Ngoài ra Đình còn viết báo, dăm ba chục bài đã in trên các báo. Đình không lính tráng chi nhưng là cán bộ giảng huấn chính trị có cỡ. Sau 1975 Đình đi học tập ba năm. Về, bán nhà ở thị xã lên đèo ông Phật tậu mẫu đất. Lộc Khiêm là một trong những gã trai thất nghiệp đến làm thuê cho Đình.
Con gái Đình là Dung. Cô cảm tình sâu đậm với Khiêm. Nhưng vợ chồng Đình cực lực phản đối. Chắc chắn là do Khiêm quá nghèo lại ít học. Từng là nhà văn, con gái chữ cũng tốt, ai lại chấp nhận một gã bá vơ. Dung có nét và rất duyên, trai theo cả đoàn. Đình chọn lấy một anh con nhà giàu áp đặt Dung vào chuyện đã rồi. Thuở ấy câu “áo mặc sao qua khỏi đầu” vẫn còn linh lắm, vậy là Khiêm ôm mối hận tình nhìn người yêu sang thuyền khác, cũng có uống đôi ba xị rượu giải buồn. Bạn bè khuyên:
- Thôi. Bỏ đi bạn hiền, gái khối mẹ gì mà buồn với bực?
Buồn được thời gian Khiêm về Sóc Trăng thăm bà con cô bác. Cha mẹ Khiêm là người Việt gốc Khmer. Chị em Khiêm tuy ngăm ngăm đen nhưng đẹp thì khỏi chê, trai ra trai, gái ra gái đâu ra đó tuyệt lắm. Đẹp thì thời nào chả có anh xin theo xách dép. Lộc Kim Quang, chị kế Khiêm, được một anh tên Bình đeo đuổi. Quang cũng thích anh. Hiềm nỗi Bình là con trai ông Đình.
Nếu ông Đình e con gái vớ trúng thằng trên răng dưới củ từ, vậy ông có chê Kim Quang không? Thiên hạ tò mò lắm nên sáng nào cũng ghé quán cà phê cóc nghe ngóng thử xem sao. Đình vốn kín và im như thóc, bà vợ cũng rứa luôn. Vậy là có màn rấp ranh, rập rình, hóng hớt xem sao. Rồi chả biết có hay không mà thiên hạ kháo rằng cha nội Đình cũng không chịu Quang là dâu:
- Cha Đình chửi thằng Bình thiếu điều tắt bếp, văng tục không khác chi tao với mày. Chả cũng chê con Quang đen.
- Bà mẹ… dza dzàng mũi tẹt bày đặt chê đen. Thằng Bình ra để tao nhảy vô con Quang. Nó đen tao cũng đen, hề hề hề hợp gu.
Đùng một cái như bom rơi, như đất bằng dậy sóng. Cả xứ đồn rằng Kim Quang lớn bụng. Bằng chứng là đi đâu cô cũng úp cái nón lá trước bụng. Mấy bà già trầu - đàn bà lúc đó mười bà còn có ba bà ăn trầu - nói rằng:
- Con Quang không chửa đem đầu tao chặt đi.
Gia đình Quang tuy một thời lính tráng, bạt mạng không kém cạnh ai, nhưng cho đến tận thời điểm này chả bậc làm cha mẹ nào không cúi mặt khi con gái không chồng mà chửa. Bụng Quang lum lên mà phía đối tác chả ai bắn tiếng, thậm chí cả người tình của Quang cũng thả cục lơ. Anh bị áp lực từ cha chăng? Cũng có thể lắm, vì Bình là con một, là đích tôn của cả một hệ thống đạo đức cổ truyền cực đoan pha lạc hậu. Bình cũng lơ. Mỏi mòn quá, thêm cái thiên hạ dè bỉu, ông Lộc Sanh - cha của Khiêm và Quang - đành bán nhà đưa gia đình về cố quận. Quang cũng biệt luôn từ đó.
