Điều này dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ, nhiều người tốt nghiệp không xin được việc làm đã và đang xảy ra. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, vấn đề có lẽ không đơn giản như vậy.
Hướng nghiệp là một việc rất khó. Sẽ là không thực tế nếu cho rằng học sinh trung học phổ thông có thể biết ngành gì phù hợp với mình.
Trên thực tế, đa phần học sinh, sinh viên đều chọn ngành học theo tâm lý đám đông. Ngay cả ở Harvard, phần lớn sinh viên đại học chọn kinh tế làm chuyên ngành chính cũng vì lý do này.
Việc sinh viên mới tốt nghiệp không làm được việc có một phần lỗi rất lớn từ các doanh nghiệp hay các tổ chức sử dụng lao động thay vì thuần túy chỉ là các bài giảng hay chương trình đào tạo không có nhiều thực tế.
Sở dĩ sinh viên mới tốt nghiệp ở các nước phát triển, như Mỹ chẳng hạn, có khả năng làm việc ngay là nhờ việc thực tập. Ở các nước này, trong quá trình học, thực tập là một nội dung hết sức quan trọng đối với sinh viên.
Các doanh nghiệp thường coi sinh viên thực tập là một tài sản và cơ hội để tạo ra các giá trị cho mình. Do vậy, họ thường đối xử hay có chính sách rất tốt để chào đón sinh viên thực tập. Kết quả là trong quá trình thực tập, sinh viên được làm những công việc thực tế nên khi ra trường họ có thể đi làm ngay.
Một điều cần lưu ý nữa là hầu hết mọi người đều có khả năng chuyển đổi và thích ứng với những công việc khác nhau. Học sư phạm, xã hội nhân văn, kinh tế và thậm chí là máy tính đều có thể viết báo và có thể trở thành những nhà báo giỏi. Do vậy, việc ngồi nhầm chỗ, nhầm ngành không phải là vấn đề lớn đối với mỗi người.
Quá trình thực tập hay va chạm với thực tế giúp mỗi sinh viên có thể định hình và chọn nghề nghiệp trong tương lai. Kiến thức ở chương trình học trong nhà trường chỉ có thể giúp họ cách tư duy. Khi va đập vào thực tế thì họ có thể thích ứng và làm những việc khác nhau.
Vấn đề của Việt Nam là không ít doanh nghiệp hay tổ chức xem sinh viên thực tập là một gánh nặng hoặc việc chẳng đặng đừng. Sinh viên thực tập thường không được tham gia vào nhiều hoạt động trong tổ chức mà thường chỉ được làm những việc mà ai làm cũng được.
Kết quả là quá trình thực tập của sinh viên thường không gặt hái được nhiều kinh nghiệm hay kiến thức. Thay vào đó, thời gian thực tập thường được xem là khoảng thời gian nghỉ ngơi hay xả hơi của nhiều sinh viên vì họ không phải học, phải thi và báo cáo thực tập thì thường là cho có. Đây thực sự là một lãng phí lớn.
Một vấn đề khác đối với nguồn nhân lực hiện nay ở Việt Nam là việc đào tạo ở các doanh nghiệp hay tổ chức khác. Để tránh tình trạng đào tạo cho người khác dùng, nhiều nơi đã quyết định không quan tâm hay đặt nặng vấn đề đào tạo. Hậu quả là chất lượng nguồn nhân lực sẽ không được nâng cao. Đây là trò chơi cùng dắt nhau xuống đáy.
Đối với các nước phát triển, các doanh nghiệp và tổ chức thường quan tâm đến đào tạo. Hiện tượng nhảy việc cũng rất phổ biến ở nhiều nước. Tuy nhiên, khi hầu hết mọi người được đào tạo thì kẻ đi người về đều là nhân sự tốt.
Kết quả là nguồn nhân lực ngày một nâng cao và năng suất lao động được cải thiện đáng kể. Đây là trò chơi không chỉ các tổ chức hay doanh nghiệp mà cả nền kinh kế đều được lợi.
Tóm lại, tư duy về thực tập của sinh viên ở Việt Nam hiện nay cần được thay đổi. Các doanh nghiệp hay tổ chức nên coi sinh viên thực tập là một cơ hội làm tăng giá trị doanh nghiệp chứ không phải là gánh nặng. Hơn thế, tất cả các doanh nghiệp nên coi trọng công tác đào tạo thay vì lo mất người hoặc chỉ tìm cách “câu” những người có khả năng từ những nơi khác.
Huỳnh Thế Du
(Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright)
>> Ngồi nhầm giảng đường: Cần trang bị nhiều kỹ năng
>> Ngồi nhầm giảng đường: Hãy chọn nghề như chọn bạn đời
>> Ngồi nhầm giảng đường: Học xong... không biết làm gì
Bình luận (0)