Phản đối dự án "ngọn hải đăng" Marina được xây dựng ngay giữa lòng sông Hàn, ngày 2.1, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.Đà Nẵng đã có văn bản gửi Thành ủy TP.Đà Nẵng, HĐND, UBND...
Vị trí xây dựng tháp hải đăng - Ảnh: Nguyễn Tú chụp lại
|
Theo hội, với cụm quần thể công trình du thuyền Marina vươn ra dòng sông, rồi lại vươn cao 25 tầng ở chính ngay trục giữa không gian trung tâm TP, chắc chắn sẽ che chắn tầm nhìn hướng dọc sông Hàn đối với núi Sơn Trà, các cầu biểu tượng được mệnh danh là “Cổng Trời”, “Cầu Rồng” của TP.
Chặn lối thoát nước chính ra biển
Kiến trúc sư (KTS) Huỳnh Tòa, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Phó chủ tịch Hội KTS Đà Nẵng, nói ngay “quá phản cảm”. Lý do, ngay cái tên gọi đã “không đàng hoàng, thiếu rõ ràng minh bạch”. Theo ông Huỳnh Tòa: “Điều cực kỳ quan trọng: sông Hàn là lối thoát nước chính ra cửa biển của Đà Nẵng. Đà Nẵng hay miền Trung nói chung không thiếu các trận lụt lịch sử. Những người có trách nhiệm với dự án này, nếu đã từng chứng kiến cơn lũ lịch sử tràn qua sông Hàn, nguy cơ sạt lở luôn rình rập, sẽ không thể biểu quyết thông qua”.
|
Trước một số ý kiến cho rằng, khi tiến hành xây dựng dự án, nhà đầu tư phải có đội ngũ tư vấn kết cấu kiến trúc để không ảnh hưởng đến dòng chảy của dòng sông, KTS Huỳnh Tòa phản đối: “Nếu thông tin về dự án đúng là chân tháp rộng 400 m2 và tháp cách bờ sông 30 m thì không thể nói là không ảnh hưởng. Tháp xây lên phải có cầu dẫn đi ra, xây cầu phải có chân cầu, dòng chảy bị xẻ năm xẻ bảy chứ không chỉ có xẻ hai. Sao lại nói không ảnh hưởng một cách vô trách nhiệm vậy được?”.
KTS Phạm Phú Bình, Ủy viên BCH Hội KTS VN, Phó chủ tịch Hội Tư vấn xây dựng VN, nêu quan điểm mọi dấu ấn cho TP, nếu có, cũng phải đạt tính bền vững. Dòng sông có giá trị cảnh quan, môi trường rất lớn, nếu đưa một hình khối nằm chèn giữa dòng ắt phải có ảnh hưởng. Việc xây tòa nhà cao 25 tầng chắc chắn sẽ làm chấn động lòng sông, sức nén của tòa nhà sẽ làm ảnh hưởng, tác động không tốt đến phong thủy, địa chất của dòng sông. Ngay cả việc xây dựng dự án bến du thuyền Marina với cầu tàu dài 40 - 50 m cũng không được khi nó “vươn” ra quá xa ngoài lòng sông, ảnh hưởng đến các phương tiện khác di chuyển trên sông Hàn. “Tôi phản đối việc xây dựng dự án ngay trên dòng sông Hàn. Nếu nhà đầu tư muốn làm thì đi làm chỗ khác”, KTS Hoàng Quang Huy, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN bức xúc.
Ông Tòa cũng khuyên nên lấy kết quả lượng nước đo được trong một trận lụt lịch sử để đo đếm lượng nước dòng sông Hàn phải tải để quyết định có cần thiết cho một dự án chèn ngang giữa dòng vậy không.
“Lương tri là biết nghĩ đến sự tồn tại của sự sống”
Theo KTS Hoàng Quang Huy, để có được hai bên bờ sông Hàn như hiện nay, Đà Nẵng đã phải mất 25 năm giải tỏa mười mấy ngàn căn nhà “ổ chuột” cảng cá, cầu tàu, bến cảng sửa chữa tàu thuyền Quân khu 5, cơ sở chế biến thủy hải sản, bãi than củi, nhà cảng vụ, dãy nhà kho hàng hóa cảng Đà Nẵng... hai bên bờ sông. Ngay cả các cơ quan nhà nước nằm trên bờ sông Hàn cũng bị giải tỏa hết nhằm mục đích tạo cảnh quan đẹp hai bên bờ sông và đặc biệt là không để công trình nào che chắn núi Sơn Trà, bởi đây là báu vật của người dân và TP.Đà Nẵng, là thẩm mỹ đô thị của Đà Nẵng.
