Ngổn ngang thời hậu Gaddafi

23/10/2011 23:35 GMT+7

Ông Muammar Gaddafi đã chết nhưng Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya (NTC) vẫn còn nhiều thách thức trong việc ổn định tình hình và tái thiết đất nước.

Cái chết của ông Gaddafi được xem là cột mốc đánh dấu thắng lợi của NTC và giúp tránh những dư luận trái chiều trong trường hợp ông bị xét xử trước Tòa án Quốc tế. Tuy nhiên, cách hành xử của lực lượng NTC với ông Gaddafi đang bị chỉ trích từ nhiều phía. Ngoài việc tình huống dẫn đến cái chết của nhà lãnh đạo này vẫn chưa rõ ràng, việc xử lý thi thể ông cũng gây một số ý kiến bất bình. Trong lúc chưa có tuyên bố cụ thể về những bước tiếp theo, xác ông Gaddafi vẫn nằm trong một kho lạnh chứa thực phẩm tại Misrata và NTC để hàng trăm người dân vào xem, thay vì an táng trong vòng 24 giờ như quy định của đạo Hồi.


Đằng sau nụ cười chiến thắng là nỗi lo ở Libya - Ảnh: AFP

Ngoài ra, dù AFP dẫn lời phát ngôn viên của quân đội NTC ở Misrata là Fathi Bachagha khẳng định “sẽ không ai mổ xác ông Gaddafi” nhưng ngày 23.10, một nguồn tin khác lại tuyên bố “việc giám định pháp y vừa hoàn tất” với kết luận ông Gaddafi chết do bị bắn vào đầu. Điều này càng làm nghi vấn về cái chết của ông thêm chồng chất.

Nghi vấn về 200 tỉ USD của ông Gaddafi

Tờ Los Angeles Times loan tin số tài sản ông Gaddafi đầu tư ra nước ngoài lên đến 200 tỉ USD, gấp đôi ước tính trước đây của phương Tây. Tờ báo dẫn lời một số quan chức Libya cho biết Mỹ đã phong tỏa 37 tỉ USD trong tài khoản đầu tư của chính quyền Gaddafi tại nước này. Chính phủ các nước Anh, Đức, Pháp, Ý cũng đã thu giữ 30 tỉ USD. Số còn lại bị nghi nằm trong nhiều dự án ở Trung Đông và một số khu vực khác.

Trả lời BBC ngày 23.10, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond cho rằng hình ảnh của NTC đang bị hoen ố phần nào sau những diễn biến mới nhất. Các tổ chức nhân đạo cũng tỏ ra lo lắng những quan chức, binh sĩ trung thành với ông Gaddafi cũng sẽ bị đối xử như lãnh đạo của họ.

Nhiệm vụ khó khăn

Ngày 23.10, NTC tổ chức lễ tuyên bố giải phóng hoàn toàn Libya, theo AFP. Trước đó, bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới tại Jordan, Chủ tịch Hội đồng Hành pháp của lực lượng này Mahmoud Jibril xác nhận sẽ từ chức để chuẩn bị thành lập chính quyền lâm thời “trong vòng một tháng” và thừa nhận “việc xây dựng lại Libya không phải là điều dễ dàng”.

Từ một tháng qua, NTC từng nhiều lần thảo luận việc thành lập chính quyền lâm thời nhưng không thành công vì không thống nhất quan điểm. Theo tờ Le Monde, tình trạng chia rẽ nội bộ nhiều khả năng sẽ thêm rõ nét khi “kẻ thù chung” đã không còn. NTC hiện có 3 thành phần chính: những quan chức thuộc chính quyền Gaddafi đã đào tẩu, đại diện của các hội đoàn dân sự và những tổ chức Hồi giáo thuộc nhiều dòng khác nhau, trong đó có cả cực đoan. Đối với mỗi vấn đề nghị sự, 3 thành phần này thường không đồng quan điểm. Chẳng hạn, thành viên những tổ chức Hồi giáo và hội đoàn dân sự muốn thanh trừng sâu rộng đối với những người trung thành với ông Gaddafi nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhóm cựu quan chức.

Thành phần không đồng nhất khiến việc xây dựng một đội ngũ vững mạnh sẽ rất khó khăn. Không chỉ vậy, lực lượng này còn mang nặng tính địa phương. Mỗi vùng miền có tham gia lật đổ ông Gaddafi đều có một “đội quân riêng” và đều muốn vị trí quan trọng trong chính phủ mới: Benghazi là trung tâm của phong trào nổi dậy từ lúc đầu, Misrata thì tự xem mình là biểu tượng của sự kháng cự quyết liệt, Zentan và khu vực miền núi Nefoussa thì tự hào đã thực hiện những đợt tấn công có tính quyết định vào Tripoli.

Ngoài ra, đối xử thế nào với những địa phương không tham gia nổi dậy, thậm chí ủng hộ ông Gaddafi cũng là một thách thức lớn nếu NTC muốn xây dựng một đất nước đoàn kết. Đó là chưa kể việc chính phủ tương lai bắt buộc phải dàn xếp để nhận được sự ủng hộ của các bộ tộc vốn có tiếng là “khó chịu” của Libya, cũng như cân bằng việc “đền ơn” các đối tác nước ngoài đã hỗ trợ trong thời gian qua.

Ngày 23.10, Tunisia là nước đầu tiên trong phong trào chính biến ở Trung Đông và Bắc Phi tổ chức tổng tuyển cử và NTC đang xem đây là mục tiêu để “phấn đấu”, theo AFP. Dự kiến Libya sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội trong vòng 8 tháng tới.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.