TNO

Ngôi làng Beallsville và ký ức ám ảnh về chiến tranh Việt Nam

30/04/2015 17:28 GMT+7

(Tin Nóng) Là một làng nhỏ với chỉ 450 cư dân, nhưng thời chiến tranh Việt Nam, Beallsville gánh chịu tỷ lệ thương vong cao nhất nước Mỹ. Bốn mươi năm sau khi tiếng súng đã im lặng, những hồi ức về cái chết vẫn kéo dài ở làng này, theo Columbus Dispatch ngày 26.4.

(Tin Nóng) Là một làng nhỏ với chỉ 450 cư dân, nhưng thời chiến tranh Việt Nam, Beallsville gánh chịu tỷ lệ thương vong cao nhất nước Mỹ.  Bốn mươi năm sau khi tiếng súng đã im lặng, những hồi ức về cái chết vẫn kéo dài ở làng này, theo Columbus Dispatch ngày 26.4.


Trực thăng Mỹ bốc người tháo chạy khỏi Sài Gòn ngày 29.4.1975 - Ảnh: Hubert van Es

Cậu bé phát hiện một xe quân sự đang chạy chậm rãi trên con đường dẫn vào trang trại, vài phút sau lại thấy cha mình lao nhanh về phía cánh đồng bắp, như đang cố trốn chạy điều gì...

Ngay từ năm 14 tuổi, Roger Schnegg biết ngay cảnh tượng lạ lùng đó có nghĩa là: nó đã mất người anh lớn trong chiến tranh Việt Nam và không còn nơi nào trong thị trấn 450 cư dân này để cha nó có thể thoát khỏi nỗi đau đớn cùng cực, vì cả thị trấn cũng cảm nhận điều đó.

Mọi người trong thị trấn sống giữa các mỏ than và ngọn đồi gồ ghề vùng đông nam bang Ohio đã mang  những vết thương đầy xúc cảm về cuộc chiến Việt Nam. Hai thanh niên khác của Beallsville đã mất trong cuộc chiến trước khi Charles Schnegg qua đời, sau đó đến một người khác, thêm một người và lại người khác nữa.

Ông Roger Schnegg, nay đã 62 tuổi cho biết: “Mỗi khi bạn nhìn lại, đã có thêm một chàng trai của thị trấn chúng tôi bỏ mình trong cuộc chiến. Dù thời gian có qua đi, nhưng họ sẽ không bao giờ bị lãng quên. Sự phục vụ của họ, nỗi giận dữ của chiến tranh, những phản ứng về cuộc chiến trên phần đất này của nước Mỹ, tất cả vẫn là một hiện thực nơi nhiều người chúng tôi”.

Ngày thứ năm 30.4.2015 là kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, nhưng với Beallsville, nỗi ám ảnh về cuộc chiến vẫn tồn tại. Một phần vì ngôi làng Appalachian quận Monroe chịu sự khác biệt và gánh nặng về tỷ lệ thương vong tính trên đầu người, cao hơn bất kỳ cộng đồng Mỹ nào trong chiến tranh Việt Nam: Từ năm 1966-1971, họ đã mất 6 người con.

Để xuống Beallsville từ đường 145 bên sườn đồi, bạn phải đi qua 5 trong số 6 ngôi mộ. Người còn lại nằm trong một nghĩa trang nhìn ra trường trung học và sân bóng đá cũ, nơi vài người trong số họ đã từng chơi. Đài tưởng niệm cựu chiến binh Beallsville cao chót vót ở lối vào nghĩa trang gây chú ý và thu hút khách. Bên dưới có hơn 100 viên gạch nhằm tôn vinh các cựu chiến binh Beallsville, những người đã phục vụ trong quân đội, đồng thời tưởng nhớ đến Schnegg, Jack Pittman, Duane Greenlee (người duy nhất không được chôn tại nghĩa trang Beallsville), Richard Rucker, Robert Lucas và Phillip Brandon.

Qua nhiều năm, chuyến thăm của các phóng viên trước ngày kỷ niệm chiến tranh lại khơi gợi những kỷ niệm mà một số đã cố đưa vào quá khứ. Vài bài viết của giới truyền thông  cũng gây giận dữ khi cho rằng ở Beallsville chỉ có nông dân, thợ mỏ và binh lính.

Với vài người trong số 408 cư dân còn ở Beallsville, cảm giác vượt qua đau thương đã được thay thế bởi mong muốn được giữ riêng trong tâm trí họ cùng với niềm vinh dự. Theo thị trưởng Beallsville, ông John Gramlich: “Tôi biết từng người trong 6 chàng trai. Chúng tôi không và cũng  không muốn thế giới quên họ. Thật khó khăn khi chúng tôi mất họ, nhưng với gia đình họ còn tệ hơn rất nhiều”.


Lính Mỹ tại Quy Nhơn năm 1965 - Ảnh: Kyoichi Sawada

Tổn thất đầu tiên

Một ngày hè nóng bức năm 1966, Shirley Pittman đang hái quả mâm xôi khi có điện thoại cho biết  cháu trai bà đã bị thương nặng tại Việt Nam. Gia đình phải bay tới quân y viện Walter Reed tại Bethesda, bang Maryland và họ đã ngày đêm cầu nguyện. Nhưng vài ngày sau, họ được biết Jack đã trở thành nạn nhân chiến tranh đầu tiên của Beallsville.