Chuyện đến đó là tạm dừng. Vợ chồng Đình dựng vợ gả chồng cho con. Số một là Dung, chồng con nhà giàu đẹp trai học giỏi, cô cũng biết đẻ lắm. Trai gái, trai gái bốn đứa đẹp như mơ. Bình thì hơn cô những hai đứa, nhưng thua cô khoản con trai. Sáu cô cháu gái nói lên sự khát thèm vô vọng của ông nội Đình. Bình cũng vậy. Chao ôi câu “nhất nam viết hữu” luôn làm khổ người đàn bà, họ mang nặng vì khao khát của kẻ khác.
Cũng nên thông cảm cho Đình. Xưa nay thằng người nào trên thế giới nầy chả muốn có thằng cu. Một thực tế không thể chối là con gái lấy chồng theo chồng thì trong nhà ta còn chi? Đình buồn hơn cha chết. Những mong một cu con nối dõi tông đường và hy vọng tiêu tan khi lần thứ sáu vượt cạn cô con dâu hết khả năng sinh. Anh chồng tên Bình còn khát hơn ông cha, anh bay nhảy ngoài đường, yêu đương với một góa phụ. Người đàn bà này đẻ cho Bình một đứa, khốn thay vẫn là gái. Vậy là Bình phải dang tay ôm hai bà. Bà sau có hai con riêng.
Bầy con bà lớn dứt khoát không thừa nhận con em lạc ngõ. Chúng không trọng cha như xưa và cả sáu đứng hẳn về phía mẹ. Ông Đình héo queo như tàu lá chuối khô mùa gió Nam Lào. Làm sao mà tươi tỉnh khi yên lặng khác thường phủ vào nhà từ khi Bình bị lộ chuyện phòng hai. Một yên lặng có phối màu lạnh của hoàng hôn miền Trung mùa tháng mười giá rét. Để xua băng giá, ông Đình ôm bầu rượu ngồi ngâm thơ. Tiếng ngâm của một ông già có rượu nghe như tiếng tụng kinh siêu độ cô hồn ngày rằm tháng bảy. Thiên hạ bình rằng:
- Cha Đình đang cầu siêu cho gia đình ổng kìa.
Họ nói vậy mà không chừng trúng à. Không phải sao? Nhà thơ, nhà văn, ông cán bộ giảng huấn chính trị bó tay với thằng con hai vợ. Bà mẹ nó, trong nhà sáu đứa, ngoài ngõ một đứa. Không nhận cháu, Đình có đáng là người không? Mà nhận thì ăn làm sao, nói làm sao cho thông với đứa con dâu mà ông đích thân cưới hỏi? Thiệt là rối như canh hẹ. May quá, rượu gạo dầm thuốc bắc đã giúp ông Đình liều mạng kiểu kệ. Đến đâu thì đến. Ừ vậy cho khỏe. Rượu ngâm thuốc độ cồn cao lắm, chỉ hai cốc là phê, là có quyền yêu đời và ngâm thơ.
Đùng một cái. Sau gần ba chục năm, Lộc Khiêm xuất hiện.
Đi với Khiêm là một cậu trai. Khiêm giới thiệu:
- Thằng An con bà Quang, cháu kêu tao bằng cậu.
- Lâu quá hả bạn hiền. Kim Quang dạo nầy sao? Mấy con rồi, làm ăn đỡ không?
- Chị Quang chỉ duy nhất thằng này. Bây nhận ra nó không?
Thiên hạ ngắm nghía trung niên tên An:
- Bà nội tui ơi… giống cha Đình y tạc luôn.
Ông Đình nghe kể, giật mình. Ly rượu trên tay rơi xuống nền gạch vỡ tan tành.
***
Đình lập cập chống cây ba toong đi lên đi xuống, hoang mang chả biết cái tin kia là thực hay hư. Muốn hỏi thằng trưởng nam thì - trời ạ - chả biết nó đi đâu, mấy đứa cháu gái đừng nhờ chi mất công, chúng dạ nhưng chả có làm đâu mà hòng. Chao ôi một thời nhà văn nhà thơ, lấy nhân lễ nghĩa trí tín làm đầu mà nay con cháu ra như ri thì đúng là hết thuốc. Việc này từ đâu mà ra nhỉ? Lỗi tại ông nhận đứa cháu ngoài luồng hay do thằng con trai có phòng hai? Hay là sau chiến cuộc kinh tế khó khăn học hành dang dở nên lòng người sinh bẩn chật? Dám lắm à. Chắc luôn chứ dám gì nữa. Dân dĩ thực vi tiên. Đừng nói dân, vua chúa còn lấy ăn làm trọng. Chả phải trong tứ khoái cái ăn đứng đầu đó sao? Càng thiếu thốn cái ăn càng bự. Nhà được vài sào đất rẫy. Lúa thượng một năm một vụ ông Đình đem gạo cho con nhỏ ngoài luồng hỏi ai không tức? Mà nếu cái tin kia là thực thì sao bây giờ? - Đình tự hỏi.
