Phải học những ngành nghề không phù hợp với sở trường, đam mê là thực trạng khá phổ biến của nhiều sinh viên hiện nay.
“70% ngồi nhầm chỗ”
Một sinh viên Trường ĐH Hoa Sen thẳng thắn thừa nhận đã “ngồi nhầm chỗ” suốt ba năm qua - Ảnh: Như Lịch
|
Trong buổi tọa đàm “Im lặng hay lên tiếng?” vào trung tuần tháng 4 vừa qua tại TP.HCM, Đ.M, sinh viên năm thứ ba Trường ĐH Hoa Sen, đã bật khóc khi bộc bạch câu chuyện của mình: “Mặc dù em học ngành tài chính ngân hàng nhưng thật sự em không hề yêu thích hay đam mê, hứng thú gì đối với ngành nghề này. Gia đình em thấy đây là một trong những ngành có thể kiếm được rất nhiều tiền, buổi sáng đến ngân hàng ngồi và chiều về là có tiền rồi. Đó là những gì mẹ em nghe được, nên mẹ về nói với em rằng phải vào ngành này”.
Câu chuyện của Đ.M không hề là cá biệt. Tại cuộc tiếp xúc giữa Thường trực HĐND TP.HCM với 80 cử tri trẻ vào đầu tháng 4, nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ ra những vấn đề bức thiết của giới trẻ ngày nay, trong đó có hướng nghiệp và giải quyết việc làm.
Ở cuộc gặp gỡ trên, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nêu thực trạng nhiều sinh viên đang “ngồi nhầm chỗ”, dẫn đến sự lãng phí rất lớn cho bản thân người học, gia đình và xã hội. Thạc sĩ Hiếu dẫn chứng: Có bạn trẻ sau 6 năm học trường y dược, song sau cùng lại ra làm nghề trang điểm.
Trao đổi với PV Thanh Niên, thạc sĩ Hiếu cho biết thêm trong quá trình giảng dạy tại nhiều trường ĐH, ông đã thực hiện những cuộc khảo sát khoảng 1.000 sinh viên. Với câu hỏi đặt ra: “Nếu có cơ hội lần 2, anh chị nào đang ngồi đây quyết định sẽ chọn lại ngành học cho mình?”, thạc sĩ Hiếu cho biết vô cùng bất ngờ khi có đến 70% sinh viên giơ tay thừa nhận mình là "những người đi lạc đang ngồi trên giảng đường"!
Trước đây, nhóm bạn trẻ Lê Anh Vi, Hồ Thị Bích, Nguyễn Thị Mỹ Nhung, Bạch Thị Thanh Thanh (cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) đã thực hiện đề tài “Yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn ngành đầu vào của sinh viên và giải pháp nâng cao chất lượng công tác tư vấn tuyển sinh”. Các tác giả đã khảo sát ngẫu nhiên 433 sinh viên từ 16 trường ĐH công lẫn tư ở TP.HCM, với nhiều lĩnh vực khác nhau. Kết quả cho thấy 77 người thừa nhận đã chọn sai ngành, với những nguyên nhân chính sau: Nội dung học không đúng với kỳ vọng ban đầu (33%); năng lực bản thân không phù hợp (30%); cơ hội việc làm ít (21%); nguồn tin cung cấp về ngành nghề còn hạn chế (13%) và chi phí học tập vượt quá khả năng kinh tế (3%).
Giá như tôi biết…
Chàng trai trẻ Đinh Tuấn Ân (25 tuổi, quê Quảng Ngãi) được nhiều bạn trẻ biết đến qua vai trò một giám đốc năng động của chuỗi cửa hàng Tàu hũ HAT tại TP.HCM. Đặc biệt, anh còn nổi danh với cuốn sách Giá như tôi biết những điều này... trước khi thi đại học.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, Tuấn Ân từng nhìn nhận khi nhận tờ giấy đăng ký dự thi, anh không có ý niệm gì về Trường ĐH Ngân hàng và ngành tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, anh vẫn chọn trường và ngành này để học, với suy nghĩ đơn giản rằng đây là ngành “nóng”, ra trường lương cao, giúp mình cùng cha mẹ có dịp nở mày nở mặt với thiên hạ.
