Ngồi tù vẫn lãnh đạo thành phố 20 triệu dân

24/08/2016 06:24 GMT+7

Làm thị trưởng một thành phố hơn 20 triệu dân chẳng dễ tí nào. Ngồi trong tù mà lãnh đạo thành phố đó lại càng "căng". Đó là tình cảnh chính xác của ông Waseem Akhtar, người sắp làm thị trưởng Karachi (Pakistan).

Báo Time ngày 23.8 đưa tin ông Akhtar sẽ trở thành thị trưởng Karachi - thành phố đông dân nhất Pakistan với hơn 20 triệu người. Thật ra thì chức thị trưởng Karachi phải đến ngày 24.8 mới bầu nhưng ông Akhtar đã chắc như đinh đóng cột là sẽ sở hữu cái ghế quyền lực đó, bởi đảng Phong trào Muttahida Qaumi (MQM) của ông nắm đa số trong cơ quan sẽ bầu ra chức thị trưởng Karachi. Mà MQM trong cuộc họp hồi tháng 12 vừa qua đã xác định sẽ chọn ông Akhtar.
Tới nay cũng không có gì thay đổi dẫu ông Akhtar đã bị tống vào tù từ hơn một tháng qua, chờ xét xử với hàng loạt cáo buộc khác nhau, từ sắp xếp chăm sóc y tế cho nghi can khủng bố tới kích động nổi loạn. Ông Nasreen Jalil, thượng nghị sĩ thuộc đảng MQM phát biểu đảng này sẽ giúp đỡ ông Qaumi hoàn thành công việc của mình trong vai trò thị trưởng: "Chúng tôi sẽ yêu cầu chính phủ cho ông ấy một văn phòng trong nhà tù".
Giờ cao điểm ở Karachi, thành phố đông dân nhất Pakistan. Shutterstock
Chắc chắn, đó sẽ là một văn phòng rất đặc biệt, nằm ngay ở nhà tù trung tâm của Karachi đông đúc. Trong khi bình thường, đội ngũ nhân viên của tòa thị chính ở Pakistan bao gồm cả đội lễ tân phục vụ trà nước và tài xế riêng cho ngài thị trưởng, nay ông thị trưởng sắp nhậm chức của Karachi sẽ phải dựa vào các cai ngục để sắp xếp các cuộc họp hàng ngày với hội đồng thành phố.
Hẳn cũng sẽ có lắm rắc rối cho việc liên lạc bởi ở nhà tù hiện không có đường dây điện thoại riêng cho phạm nhân. Báo Financial Times dẫn lời một quan chức chính phủ ở Karachi phát biểu: "Chẳng có phòng họp nào ở nhà tù đủ lớn cho cả hội đồng thành phố nhóm họp. Việc sắp xếp cho các cuộc họp như thế này hẳn là kỳ cục đối với lãnh đạo nhà tù. Tôi nghĩ ông thị trưởng mới sẽ ủy quyền cho ông phó thị trưởng để chủ trì một số cuộc họp".
Còn phải chờ xem tài xoay sở và khả năng phát huy sáng kiến của ông Akhtar tới đâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.