Gia đình Pittmans, vốn tức giận ngay từ đầu khi đứa con duy nhất bị bắt quân dịch nên đã từ chối lễ tang quân sự. Theo bà Shirley Pittman, người đã sống ở Beallsville từ năm 1945:  “Đã có rất nhiều người tức giận về cuộc chiến đó, nhưng nó thực sự đánh động khi chúng tôi mất Jack. Tôi cũng đã dự đám tang của những người khác, thật quá đau buồn cho mọi người”. Nói về người anh họ của mình, Larry Pittman cho rằng thế hệ đi trước đã làm mọi thứ để giữ mãi ký ức về những người lính đã ra đi.

Có rất nhiều buổi lễ diễn ra tại nghĩa trang và những phút mặc niệm trước các trận đấu thể thao. Ước tính khoảng 20.000 người viếng thăm Beallsville trong năm 2004 khi  mô hình của Bức tường tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam đến thị trấn. Tất nhiên, những ngày tưởng niệm tại Beallsville là một bài học lịch sử về địa phương cho thế hệ trẻ, những người không nhận thức đầy đủ về nỗi mất mát của cộng đồng trong các thập kỷ trước.

Khi Roger Schnegg dừng lại ở bia đá hoa cương của anh trai, ông vẫn còn nhớ hình ảnh hai anh em họ phi xe đạp xuống đồi và làm những việc linh tinh mỗi sáng sớm ở trang trại 65 ha. Ông cũng gần như phải đến Việt Nam, nếu anh ông không mất. Ông vẫn nhìn thấy chiếc xe quân sự đưa tin đến nhà ông.

Trong tâm trí ông cũng sống lại cảnh tượng 2 năm trước, khi xe của đội tuần tra đến báo tin con trai của vợ chồng ông đã chết do tai nạn giao thông. Schnegg nói: “Tôi cảm nhận vì sao cha tôi muốn chạy trốn khi nghe tin anh tôi mất. Hai chiếc xe trên lối vào nhà như có mối liên quan trong cuộc sống tôi và chỉ mong anh tôi nhận ra cháu trên thiên đàng”.

Theo đuổi ước mơ

Từ khi Duane Greenlee đủ tuổi để nghe câu chuyện về anh hùng thủy quân lục chiến, ông cũng muốn là một người như thế và đã tham gia vào thủy quân lục chiến trước khi đủ 18 tuổi. Bà Dianna Armann, 65 tuổi, một trong số 8 anh chị em của Greenlee, kể: “Anh ấy chỉ tự hào khi mặc quân phục đó. Phục vụ đất nước trong cuộc chiến, đó là điều anh muốn”.

Trước khi đến Việt Nam, Greenlee thường thích cưỡi ngựa đi khoảng 5 km sau khi trời tối, để hẹn hò với một cô trưởng nhóm cổ vũ, nhưng không có gì bằng tình yêu anh đã dành cho mẹ, người không muốn con mình tham gia vào quân đội. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi của bà trở thành sự thực vào tháng 8.1966 khi một sĩ quan quân đội đến nhà báo tin cho biết bà đã mất đứa con trai lớn của mình. Armann nói: “Bà khụy xuống khi đang bế con và bắt đầu kêu la tên của Duane. Đó là ngày tồi tệ nhất của chúng tôi và cả thị trấn cũng đau buồn”.  Còn nhiều tổn thương khác sẽ đến.


Lính Mỹ khiêng xác một đồng đội, ảnh chụp ở phía nam Đà Nẵng 40 km vào năm 1966 - Ảnh: Kyoichi Sawada

Điều khó khăn nhất

Trong những năm qua, Betty Lucas và gia đình bà đã nói rất ít về cái chết của con trai Bobby. Họ chỉ lặng lẽ khóc thương con, trừ mỗi năm vài lần bà đến viếng phần mộ bên sườn đồi được đánh dấu với hàng chữ đơn giản: “Bobby yêu quý của chúng tôi”.

Nay Lucas đã 83 tuổi, cho biết bà muốn người khác nhớ đến người con cả trong số 7 người con và con bà đã mất do cố giúp một đồng đội đang bị thương. Sau cái chết của Bobby, hai nghị sĩ Mỹ đã thỉnh cầu Lầu Năm Góc rút các quân nhân Beallsville khác rời khỏi Việt Nam.

Chỉ khoảng 9 vài tháng trước khi Bobby mất, Beallsville đã mất Richard Rucker, người trước khi đến Việt Nam đã làm việc ở Cleveland. Tuy nhiên, những lời xin không được Washington nghe thấy. Hai năm sau, Beallsville đã mất người con thứ 6, khi Phillip Brandon bị tử trận.

Ngày nay, không còn ai ở làng có thể nhớ thời gian khi Stanley và Bertha Brandon công khai nói về việc mất đứa con trai của họ. Tương tự như bà Lucas, nhưng Brandon thích những người khác nói về 6 người con của Beallsville đã mất tại Việt Nam: “Chúng tôi đã muốn giữ riêng cho mình, nhưng rất nhiều người vẫn còn quan tâm đến các chàng trai. Nỗi buồn không bao giờ vơi đi trong tôi, và đó là điều khó nhất tôi phải đối mặt trong đời mình”.

P. Nguyễn Dũng

>> 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Ngày ấy, bây giờ
>> Chiến tranh Việt Nam qua ống kính của nhà báo đoạt giải Pulitzer
>> Chiếc trực thăng cuối cùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.