Chưa kịp tự trả lời thì Cửa đến. Nguyễn Cửa là bạn thân của Đình. Cả hai cùng học chung một trường. Mười lăm tuổi, đang trong lớp Cửa phì phèo thuốc lá. Giáo sư đến tận nơi xách lỗ tai Cửa để thị uy. Cửa văng tục chửi thề inh ỏi rồi đe:
- Tao đi lính về là chết mẹ mày với tao.
Thuở ấy chuyện lính tráng cũng không chi khó. Cửa về nhà lấy khai sinh sửa năm sanh rồi đăng vào thủy quân lục chiến cho nó kiêu hùng. Nhờ to con cao ráo nên qua mặt ban tuyển mộ cái rẹt. Sau ba tháng lăn lê bò toài ngoài thao trường Cửa được bốc ra Quảng Trị. Chưa được một tuần đã có mặt ở bệnh viện vì bị một viên AK lủng bụng. Vậy là chưa đến bốn tháng làm lính đã hóa phế binh. Phế thì phế nhưng vẫn ngon vì ba tháng lĩnh lương một lần. Phế binh đồ hoa mũ nồi xanh uy lắm, đi đâu Cửa cũng móc bên hông trái lựu đạn phòng thân. Vào quán nhậu Cửa vỗ ngực rằng ta đây đã ôm cổ thành cho đến cuối mùa sương gió. Lớn lối được ba năm thì kiêu hùng ôm gói đi cải tạo với Đình. Binh nhì mà đến ba năm cải tạo thì khổ quá chịu không xiết nên Cửa trốn. May mà bị bắt lại, bằng không chết mất xác trong rừng. Vậy nên cả hai tình như ruột thịt.
Cửa nói:
- Xưa kia tui đã nói mà ông không chịu nghe. Ông chê con Quang đen. Đen thì sao? Ông là dân có học mà quên mất chuyện cô đào điện ảnh hô-ly-gut giếc chi đó lấy cha thượng nghị sĩ da đen làm chồng. Giờ đây ông hối cũng không còn kịp nữa rồi ông Đình ơi. Thằng An con con Quang với thằng Bình giống ông như hai giọt nước. Tui nói láo cho bà bắn.
Đình chống ba toong lại bên bình rượu múc một ly làm một hơi rồi múc một ly khác cho bạn hiền:
- Tao biết làm sao bây giờ hả Cửa?
Cửa nốc một hơi cạn ly rượu khà một phát. Cái dòng rượu gạo dầm thuốc bắc đã gì đâu. Nó làm cho ta minh mẫn mà ra kế sách:
- Tui gặp thằng Khiêm rồi… tui có ý như vầy…
- Nói đi.
- Ông nên gặp nó nói chuyện xem sao. Ông không thể để thằng cháu của ông không biết chi nguồn cội. Tui nói đúng không?
- Tao còn mặt mũi nào Cửa ơi.
- Nữa… ông lại sĩ diện. Xưa kia chê chị em nó lạc hậu kém văn minh. Thực ra ông mới là thằng lạc hậu bậc nhất. Khi là cán bộ giảng huấn chính trị ông lô loa rằng Chúa đã tạo ra con người và da trắng da đen da vàng hay da đỏ là như nhau. Ông nói vậy nhưng không nghĩ vậy. Nếu nghĩ vậy thì con Quang là vợ thằng Bình và ông đã không đổ thừa mọi bi đát ngày nay là do số phận. Đúng không? Bây giờ ông lại không dám đối diện với thực tế. Nếu là tôi, tôi sẽ gặp Lộc Khiêm. Chú cháu lâu ngày gặp lại nói dăm câu ba chuyện thì có sao?
