“Ngòi nổ” phân biệt chủng tộc ở Pháp

22/11/2009 22:34 GMT+7

Chính phủ Pháp vừa biến câu hỏi “chất Pháp” còn hay mất thành một cuộc tranh luận cấp quốc gia.

Trong khi đang phải chật vật đối phó với  tốc độ hồi phục chậm chạp sau suy thoái kinh tế, người Pháp lại sắp bước vào một “trận chiến” dự báo vô cùng nóng bỏng. Hãng tin AFP đưa tin một cuộc khảo sát vừa được bắt đầu trên toàn quốc với hai câu hỏi “Định nghĩa thế nào là người Pháp trong thời đại hiện nay?” và “Người nhập cư đã có đóng góp gì cho bản sắc dân tộc?”. Cả Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng sẽ góp mặt vào tranh luận này vào tháng tới, dự kiến thực hiện qua những cuộc mít tinh tại các tỉnh thành với sự tham gia của đại diện ngành giáo dục, các tổ chức văn hóa xã hội và mọi công dân.

Nhạy cảm

Người nhập cư từ lâu là một vấn đề nóng bỏng tại Pháp. Theo con số của Viện thống kê Quốc gia, hiện có hơn 5 triệu người nhập cư tại Pháp, đa số đến từ các cựu thuộc địa tại châu Á và châu Phi. Mỗi lần nước Pháp gặp vấn đề về kinh tế - xã hội như tình trạng mất an ninh hoặc thất nghiệp là lại có ý kiến đổ vấy do người nhập cư mà đi đầu là chính khách cực hữu Jean-Marie Le Pen. Mâu thuẫn ngấm ngầm trong lòng xã hội chính là nhân tố đưa Le Pen và đảng Mặt trận Dân tộc (FN) của ông trở thành một thế lực trên chính trường Pháp. Năm 2002, những người cấp tiến tại Pháp đã bị sốc khi một người cực đoan như Le Pen giành chiến thắng vòng 1 trước ứng viên cánh tả Lionel Jospin trong cuộc bầu cử tổng thống khi đó. Căng thẳng có lúc bùng nổ như vụ bạo động năm 2005 khi thanh niên gốc Ả Rập trên toàn quốc nổi loạn đốt phá trong suốt 20 ngày đêm khiến hơn 2.800 người bị bắt hay vụ thanh niên gốc Algerie đốt hơn 300 xe hơi và làm bị thương 13 cảnh sát ngày Quốc khánh 14.7.2009. Ngay từ thời còn làm Bộ trưởng Nội vụ, ông Sarkozy đã có nhiều động thái xiết chặt luật nhập cư. Trong giai đoạn tranh cử tổng thống, liên minh trung hữu của ông cũng hứa hẹn sẽ giảm thiểu tội phạm và bất ổn xã hội liên quan đến người nhập cư cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp.

Dù vậy, trước giờ chưa ai lên tiếng về khía cạnh bản sắc văn hóa dân tộc. Vấn đề này được xem là điều cấm kỵ đến mức chỉ có mình Le Pen là từng đưa ra công luận. Giờ đây, chính trị gia này có vẻ đã tìm được “người đồng hành”  khi đương kim Bộ trưởng Di trú Eric Besson đề xuất cuộc tranh luận nói trên. Tạp chí Time dẫn lời ông Besson phát biểu việc xác định lại những bản sắc quốc gia và lòng tự hào dân tộc là vấn đề sống còn đối với một nước Pháp ngày càng trở nên đa sắc tộc. “Chúng ta phải tái khẳng định niềm tự hào khi được là người Pháp”, ông Besson nói.

