'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ?

05/01/2015 07:56 GMT+7

Trước thông tin TP.Đà Nẵng đồng ý chủ trương xây dựng "ngọn hải đăng" Marina có chiều cao thấp nhất bằng tòa nhà 25 tầng trên sông Hàn, nhiều kiến trúc sư, các nhà quy hoạch có uy tín cho rằng công trình sẽ đâm nát sông Hàn và cảnh quan, đe dọa môi trường TP.

Trước thông tin TP.Đà Nẵng đồng ý chủ trương xây dựng "ngọn hải đăng" Marina có chiều cao thấp nhất bằng tòa nhà 25 tầng trên sông Hàn, nhiều kiến trúc sư, các nhà quy hoạch có uy tín cho rằng công trình sẽ đâm nát sông Hàn và cảnh quan, đe dọa môi trường TP. 
Công trình mô phỏng ngọn hải đăng Alexandria (Ai Cập) dự kiến xây dựng trên sông Hàn - Ảnh: Nguyễn Tú chụp lạiCông trình mô phỏng ngọn hải đăng Alexandria (Ai Cập) dự kiến xây dựng trên sông Hàn - Ảnh: Nguyễn Tú chụp lại
Trước đó, ngày 25.12.2014, tại cuộc họp về một số đồ án quy hoạch kiến trúc do UBND TP.Đà Nẵng chủ trì, Công ty CP đầu tư DHC (DHC Group) xin đầu tư dự án ngọn hải đăng Marina có chiều cao thấp nhất bằng tòa nhà 25 tầng kết hợp kinh doanh nghỉ dưỡng, cách bờ sông 30 m và UBND TP.Đà Nẵng đã đồng ý chủ trương về vị trí xây dựng nằm ở phía bắc cầu Rồng thuộc P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà. Dự án này nằm bên cạnh dự án bến du thuyền Marina cũng do DHC Group đầu tư. Hai phương án kiến trúc chủ đầu tư đưa ra là xây công trình mô phỏng ngọn hải đăng Alexandria (Ai Cập) - một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại hoặc xây tòa tháp kính phục vụ du khách ngắm cảnh.
Tôi nghĩ cái tên nó sao thì nên trả lại bản chất nó vậy. Ngày xưa cha ông làm ngọn hải đăng chỉ có hai mục đích là tránh tàu bè và xác định chủ quyền. Còn hiện nay, nếu làm khác thì phải xem lại
Thạc sĩ, kiến trúc sư Đặng Vũ Doãn, Viện Quy hoạch - Xây dựng TP.HCM
Khách sạn trá hình
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 4.1, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, người từng tham gia lập quy hoạch TP.Đà Nẵng (một chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch đồng thời cũng là giảng viên đại học tại Bắc Mỹ), cho rằng trước hết tên gọi cần phải gọi tên đúng chức năng công trình, ví dụ là “tháp khách sạn Marina”, thể hiện đúng bản chất của công trình đề xuất, là một khách sạn 25 tầng, nằm giữa lòng sông. Không thể gọi là tháp hải đăng vì công trình không có chức năng hải đăng. Kế đến, vì đây là một công trình phục vụ hoạt động kinh doanh, do đó không thể lấn chiếm diện tích sông, vốn là diện tích công dành cho mục đích cảnh quan, văn hóa, lịch sử, hạ tầng giao thông, và bảo vệ môi trường dòng sông. Ngoài ra, kinh nghiệm các dự án lấn biển và lấn chiếm dòng sông cho thấy có khả năng khu vực lân cận sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như xói mòn đất, tai nạn giao thông thủy... Giải pháp khả thi hơn, có thể là chọn một khu đất lõm vào cạnh bờ sông (ví dụ khu vịnh gần ngã ba Trần Hưng Đạo và Nại Tú 2) để vừa làm Marina, vừa làm khách sạn, mà không xâm phạm gì đến dòng sông. Ngoài ra, vì đây là một khách sạn, sẽ tạo luồng giao thông giao cắt với tuyến đi bộ hai bên bờ sông, chưa tính đến bộ phận hạ tầng, hầm xe, bếp, kỹ thuật và hầm phân tự hoại, có thể ảnh hưởng lớn đến mỹ quan và chất lượng môi trường sống hiện đang tốt của khu vực. Cuối cùng, vì mục đích là xây dựng một công trình điểm nhấn, do đó cần tính toán sao cho có thể làm tăng giá trị, thay vì làm giảm giá trị các công trình điểm nhấn đã có. Hiện nay, trong khu vực đã có những công trình điểm nhấn như cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, dòng sông Hàn lịch sử, tòa nhà Trung tâm hành chính cao 34 tầng, khách sạn Novotel cao 37 tầng, tầm nhìn thoáng về phía Ngũ Hành Sơn, là một linh địa và là biểu tượng của thành phố.
Rất ngắn gọn nhưng đầy đủ, thạc sĩ, kiến trúc sư Đặng Vũ Doãn, Viện Quy hoạch - Xây dựng TP.HCM, nói: “Tôi nghĩ cái tên nó sao thì nên trả lại bản chất nó vậy. Ngày xưa cha ông làm ngọn hải đăng chỉ có hai mục đích là tránh tàu bè và xác định chủ quyền. Còn hiện nay, nếu làm khác thì phải xem lại".