“Như vậy không có lý do gì nhà của dân nằm trên bờ còn bị giải tỏa mà một công trình của doanh nghiệp lại được cấp phép. Nếu cho doanh nghiệp làm dự án này sẽ không có sự công bằng giữa người dân và doanh nghiệp”, KTS Hoàng Quang Huy nói. Không những vậy, theo ông Huy, nếu công trình trên được xây dựng sẽ che chắn trọn vẹn cầu Rồng - biểu tượng là niềm tự hào của nhân dân Đà Nẵng hiện nay.
Luật sư Hồ Quốc Tuấn, Đoàn luật sư Đà Nẵng nêu ý kiến, cùng với bán đảo Sơn Trà, núi Hải Vân, Ngũ Hành Sơn, Bà Nà - Núi Chúa, vịnh biển Đà Nẵng, sông Hàn nằm trong khối di sản quý giá của TP, tạo nên vị thế đắc địa, lợi thế khác biệt mà không phải TP nào cũng có được. “Vẫn biết còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta không nên làm kinh tế với “bất kỳ giá nào”, đừng vì lợi ích cục bộ, đừng vì cái lợi trước mắt mà không thấy hậu quả lâu dài, làm cho lòng dân không yên là rất nguy hiểm cho sự phát triển bền vững của Đà Nẵng”, luật sư Tuấn nói.
Bàn về tính thẩm mỹ, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cho rằng, dự án “ngọn hải đăng” chỉ phá vỡ thêm thẩm mỹ cho TP vốn đã dày đặc công trình kiến trúc tầm cỡ xung quanh. Đà Nẵng đang có nhiều điểm nhấn bị tập trung vào một điểm là sông Hàn rồi. Cầu Rồng, cầu sông Hàn, tòa nhà hành chính, rồi nay thêm tòa khách sạn 5 sao sừng sững giữa dòng. Làm vậy tương lai con cháu liệu có còn khí trời, gió biển để hưởng không? Bộ phận tư vấn quy hoạch đô thị và lãnh đạo TP cần có cái nhìn xa trông rộng. “Lương tri là biết nghĩ đến sự tồn tại của sự sống”, ông Phạm Văn Hạng nhấn mạnh.
Đà Nẵng vẫn quyết xây tháp trên sông Hàn
Ngày 5.1, Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng cho biết UBND TP đã có thông báo kết luận về phương án tổng mặt bằng và kiến trúc dự án Bến du thuyền và câu lạc bộ thể thao dưới nước của Công ty CP đầu tư DHC. Theo đó, lãnh đạo TP thống nhất về phương án quy hoạch và vị trí các công trình, giao Sở Xây dựng hướng dẫn chủ đầu tư phối hợp đơn vị tư vấn lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch, trình UBND TP xem xét phê duyệt. Riêng Sở TN-MT hướng dẫn chủ đầu tư xin ý kiến Bộ Quốc phòng về công trình sân bay trực thăng tại dự án. Sau đó, Sở KH-ĐT, Sở VH-TT-DL, Sở GTVT hướng dẫn chủ đầu tư hoàn chỉnh thủ tục liên quan và Công ty DHC phải đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào hoạt động.
Về phương án kiến trúc, lãnh đạo TP chọn phương án số 3 trong 3 phương án, mô hình tháp kính dạng bông hoa nở, đáy tháp diện tích 400 m2, ngọn tháp diện tích khoảng 700 m2, tuy nhiên để xem xét toàn diện, TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Hội KTS, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị lấy ý kiến rộng rãi về phương án này, báo cáo TP xem xét quyết định trước 15.1.
Nguyễn Tú
|
Đừng "chọn mặt gửi vàng" để lấy ý kiến phản biện
Qua điện thoại, KTS Vũ Quang Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, Chủ tịch Hội KTS Đà Nẵng, cho hay kết quả thông qua dự án này hay không phải chờ sau cuộc họp của Sở tổ chức vào ngày 8.1, lấy ý kiến các tổ chức phản biện xã hội về công trình này.
“Nhiều anh em trong ngành đương nhiệm, muốn phản biện dự án cũng rụt rè hoặc không dám nói. Tôi sợ nhất là các cuộc họp mà không ai dám phát biểu trái ý lãnh đạo. Thế nên, nếu có tổ chức lấy ý kiến phản biện, cũng nên vô tư chứ không nên chọn mặt gửi vàng, kiểu xét xem ai sẽ ủng hộ dự án thì mời hoặc không có chính kiến cho an toàn. Tôi cho đây là vấn đề vô cùng lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân về lâu dài, phải thực hiện trưng cầu dân ý một cách dân chủ mới thuyết phục và dễ cho người ra quyết định được”, KTS Huỳnh Tòa nói.
|
Bình luận (0)