Dư luận trái chiều

Nỗ lực tìm lại “chất Pháp” của chính phủ đã gây ra những ý kiến trái ngược nhau. Một bộ phận dân chúng đồng tình với Bộ trưởng Besson khi từ lâu đã có một làn sóng chỉ trích những nghệ sĩ hip-hop gốc Phi làm mất đi những giá trị tinh thần truyền thống và kích động giới trẻ nhập cư nổi loạn khi suốt ngày họ sáng tác và biểu diễn về việc bị kỳ thị, nghèo đói và thất nghiệp. Những vấn đề tưởng như vụn vặt như một quán nước không còn bán rượu sau khi sang tên cho người chủ mới theo đạo Hồi ngày càng khiến nhiều người cảm thấy nền văn hóa lâu đời bị lung lay. Vấn đề càng thêm nghiêm trọng khi trong một trận bóng đá giao hữu giữa tuyển Pháp và Tunisia hồi tháng 10 năm ngoái, hầu như toàn bộ khán giả tại sân vận động Stade de France đã la ó phản đối khi Quốc ca Pháp cất lên để bày tỏ sự bất mãn đối với chính phủ. Tổng thống Sarkozy và dĩ nhiên là cả ông Le Pen đã lên án mạnh mẽ hành động này, gọi đó là nỗi “ô nhục”, theo Time. Những người ủng hộ lập luận rằng cuộc tranh luận không nhằm cô lập người nhập cư và các cộng đồng thiểu số mà là để bảo vệ những khía cạnh đặc trưng của đất nước đang bị đe dọa bởi ảnh hưởng của ngoại quốc. Người phát ngôn của Đảng cầm quyền UMP Frederic Lefebvre nói: “Quá trình toàn cầu hóa đang xóa đi tính cách của từng dân tộc”. Ông bày tỏ sự lo ngại khi không có mấy thanh niên thuộc lời bài Douce France của cố danh ca Charles Trenet trình bày năm 1943 mô tả vẻ đẹp truyền thống của cảnh sắc và con người Pháp.

Ở phía ngược lại, các ý kiến chỉ trích lo ngại gần như chắc chắn cộng đồng nhập cư và người thiểu số sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc tranh luận và nó sẽ “hồi sinh” tư tưởng dân tộc cực đoan. Tờ L’Humanité dẫn lời Chủ tịch Phong trào chống phân biệt chủng tộc Pháp Mouloud Aounit nói: “Sự kiện này sẽ tạo ra tư tưởng người nhập cư là mối đe dọa cho bản sắc quốc gia và trở thành ngòi nổ cho nạn phân biệt chủng tộc”. Ngoài ra còn có người cho rằng chính phủ đang sử dụng cuộc tranh luận để hướng dư luận ra khỏi những vụ tai tiếng vừa qua như việc ông Sarkozy đề cử con trai vào một vị trí lãnh đạo cao cấp hay Bộ trưởng Văn hóa Frederic Mitterrand thừa nhận từng mua dâm trẻ em nam tại Thái Lan. Mặt khác, nhiều người tố cáo động thái này của chính phủ nhằm “câu” phiếu của các cử tri cánh hữu cho các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 3 năm tới. Ngay cả con gái ông Le Pen, đồng thời là Phó chủ tịch đảng FN, bà Marine cũng không đồng tình. “Đất nước này đang hỗn loạn vì khủng hoảng bản sắc và cái chúng ta cần là một cuộc tranh luận nghiêm túc chứ không phải một công cụ bầu cử”, bà Marine nói với Đài phát thanh Europe 1 hồi cuối tháng 10.

Một cuộc thăm dò thực hiện ngày 29.10 cho kết quả 64% người được hỏi phản đối tổ chức tranh luận. Tuy nhiên chỉ 3 ngày sau, trong một khảo sát khác thì 60% người dân ủng hộ nó, trong đó có 72% người cánh hữu và khoảng 50% cử tri cấp tiến. Dự kiến tranh luận toàn quốc sẽ kết thúc bằng một hội nghị vào tháng giêng. Chưa biết kết quả sẽ ra sao nhưng trước mắt nó đã khiến chia rẽ thêm trầm trọng trong lòng nước Pháp “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”.

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.