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Chánh Tú, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, thẳng thắn nêu sự mập mờ của dự án, tên gọi dự án là “ngọn hải đăng”, nhưng thực tế là một khách sạn 5 sao nằm giữa lòng sông Hàn. Kinh nghiệm từ các dự án lấn sông lấn biển đều khiến dòng chảy bị ảnh hưởng, hoặc hai bên bờ bị xâm thực... Theo ông Tú, với các dự án lớn, có quy mô ảnh hưởng đến quy hoạch kiến trúc của một đô thị thường phải tham khảo ý kiến nhiều chiều, chứ không nên ủng hộ hay từ chối ngay. Khi đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, đặc biệt các nhà chuyên môn, ngay lập tức phải hết sức cẩn trọng. Ngoài ra, ông Tú cũng tỏ ra khá e ngại khi cảnh báo, coi chừng dự án bị chi phối bởi lợi ích nhóm.
Vị trí dự kiến xây dựng “ngọn hải đăng” - Ảnh: Nguyễn TúVị trí dự kiến xây dựng “ngọn hải đăng” - Ảnh: Nguyễn Tú
“Ai cũng phá lệ thì hậu quả sẽ ra sao ?”
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Phó chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư TP.HCM đưa ra 4 lý do phản đối việc này. "Thứ nhất, địa phương nào trên cả nước cũng đã có quy định về chỉ giới sông rạch. Sông nào cũng có chỉ giới, giống như sông Sài Gòn chỉ giới là 50 m thì tại sao Đà Nẵng lại cho xây dựng trên sông. Thứ hai, việc xây dựng chỉ nên được triển khai nếu vì lý do an ninh quốc phòng. Nếu ai cũng phá lệ thì hậu quả sẽ ra sao? Tất cả công trình xây dựng đều phải có công năng rõ ràng. Ở đây, chủ đầu tư chưa đưa ra công năng rõ ràng của dự án. Thứ ba, về mặt phong thủy, con sông là rất quan trọng với người châu Á. Chặn lại một dòng sông cửa ngõ của một thành phố lớn, là không nên. Cuối cùng, trong tình hình biển Đông hiện nay, với chiều cao tương đương 75 - 100 m (chiều cao tối thiểu của tòa nhà 25 tầng) cần phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng”.
Còn theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, thành viên Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thuộc Hội Kiến trúc sư VN, đây là vấn đề rất quan trọng. Đặc biệt, lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch lại cần phải cân nhắc nhiều mặt như kinh tế, văn hóa, giao thông, môi trường… nên phải chọn lựa giữa được nhiều nhất và mất ít nhất. Vì vậy, việc này cần phải được làm rõ qua ý kiến của những nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu, nhất là những người sống ở Đà Nẵng. Việc tổ chức lấy ý kiến không khó, quan trọng là tổng hợp các ý kiến làm sao để chọn được giải pháp tối ưu nhất.
Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, nói thẳng “không nên cho phép xây dựng ngọn hải đăng". Theo ông Tiếng, trước đó vì yêu cầu phát triển đô thị, Đà Nẵng đã xây dựng nhiều cây cầu trên dòng sông Hàn. Về phương diện thủy văn, những cây cầu này ít nhiều đã tạo trở lực cho dòng chảy của con sông Hàn trên đường ra biển. Nhưng đây là chuyện chẳng đặng đừng nhằm giải quyết nhu cầu giao thông vận tải ngày càng gia tăng và quan trọng hơn là nhằm tạo sự đồng đều về diện mạo đô thị giữa tả ngạn và hữu ngạn sông Hàn. Cũng chính vì lẽ đó, khi mở rộng đường Bạch Đằng ra phía bờ sông, thay vì làm theo cách dễ nhất, ít tốn kém nhất là đổ kè lấn sông, lãnh đạo TP đã yêu cầu chỉ được đúc trụ để dòng chảy ít bị trở lực vì sự mở rộng lòng đường thu hẹp lòng sông này. "Cho nên tôi rất kỳ vọng những con người có nhãn quan đúng đắn như vậy sẽ cân nhắc kỹ khi quyết định cho đầu tư xây dựng một khối kiến trúc đồ sộ như tòa nhà phức hợp biểu tượng ngọn hải đăng 25 tầng trên dòng sông Hàn. Còn về biểu tượng hải đăng, theo tôi tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố cũng đã mang biểu tượng này, không cần thiết có thêm một hải đăng thứ hai ngạo nghễ trên dòng sông Hàn thơ mộng", ông Tiếng nói.
Lấy ý kiến trước 15.1
Chiều 4.1, ông Võ Văn Thương, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP.Đà Nẵng, cho hay trước một số ý kiến lo ngại dự án ngọn hải đăng phá vỡ cảnh quan sông Hàn, thành phố chưa thống nhất phương án kiến trúc mà sẽ lấy ý kiến rộng rãi đội ngũ kiến trúc sư, quy hoạch, chuyên gia khoa học kỹ thuật vào ngày 8.1 tới đây. Sau đó tổng hợp trình thành phố trước 15.1.
Nguyễn Tú
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.