Ngôi nhà thờ khiêm nhường của bố mẹ đại tướng Lê Đức Anh

23/04/2019 17:33 GMT+7

Đó là ngôi nhà thờ bình dị như bao ngôi nhà thờ khác ở làng Bàn Môn, xã Lộc An. H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi đang thờ thân mẫu và thân phụ của nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh.

Nếu không được tận tình chỉ dẫn của ông Nguyễn Chương, 70 tuổi, người cháu gọi nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh bằng bác họ, chúng tôi khó lòng đoán biết ngôi nhà thờ tọa lạc khá khiêm tốn ở hạ nguồn sông Truồi đang thờ bố mẹ, ông bà của vị đại tướng từng dọc ngang trận mạc của nhiều cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
[VIDEO] Tiểu sử Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh
Ngôi nhà thờ được cải tạo lại cách nay vài năm từ một ngôi nhà rường cũ để thờ bố mẹ, ông bà nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh.
Ngôi nhà thờ bố mẹ, ông bà khá bình dị của nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh ở cuối sống Truồi Ảnh: ĐÌNH TOÀN
Bàn Môn là ngôi làng lớn ở xứ Truồi vốn có nhiều ngôi nhà rường cổ xưa, vườn tược thường được chăm sóc kỹ lưỡng, với những hàng chè tàu, cây cối làm tường rào xanh mát.
Theo ông Chương, ngôi nhà thờ bố mẹ, ông bà của nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh sau khi tu bổ kiên cố hơn, cơ bản vẫn giữ sườn “hồn phách” là ngôi nhà rường 3 gian, mái ngói.
Bên trong nhà thờ bố mẹ, ông bà nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh là phần gỗ nhà rường xưa được giữ lại Ảnh: ĐÌNH TOÀN
Ngôi nhà hiện được một người cháu họ của nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh trông coi, phụng thờ. Cạnh ngôi nhà thờ nhỏ này là ngôi nhà thờ của bậc cao đời hơn, thuộc chi, phái của dòng họ Lê Đức.
Cách khu nhà thờ này không xa, cũng ở cuối làng Bàn Môn là đình Bàn Môn, một di tích lịch sử quốc gia lưu giữ những giá trị văn hóa, kiến trúc và là nơi ghi dấu sự ra đời của một trong những Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Thừa Thiên - Huế, do ông Lê Bá Dị làm Bí thư - người đã kết nạp chàng thanh niên Lê Đức Anh ở xứ Truồi vào Đảng Cộng sản lúc 18 tuổi (năm 1938).
Ông Lê Chương, cháu của nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh, xúc động khi kể những kỷ niệm về bác mình Ảnh: ĐÌNH TOÀN
Nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh là con thứ 7 trong gia đình có 9 người con. Theo hồi ký của đại tướng, dẫu quê hương ở làng Bàn Môn, Lộc An, nhưng thuở nhỏ cụ thân sinh của đại tướng được nhận làm con nuôi và sống với vợ chồng của người cô ở làng Trường Hà, vùng đất nghèo thuộc xã Vinh Phú, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lớn lên cụ được vợ chồng người cô cưới vợ, rồi lần lượt sinh các anh chị em đại tướng sau này. Về sau, anh chị em đại tướng mới trở lại sống ở Bàn Môn, nơi có khu nhà thờ nằm cuối con sông Truồi vốn trong xanh yên ả in đậm dấu ấn tuổi thơ của đại tướng.
Nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh cùng chị gái là Lê Thị Xoan viếng mộ thân mẫu Lê Thị Thoa ở làng Bàn Môn năm 2002 (Ảnh Đ.TOÀN chụp lại tư liệu gia đình)

“Do tôi ở sinh sống ở đây và thường xuyên chăm sóc nhà thờ nên bác (nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh) rất thương. Nhiều lần về quê, lần nào bác cũng gọi tôi nói chuyện, căn dặn công việc. Bác dẫn tôi ra ngoài sông Truồi, đoạn Bến Bãi có cái bến ngày xưa bác hay ra chơi, rồi kể về tuổi thơ đi câu cá, vui đùa, đọc sách bên dòng sông này. Bác thường dặn chúng tôi phải chăm lo con cháu, cho học hành, dạy bảo tử tế để mai này có ích cho xã hội, dòng họ vì thế mà tự hào, phát triển hơn lên”, ông Chương kể.
Nhà thờ chi, phái dòng họ Lê Đức ở xứ Truồi bên cạnh nhà thờ bố mẹ, ông bà của nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh Ảnh: ĐÌNH TOÀN
Cũng theo hồi ký của đại tướng, khi ông đang cùng Bộ Chỉ huy Miền khẩn trương chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 thì thân mẫu ông qua đời (năm 1967), hai năm sau (1969) thân phụ đại tướng cũng qua đời. Do điều kiện khó khăn vào lúc bấy giờ nên bố mẹ đại tướng được an táng ở hai làng khác nhau tại xã Lộc An, và hiện vẫn như vậy.
“Thông thường những gia đình có điều kiện họ thường quy tập mồ mả ông bà, nhất là các cụ thân sinh về chung một nơi yên nghỉ. Lại có người dành cả khu đất rộng làm nghĩa trang an táng cho cả gia đình, chi phái... Bác của tôi thì lại không làm thế, tôi không hiểu vì sao, có lẽ bác thấy thế cũng đã yên rồi. Quy tập di dời e bác sợ phiền hà, tốn kém. Có lần tôi ra Hà Nội thăm bác, tôi hỏi mai này trăm tuổi, bác về quê hay ở Mai Dịch. Bác ấy cười bảo rằng chuyện đó tính sau”, ông Chương bùi ngùi nhớ lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.