Từ câu chuyện bản thân và quan sát thực tế, Tuấn Ân cho rằng khi chọn ngành nghề thí sinh sẽ chịu chi phối bởi rất nhiều thứ như sự áp đặt của gia đình, trào lưu bạn bè... Và đây là một trong những nguyên nhân thôi thúc anh viết quyển sách nói trên, với mong mỏi: “Tôi không muốn các bạn trẻ sống trong những ngộ nhận, tư duy sai lầm về việc chọn ngành, bức tranh đại học, cách nhìn nhận về những sai lầm, thất bại hay con đường đi đến thành công. Tôi không muốn đến một lúc nào đó, chẳng hạn như khi các bạn đó chính thức trở thành sinh viên và thốt lên rằng “giá như...”.
Nguyễn Ngọc Tử Anh (quê Lâm Đồng, hiện là Giám đốc điều hành Công ty CP truyền thông Nexus) tâm sự anh đã mất gần 10 năm trời trước khi tìm ra đam mê thực sự của mình. Anh cho hay, vào năm 1999, anh đã thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM với lý do: “Hồi đó, tôi mê mẩn mấy bộ phim Hồng Kông, thấy những vị luật sư hùng biện trước tòa oách quá, nên hăm hở đăng ký theo nghề này”. Ra trường năm 2004, anh đã trải qua hàng chục công việc, với rất nhiều vị trí, nhưng sự hụt hẫng, chán chường lại luôn đeo bám trong lòng. Mãi đến năm 2008, sau quá trình chiêm nghiệm, anh mới nhận ra bản thân mình đặc biệt ưa thích lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực. Ngay lập tức, anh từ bỏ các công việc, kể cả vị trí quản lý và chấp nhận mức lương chỉ bằng 1/3 so với trước để trở thành một nhân viên bộ phận nhân sự. “Ai cũng có một quãng thời gian đi tìm cái mình yêu thích và mình có khả năng làm tốt nhất. Ăn thua là ai rút ngắn được quãng thời gian đó, ai tìm ra sớm điều đó thì sớm có niềm vui, động lực sống. Tôi cảm thấy rất nuối tiếc vì đã bỏ phí gần 10 năm, nên luôn dặn lòng phải biết cố gắng, phấn đấu nhiều hơn cho quãng đời sau đó”, anh Tử Anh bộc bạch.
Ý kiến Việc định hướng còn mù mờ Hiện nay, việc định hướng chuyên ngành học tập của sinh viên còn mù mờ quá. Đa số các bậc cha mẹ muốn con học ngành y để kiếm nhiều tiền và để hãnh diện với người khác. Thực tế cho thấy, có những người học ngành y vài năm rồi bỏ vì không phù hợp, khiến cha mẹ họ rất buồn. Nguyễn Quỳnh Trúc (Sinh viên năm 2 Trường ĐH Y - Dược TP.HCM) Ra trường không biết đi đâu, về đâu Các trường ĐH mọc lên như nấm, đào tạo tràn lan, nên nhiều sinh viên ra trường không biết đi đâu, về đâu. Tôi thấy có rất nhiều học sinh chọn ngành nghề không phù hợp sở thích bản thân nhưng vẫn đâm đầu vào. Đó là do chọn ngành theo thời thượng, không xác định được mình thích gì, đã gây tổn hại rất lớn cho bản thân và gia đình, dẫn đến thất nghiệp, rồi quay đầu học lại ngành khác… Hồ Mai Kim Chi (Sinh viên Trường ĐH GTVT cơ sở 2, Q.9, TP.HCM) |
Như Lịch
>> Xây dựng giảng đường và nhà luyện tập TDTT
>> Khát khao giảng đường của cô học trò nghèo
>> Thực hiện giấc mơ giảng đường
>> Giảng đường tươi đẹp
>> Ngủ trên… giảng đường
Bình luận (0)