- Rồi sau đó thì sao?
- Nước chảy đến đâu vuốt mặt đến đó. Tôi sẽ bố trí cho ông gặp thằng Khiêm và thằng An…
- Mày giúp tao nhé.
- Ô kê… mà ông biết tại sao tôi nhúng tay vô vụ này không?
- Sao vậy?
- Vụ này cực hấp dẫn. Hoàn cảnh của ông bây giờ rất chi bi đát. Thiên hạ xứ này đang ngóng diễn tiến tiếp theo của sự kiện. Họ biết ông cho đứa cháu gái con bà hai của thằng Bình lương ăn. Bây giờ đất đang có giá, năm sào rẫy của ông trên đèo ông Phật sẽ ra sao nếu thằng An nhận ông và thằng Bình là ông nội và cha? Ái chà chà… hậu quả của ông thật khó lường ông bạn già ạ…
Ông Đình toát mồ trán khi nghe Cửa nói. May quá, dù sao cũng có bình rượu gạo dầm thuốc bắc cứu cánh khi bế tắc. Ông một ly và bạn Cửa một ly. Kẻ thống khoái còn người bi khoái qua một tiếng khà.
Một tuần sau Cửa đưa bạn Đình đến cà phê Suối Mơ.
***
Thị trấn này chả có con suối nào để mà mơ với mộng, nhưng cà phê của anh chồng tên Suối và chị vợ tên Mơ thì tuyệt vời. Lộc Khiêm từng là khách của Suối Mơ, nhất là những tháng ngày yêu đương với em Dung con gái Nguyễn Đình. Sau khi em Dung theo chồng, Khiêm ôm quán hận tình thêm thời gian nữa rồi bán xới ra đi. Nên chi, khi quay lại đường xưa lối cũ Khiêm đến Suối Mơ để tưởng niệm một mối tình. Than ôi yêu nhau mà không lấy được nhau thì người ta cứ nhớ hoài.
Nguyễn Cửa đưa Nguyễn Đình đến để gặp Khiêm và An. Về sau Cửa nói với ba quân rằng hắn đã quá sai lầm khi nhúng tay vô vụ này. Cửa không ngờ sự kiện diễn tiến theo một chiều hướng không lường được.
- Bây biết không? - Cửa nói với chúng sanh - ông Erich Maria Remarque nói rằng con chó no bụng rồi mà thẩy cho miếng thịt nó vẫn đớp. Vì sao? Vì ăn thịt là bản năng của loài chó. Con người ta giàu nứt đố đổ vách mà thấy cục vàng vẫn tối mắt xúm nhau giành nói chi nghèo. Không ngờ bầy cháu cả nội cả ngoại của ông Đình lại tệ đến hết thuốc chữa.
Khi Cửa và Đình vào phòng thì mục kích cả tốp, hai thứ cháu nội và ngoại và Lộc Khiêm đang điểm mặt thằng Châu - Châu là cháu ngoại của Đình:
- Câm họng mày lại. Bọn mày được giáo dục từ đâu mà xem của cải nặng hơn tình vậy. Nè… chưa chi mà bây đã sợ bị mất phần rồi là sao? Tao tội nghiệp cho ông Đình quá. Thằng An không hề là cháu nội và là anh ruột của bây đâu mà lo. Về quê là bà chị tao phá cái thai hoang liền. Thằng An giống ông Đình là ngẫu nhiên thôi…
Khiêm quay ra cửa:
- Ô kìa… chú Đình… bầy cháu của chú hiểu lầm rồi, chúng nó nghĩ tôi đưa thằng An về đây để nhận cha và ông nội để chia mấy sào đất rẫy đang có giá của chú… ha ha ha…
Trước khi đến Suối Mơ, Đình và Cửa có làm vài ly rượu gạo dầm thuốc bắc. Uống cho có khí thế mà đối diện với sai lầm vậy mà. Và tuổi già và huyết áp cao cùng cái hiện thực phũ phàng đánh Đình một cú. Ông già sáu mươi mấy tuổi ngã huỵch xuống sàn phòng:
- Bà mẹ nó - Cửa văng tục - phải chi tao đỡ kịp thì chắc không đến nỗi bất toại như hôm nay…
Bình luận (0)