CẦN DI DỜI HÀNG TRĂM HỘ DÂN
Nghe tin Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, ông Huỳnh Bá Nhựt (65 tuổi, trú tại tổ 19, P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn) mừng khấp khởi. Bởi 14 năm qua, gia đình ông Nhựt cũng như hàng trăm hộ dân khác nằm trong vùng dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn (quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 vào tháng 6.2009) phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy do dự án "treo" kéo dài.
"Gia đình tôi gồm 3 thế hệ với 8 nhân khẩu sống trong 2 căn nhà liền kề. Do nhà nằm trong khu vực dự án nên nhiều năm qua chúng tôi không thể xây mới hoặc sửa chữa lớn được. Cứ thế, gia đình cực khổ sống trong căn nhà xuống cấp, mưa thì dột, nắng thì nóng như lò lửa. Nghe tin Chính phủ đã duyệt quy hoạch, tôi mừng lắm. Chỉ mong TP.Đà Nẵng sớm triển khai dự án để gia đình được chuyển đến nơi khác, xây nhà mới ổn định cuộc sống", ông Nhựt nói và cho biết tại khu vực tổ 19 hiện có nhiều nhà dân đã nhận 80% tiền đền bù, vẫn đang "bám trụ" trong những căn nhà nhếch nhác chờ nhận 20% số tiền còn lại và chờ tái định cư.
Cùng chung nỗi niềm, ông Nguyễn Viết Hóa (70 tuổi, trú tổ 1, P.Hòa Hải) cho hay dự án "treo" đến 14 năm thì cũng từng đó thời gian gia đình ông khổ sở vì nhà cửa xuống cấp mà không được xây lại. "Nhà thủng chỗ nào thì vá chỗ đó. Tôi năm nay đã già yếu, chỉ mong được chuyển về nơi ở mới sống vài năm rồi nhắm mắt cũng vui lòng…", ông Hóa ngậm ngùi.
Theo quan sát của PV Thanh Niên, mặc dù tốc độ đô thị hóa của Đà Nẵng rất nhanh nhưng khu vực xung quanh ngọn Hỏa Sơn (ở Ngũ Hành Sơn) được giới hạn bởi đường Phạm Hữu Nhật - Sư Vạn Hạnh - Lê Văn Hiến dường như bị… bỏ quên, với cảnh nhà cửa lụp xụp, có nơi đổ nát, hoang tàn vì giải tỏa lỡ dở… Để sớm triển khai quyết định quy hoạch, bà Cao Thị Huyền Trân, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn, cho rằng cần sớm công bố quy hoạch, tiến hành cắm mốc giới, di dời các hộ dân trong khu vực danh thắng theo hồ sơ được duyệt. Bà Trân cho biết hiện trong ranh giới quy hoạch danh thắng có 1.517 hồ sơ nhà ở, đất nông nghiệp phải di dời. Thời gian qua, có 681 hồ sơ đã bàn giao mặt bằng, còn lại 836 hồ sơ chưa bàn giao, trong đó có 141 hộ gia đình đã nhận 80% tiền đền bù.
"Việc quy hoạch đã kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân nằm trong khu vực giải tỏa. Vì vậy, đề nghị TP.Đà Nẵng trước hết thống nhất chủ trương tiếp tục cho di dời những hộ dân đã nhận tiền đền bù để sớm ổn định cuộc sống. Các trường hợp còn lại sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục để thu hồi đất theo quy định", bà Trân nói. Chính quyền Q.Ngũ Hành Sơn cũng đề nghị thành lập tổ chức liên ngành triển khai quy hoạch do lãnh đạo UBND TP làm trưởng ban cùng với các thành viên từ các sở, ngành liên quan để triển khai kịp thời, chặt chẽ.
PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÂM LINH GẮN VỚI LỄ HỘI
Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn cho biết thêm vấn đề quan trọng để triển khai quy hoạch đó là nguồn lực đầu tư. Quyết định quy hoạch đưa ra 7 nhóm dự án thành phần với 3 giai đoạn phân kỳ đầu tư, trong đó giai đoạn 2023 - 2026 sẽ triển khai các dự án nhóm 1, 2, 3 và một số dự án thành phần thuộc nhóm 6, 7. Do đó, bà Cao Thị Huyền Trân đề nghị UBND TP sớm phê duyệt các nhóm dự án thành phần, xác định nguồn vốn của từng dự án (vốn T.Ư, vốn TP, vốn kêu gọi đầu tư). Đồng thời đề nghị HĐND TP quyết định danh mục dự án đầu tư giai đoạn trung hạn 2023 - 2025, phân bổ nguồn vốn đầu tư phù hợp. Hiện nay, việc điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn chỉ mới ghi vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án là... 50 triệu đồng.
"Để việc triển khai quy hoạch đạt hiệu quả, gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, cần mời, thuê tư vấn nước ngoài, các chuyên gia về văn hóa để thực hiện việc bảo tồn, khai thác du lịch ở đây. Cần có tầm nhìn và kinh nghiệm quốc tế để từng bước hình thành diện mạo mới của danh thắng Ngũ Hành Sơn, để du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, đó mới là sự phát triển bền vững nhất", bà Trân nhấn mạnh.
Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, cho rằng khu danh thắng, di tích có quá nhiều thuận lợi để phát triển loại hình du lịch tâm linh, trong đó có lễ hội Quán Thế Âm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2021. Từ đó, vị thượng tọa mong muốn UBND TP nên sớm xây dựng đề án phát triển văn hóa du lịch tâm linh, nhất là du lịch tâm linh Phật giáo.
"Để phát huy xứng tầm với danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng như phát triển mạnh về du lịch văn hóa tâm linh, góp phần thu hút ngày một nhiều hơn du khách đến với TP.Đà Nẵng, đối với lễ hội Quán Thế Âm (diễn ra vào các ngày 17 - 19.2 âm lịch hằng năm), tôi cho rằng các hạng mục và vùng không gian lễ hội cần ưu tiên đầu tư, trước nhất là khu lễ đài tổ chức lễ chính thức. Cần thiết mở rộng không gian và thời gian lễ hội Quán Thế Âm, tận dụng không gian sông nước và công viên về phía tây sông Cổ Cò để làm một cây cầu nghệ thuật đặc sắc nối liền không gian lễ hội và công viên chỉ dành riêng cho xe điện và hoặc người đi bộ đi qua, tổ chức thuyền hoa đăng trên sông Cổ Cò trong dịp lễ hội…", thượng tọa nói.
Theo thượng tọa, lễ hội sẽ thu hút hàng trăm ngàn người về lưu trú để tham dự nếu được tổ chức thêm đêm Trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm cũng như chiêm ngưỡng tượng Quán Âm bằng kim loại quý được rước trong lễ hóa trang diễu hành. Ngoài ra, vị thượng tọa cũng nêu ý tưởng nên làm tháp chuông Ngũ Phúc trên đỉnh Kim Sơn cải tạo các bãi đất trống thành những vườn hoa, đồi cỏ… như đã làm vườn hoa dưới chân núi phía tây nam ngọn Thủy Sơn vào cuối năm 2022. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, sau 2 năm vắng bóng vì dịch bệnh, lễ hội Quán Thế Âm năm 2023 đã trở lại với quy mô lớn nhất từ trước đến nay; thu hút hàng trăm ngàn người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái.
Tại kỳ họp HĐND TP.Đà Nẵng vừa diễn ra, Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết đánh giá việc cụ thể hóa quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn là trách nhiệm hết sức quan trọng. Ông Triết đề nghị UBND TP tiếp thu các ý kiến đóng góp để xác định danh mục đầu tư trong thời gian tới, phù hợp với nguồn lực của TP, với mục tiêu đã được Chính phủ thông qua.
Bình luận (0)