Chúng tôi trở lại Trường phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn ở TT.Khâm Đức (H.Phước Sơn) vào một chiều mưa tầm tã. Trận mưa này y hệt buổi chiều cuối tháng 10.2020, thời điểm xảy ra vụ sạt lở núi khiến 13 người dân ở H.Phước Sơn bị vùi lấp. Toàn trường có hơn 50 học sinh (HS) mồ côi, trong đó có 7 em mất cả cha lẫn mẹ.
Em Hồ Văn Thận, hiện đang học tiếng ở Hà Nội để sang Đức du học, thường xuyên điện thoại về cho các cô giáo từng nuôi nấng mình |
Mạnh Cường |
Mỗi năm, HS mồ côi của trường sẽ được 3 suất học bổng của những người Việt ở Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ việc ăn ở, học tiếng để qua đó tiếp tục du học. Cô Phạm Thị Thứ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết cứ mỗi năm danh sách các HS mồ côi sẽ được tổng hợp, những trường hợp đặc biệt khó khăn sẽ được các thầy cô trong trường nhận nuôi nấng. Lúc đầu, mỗi HS sẽ có người đỡ đầu, thường là các cô giáo chủ nhiệm lớp trực tiếp phụ trách, nhưng sau đó nhân sự ở trường có nhiều thay đổi, nên giờ tất cả đều là người thân của HS.
Theo cô Thứ, mỗi tháng giáo viên đóng góp ngày lương, lập quỹ mồ côi. Số tiền đó được chi cho tiền ăn ở, mua sách vở, dụng cụ học tập hay áo quần năm học mới. Mỗi ngày tiền ăn của các em chỉ có hơn 30.000 đồng (chia làm 3 bữa). Sách vở, áo quần và sinh hoạt phí đều được trích từ quỹ mồ côi của nhà trường. Chính vì vậy, việc thiếu thốn là điều không thể tránh khỏi.
“Các em còn quá nhỏ để đương đầu với mất mát lớn trong cuộc đời. Lúc này, cần có bàn tay đưa ra rồi nắm lấy, từng bước dìu đi. Dù phía trước còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ đồng hành cùng các em để vượt qua tất cả. Ngôi trường này, những thầy cô nơi đây sẽ mãi là chỗ dựa cho những đứa trẻ kém may mắn vươn lên”, cô Thứ chia sẻ.
Bình luận (0)