Khi 2 đoạn cao tốc này thông tuyến với nhau, tạo thành hành lang giao thông xuyên suốt chiều dài gần 150 km của Bình Thuận.
Có thể nói nút thắt giao thông "đối ngoại" của Bình Thuận đã cơ bản được tháo gỡ. Người dân vui nức lòng vì đi lại nhanh chóng và thuận tiện vô cùng. Tuy nhiên, hiện cả 2 đoạn cao tốc này vẫn chưa hoàn chỉnh, hai bên đường công trường vẫn còn ngổn ngang, dù đã thông tuyến.
Mấy ngày qua báo chí đưa hình ảnh tại nút giao Ma Lâm của cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, người dân phải lội ngập nước ngang ngực để chui qua hầm dân sinh vì đơn vị thi công chưa làm đường hoàn thiện. Khi cao tốc vận hành, do chưa xong đường dân sinh, người dân đi làm đồng phải đi vòng rất xa. Nhưng chuyện đường gom dân sinh chưa phải là mối nguy nhất lúc này. Hiện nay hàng rào suốt cả tuyến nhiều đoạn chỉ làm tạm, ngăn được người vào chứ không ngăn được gia súc, trâu bò, chó mèo leo vào.
Khi điều khiển xe trên cao tốc, nhìn thấy xác các con vật trên đường khiến chúng tôi không khỏi lo lắng. Nếu để gia súc, gia cầm lạc vào cao tốc sẽ rất bất an cho người tham gia giao thông, vì xe chạy vận tốc cao, không thể tránh được. Càng nguy hiểm hơn khi xuất hiện cả các xe ô tô đi ngược trên cao tốc mà thời gian vừa qua trên các trang mạng xã hội đã đưa hình ảnh và lên án khá nhiều trường hợp. Không phải chỉ cá biệt mà công an đã xử lý nhiều trường hợp.
Điều này cho thấy, các cơ quan chức năng, nhất là đại diện chủ đầu tư (Ban Thăng Long và Ban 7 - Bộ GTVT), cần nhanh chóng chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương hoàn thiện hệ thống hàng rào bảo vệ, hệ thống vạch đường, biển báo và lực lượng CSGT cần xử lý nghiêm các hành gây vi mất an toàn trên cao tốc. Chỉ có như thế cao tốc mới an toàn, phát huy hiệu quả.
Bình luận (0)