Nổ phành phạch, phun khói đen và đánh lái bằng một sợi dây cước, chiếc đò nan của ông Hãnh ở thị trấn Cát Bà đưa tôi vào Việt Hải với giá cước khá cao: 80.000 đồng khứ hồi. Điều vô lý nhất là sau khi tôi thỏa thuận xong giá cả và lên đò, lại có thêm 5 người nữa đi nhờ. Con thuyền mỏng manh, cõng gần chục mạng người chồm lên nhủi xuống giữa muôn ngàn lớp sóng Cát Bà khiến tôi lo lắng cho cái ba lô đầy máy móc của mình.
Đò là phương tiện phổ biến cho những ai muốn tới Việt Hải, xã vùng sâu, khó khăn nhất của huyện đảo Cát Hải và cả TP Hải Phòng. Tàu đò 2 ngày mới có một chuyến, còn đi xuyên qua rừng quốc gia với 6 giờ trèo đèo lội suối thì không ai kham nổi, trừ... du khách ngoại quốc! Việt Hải từ lâu đã trở thành một địa chỉ của tất cả các tour du lịch cho người nước ngoài khi đến Cát Bà. Còn dân ta, thậm chí cả những phóng viên như tôi, đến được Việt Hải có thể xem như một sự lạ ! Có lẽ vì thế nên bây giờ Việt Hải vẫn nghèo, nghèo một cách kỳ lạ, nghèo một cách rất... văn hóa.
Một ngôi nhà ở cuối làng Việt Hải. ảnh: L.Q.P |
Một chuyện khác khó ai tin nổi, đó là ở Việt Hải không nhà nào có khóa, cửa mở suốt ngày đêm. Xe máy, xe đạp cắm chìa khóa để cả đêm ngoài sân cũng không suy suyển. Việt Hải nằm gọn trong rừng, chỉ có một con đường duy nhất, có lấy trộm cũng không biết nạn tẩu tán đi đâu. Việt Hải cũng không có nạn cờ bạc, hút hít. Việt Hải cũng không có chợ, sinh hoạt làng xóm ở đây mang dáng dấp của một cộng đồng thời nguyên thủy: mổ một con chó, con lợn, cả làng đến ăn; một nhà có việc, cả làng đến giúp. Giúp vô tư, ăn cũng vô tư, không nói chuyện tiền bạc, nợ nần. Ngày tôi đến, cả Việt Hải rộn ràng trong "sự kiện" ông Thủy khai trương căn nhà sàn đón khách du lịch, cả xã đến chia vui và tất nhiên là có đánh chén linh đình ! Không có chợ, nhưng ở đây có mấy hộ mở quán bán hàng, và cái gọi là "dịch vụ du lịch" ở đây là mở quán ăn bán mì tôm, trứng luộc, thêm mấy chai bia, nước khoáng cho khách ngoại quốc. Có ba hộ kinh doanh như vậy và họ là những người “giàu” nhất Việt Hải !
Nhà mới xây, không cần cửa. ảnh: L.Q.P |
Còn đây là câu chuyện của Nguyễn Thị Nhớ, một trong hai người đầu tiên ở Việt Hải học hết cấp trung học chính quy. Cô gái 23 tuổi, khá xinh đẹp, cán bộ kế toán kiêm Bí thư Chi đoàn xã này nói vanh vách những con số: "Xã có 72 hộ, 235 khẩu, chi bộ có 10 người, một đảng viên dự bị. Chi đoàn có 20 người cộng với 5 thanh niên. Ngân sách xã năm 2004 thu được 15 triệu đồng". "Có bao nhiêu nhà đã xây ? Bao nhiêu xe máy ? Bao nhiêu điện thoại ?", tôi hỏi. Nhớ bấm ngón tay rồi trả lời trong tích tắc: "20 nhà, kể cả nhà tình nghĩa, 14 điện thoại, nhà trường này, trạm xá này, ủy ban này. Nhưng mùa mưa dây điện thoại chạy qua rừng quốc gia bị sóc cắn, chập mạch không nghe được".
Cách đây 5 năm, tôi tới Việt Hải lần đầu, khi ấy cả xã chỉ có một chiếc điện thoại của ủy ban, ông chủ tịch kéo về nhà mình luôn cho tiện. Huyện cấp máy phát điện, vài tháng đã hỏng. Cả xã nghèo xơ xác, nhưng mới làm con đường bê tông, lại có chiếc xe máy Minsk được chế thành xe ba bánh sơn màu vàng với dòng chữ Moon Light (ánh trăng) chạy vi vút rất lãng mạn của một anh chàng nào đấy! Năm nay, Việt Hải đã có xe ôm, dấu hiệu của một nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, làng vẫn nghèo xơ xác, ruộng cấy một vụ, vừa đủ ăn, sống ngay cạnh biển nhưng không ai biết nghề chài lưới. Ông Phạm Từ Hiến, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, nói rằng người Việt Hải không muốn vươn lên, sống thế nào cũng được, huyện đã đầu tư cho Việt Hải nhiều tỉ đồng cho hạ tầng, thay đổi cơ cấu kinh tế nhưng nhận thức của người dân ở đây không chuyển biến.
Tuy nhiên cái nghèo kỳ lạ ấy có thể là một trong những nét văn hóa của làng quê có một không hai này. Đi trên con đường xuyên làng, tôi thấy những nhóm khách nước ngoài tỏ vẻ thích thú với những ngôi nhà tranh vách đất xập xệ, những bờ hiên kè đá, những giếng khơi đầy nòng nọc, những ngôi nhà mới xây không hề có cửa... Trong không gian thanh bình ấy, túm tụm những người đàn bà vừa nựng con vừa rúc rích cười trước ống kính những ông tây bà đầm. Có thể, thiệt thòi của người này đôi khi lại là cơ hội của kẻ khác - như ngành du lịch chẳng hạn. Liệu có một con đường thứ ba cho những làng nghèo một cách... thơ mộng như Việt Hải ?
Phóng sự của Lưu Quang Phổ
Bình luận (0)