Đáp: Bạn Như Bình thân mến, để hướng dẫn trẻ em ngồi học đúng tư thế, ta cần hiểu rằng cột sống con người không thẳng như hình chữ I, mà có những đoạn hơi cong ở cột sống lưng và cột sống thắt lưng, gần với hình nhữ S. Vì thế không ai có thể giữ lưng thẳng thật thẳng liên tục. Ở trẻ em, cặp sách nặng và tư thế ngồi học là đáng quan tâm nhất.
Khi đi học, trẻ nên đeo ba-lô để phân bổ sức nặng đều hai vai và không được đeo cặp sách quá nặng vì có thể gây vẹo cột sống. Lúc ngồi học, cần đảm bảo khoảng cách từ mắt trẻ đến bàn ít nhất 25cm. Khi khoảng cách này không phù hợp, trẻ sẽ có xu hướng điều chỉnh tư thế để nhìn rõ hơn. Chiều cao bàn, ghế cần phù hợp với chiều cao trẻ. Trẻ ngồi học lâu ở bàn cao thì phải nâng vai mới đặt được tay lên bàn. Nếu như bàn lại thấp thì trẻ buộc phải co gập trên bàn, vai đầu gập về phía trước và dẫn tới gù lưng. Do vậy, phải điều chỉnh sao cho khoảng cách giữa mặt bàn và mặt ghế ngồi không thấp hơn 22cm và không cao hơn 27cm. Khi khoảng cách bàn-ghế và khoảng cách mắt-bàn phù hợp, trẻ sẽ có tư thế ngồi tốt nhất. Cũng cần lưu ý ánh sáng ở bàn học để trẻ không phải cúi sát, dễ gây cận thị và gù lưng. Trẻ em cũng nên được khuyến khích chơi thể thao nhằm củng cố sự phát triển của cơ thể, tránh ngồi quá lâu trong một tư thế và phải được sửa ngay khi phát hiện thói quen không tốt cho cột sống.
TS. BS Đại Phi Vân
Trưởng khoa Cơ Xương Khớp, BV Triều An
(425 Kinh Dương Vương, P.An Lạc, Q. Bình Tân, TP.HCM.
Website: www.trieuan.com)
Bình luận (0)