sơi dây dù bị đứt và Phúc té ngã người ra sau. Lưng Phúc bị đập vào một viên đá dưới lề đường. Phúc không ngồi dậy được vì đau đớn. Ngay lập tức taxi đưa kẻ thọ nạn lên bệnh viện huyện.
Anh bị gãy cột sống.
***
tin liên quan
Quỷ dịch - Truyện ngắn của Nguyễn TríBích Dung thuê một phụ nữ. Một mình chắc cô chết vì kiệt lực. Bích Dung có đi qua khá nhiểu khổ ải của cuộc sống. Nhưng khổ bởi một gã chồng vô trách nhiệm say sưa thì chả đáng chi. Không ở được thì chia tay. Cơm đói áo rách sức không có, vốn liếng không thì ta bán thân nuôi con cũng chả chi nhục nhã... nhưng chăm một người chồng bất toại nó khổ lắm người ơi. Chả một ai trên trần đời này có kinh nghiệm cả. Bích Dung như bất kỳ ai, biết mệt khi thức đêm, cũng bực mình với những vô lý của người bệnh. Khi Phúc được đưa ra phòng hồi sức và bác sĩ bảo anh sẽ trên xe lăn suốt đời thì Dung biết sự tươi đẹp đã hết.
***
Tôi - người kể câu chuyện nầy - đưa con trai mổ ruột thừa ở bệnh viện X. Buổi sáng ra trước cổng bệnh viện uống ly cà phê cho tỉnh táo sau một đêm thức trắng, tôi bắt gặp chiếc xe lăn có người đàn ông tên Phúc này. Đẩy xe là một người đàn bà và bên cạnh là một bé gái chừng tám tuổi tay cầm xấp vé số. Họ dừng lại trước mặt bàn cà phê của tôi. Nhìn thấy cái ca trên tay cầm xe lăn tôi biết họ đi ăn xin. Tôi bỏ vào ca hai mươi nghìn. Thấy việc nghĩa không làm là phường vô đạo. Tôi nghĩ vậy.
Và hỏi:
- Chồng chị à? Anh ấy bị sao vậy?
- Chồng con gì anh ơi. Bọn tui ráp vô một cặp để kiếm sống vậy mà.
- Là sao?
- Vợ ông nầy thuê tui chăm sóc ổng. Hôm đó bả nói về quê thăm con vài bữa lên. Ngờ đâu bà đi một hơi không quay lại luôn. Hết tiền bệnh viện nào chứa hả anh? May mà trước khi đi bà vợ đã tậu chiếc xe lăn, nếu không thì bất toại như vầy chả biết làm sao sống. Tui ráp với ổng nương nhau sống anh ơi.
Tôi mời Phúc tách cà phê. Và rồi với một giọng buồn sầu anh ta kể cho tôi về gia đình về lưu lạc, về vợ con. Tôi nghe mà cám cảnh biết là bao nhiêu. Trời ạ! Nếu là tôi. Tôi tự sát cho rồi. Và thầm trách sao lại có loại đàn bà bạc nghĩa dường ấy. Chừng như biết suy nghĩ của tôi, Phúc nói:
- Tôi thương và nhớ con gái tôi lắm anh ạ. Sẽ có một ngày con gái tôi đến đây để thăm tôi. Tôi phải sống để chờ cái ngày ấy. Vợ họ bỏ mình trong hoạn nạn là chắc nhưng con thì không bao giờ phải không anh? Ba năm rồi. Phải. Đã ba năm nay tôi mỏi mòn chờ đợi...
Tôi thở dài.
Bình luận (0)