Ngổn ngang tương lai Libya

27/08/2011 22:30 GMT+7

Chiến sự Libya được cho là đang đến hồi kết, nhưng giai đoạn xây dựng lại đất nước để đạt được hòa bình, ổn định vẫn còn rất xa.

Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia (NTC) của lực lượng nổi dậy ngày 26.8 quyết định dời Ủy ban Hành pháp từ Benghazi về Tripoli. Chủ tịch NTC Mustafa Jalil cũng sẽ đến thủ đô khi các điều kiện an ninh đã được đảm bảo. Qua những động thái này, NTC muốn khẳng định đang dần nắm quyền điều hành đất nước thay nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Tuy đã được khoảng 40 quốc gia và lãnh thổ công nhận, nhưng vẫn còn nhiều nghi vấn về bản chất thật sự của lực lượng này. Điển hình là việc Liên minh châu Phi (AU) vẫn chưa công nhận NTC và kêu gọi xây dựng "một chính phủ chuyển tiếp với đại diện của tất cả các thành phần chính trị tại Libya", theo tờ Le Monde.

Bí ẩn đến phút chót

NTC được thành lập vào cuối tháng 2.2011 tại Benghazi và tuyên bố "là đại diện chính thức của Libya", đồng thời bổ nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, sau 6 tháng xung đột và đến tận gần đây, dư luận vẫn biết rất ít về hội đồng này. Chỉ 13/40 thành viên của NTC công khai tên tuổi, chủ yếu là luật sư, giáo sư, giảng viên đại học hoặc những nhân vật thân cận trước đây của ông Gaddafi. Những người còn lại vẫn ẩn danh với lý do "giữ an toàn cho bản thân và gia đình".

NTC tỏ ra khá thành công trong mục tiêu đối ngoại khi được nhiều bên ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề đối nội vẫn là điểm nhức nhối của phe nổi dậy. Xem xét diễn biến 6 tháng chiến tranh sẽ thấy cả hai phe ở Libya đều có nhiều hành động thiếu kiềm chế khiến LHQ ngày 26.8 phải kêu gọi các bên tránh lạm sát bừa bãi. Hơn nữa, lực lượng nổi dậy để "mất điểm" dưới mắt người dân Libya vì dựa quá nhiều vào các biện pháp quân sự của NATO.

 
Các bệnh viện ở Tripoli đang quá tải bệnh nhân và thiếu thốn trầm trọng - Ảnh: AFP

Gần đây, giới quan sát thậm chí còn đặt dấu hỏi về sự liên hệ giữa NTC với các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Theo tờ Libération, Abdelhakim Belhaj, chỉ huy quân sự tại Tripoli của lực lượng nổi dậy là nhân vật bị các cơ quan mật vụ Mỹ "quan tâm" từ lâu với tên thật Abou Abdallah al-Sadek. Ông này bị cáo buộc là một trong những người sáng lập và là lãnh đạo của tổ chức Chiến binh Hồi giáo Libya (GIC), từng có các trại huấn luyện tại Afghanistan trước khi xảy ra vụ 11.9, đồng thời có liên hệ với al-Qaeda. Belhaj bị CIA bắt vào năm 2003, bị kết án tù tại Libya rồi được trả tự do năm 2010 sau khi tuyên bố không tham gia "thánh chiến" nữa. Ngoài Belhaj, nhiều cựu thành viên của GIC hiện là những chỉ huy quân sự cao cấp của phe Benghazi như Ismael as-Salabi, Abdelhakim al-Assadi, Ali Salabi... Đây cũng là lý do Algeria vẫn chưa công nhận NTC và cho biết đang chờ đợi lực lượng này có thái độ phản đối quyết liệt hơn đối với mạng lưới al-Qaeda ở Bắc Phi.

Tâm điểm dầu hỏa

Về việc tái thiết đất nước thời hậu chiến, ngày 25.8, HĐBA LHQ đồng ý giải ngân 1,5 tỉ USD trong số tài sản ước tính gần 170 tỉ USD của Libya ở nước ngoài cho NTC. Tuy nhiên, "điểm nóng" thật sự hiện nay ở Libya là việc khai thác và sản xuất dầu hỏa. Chủ tịch NTC Jalil từng nhiều lần khẳng định "sẽ có quan hệ đặc biệt với những quốc gia đã ủng hộ cuộc chiến của chúng tôi từ thời điểm ban đầu". Pháp, Anh, Mỹ, Ý..., những nước tiên phong trong việc can thiệp quân sự vào Libya cách đây 6 tháng chắc chắn sẽ là các đối tác hàng đầu để NTC thúc đẩy kinh tế và khôi phục xuất khẩu dầu mỏ.

Theo Le Figaro, trước nội chiến, Libya sản xuất 1,6 triệu thùng/ngày (2% tổng cung dầu mỏ toàn cầu) và là nước xuất khẩu dầu đứng thứ 12 trên thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng của nước này vẫn còn rất lớn với trữ lượng ước tính lên đến 44 tỉ thùng. Các khách hàng chủ yếu trong năm 2010 của Tripoli là Ý (28%), Pháp (15%), Trung Quốc (11%), Đức (10%), Tây Ban Nha (10%). Việc khai thác dầu trước đây được chia cho 10 hãng trong nước thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia Libya (NOC) và 35 hãng nước ngoài.

Chiến tranh đã làm sản lượng dầu của Libya chỉ còn 50.000 - 60.000 thùng/ngày và NTC đang muốn cải thiện tình hình càng sớm càng tốt. Theo đánh giá của các chuyên gia, để ngành dầu khí Libya trở lại bình thường cần mất khoảng 3 năm. Trước đây, Iraq cũng phải mất 4 năm để lấy lại sản lượng dầu trước khi Mỹ can thiệp quân sự năm 2003. Một số thành viên của NTC cho biết đã tiếp xúc với các "đại gia" ngành năng lượng phương Tây như Eni (Ý), Total (Pháp), Shell (Hà Lan), BP (Anh)... Le Figaro dẫn lời các chuyên gia nhận định 2 hãng Eni và Total có thể sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Eni vốn là công ty nước ngoài có sản lượng dầu cao nhất tại Libya tính đến năm 2010 (160.000 thùng/ngày) và hợp đồng khai thác còn đến năm 2042. Còn với Total, lượng dầu Libya chỉ chiếm 2,3% tổng sản lượng toàn cầu của hãng này nhưng đây thật sự là "miền đất hứa" để đạt được mục tiêu tăng sản lượng lên 2%/năm trong giai đoạn 2010-2015. 

Ông Gaddafi chạy sang Algeria?

Hãng tin MENA của Ai Cập ngày 27.8 dẫn một nguồn tin từ phe nổi dậy Libya cho hay một đoàn 6 xe bọc thép vừa vượt qua biên giới sang Algeria. Dù chưa rõ đoàn xe này của ai nhưng nguồn tin trên khẳng định trên 6 chiếc Mercedes được quân chính phủ hộ tống là các nhân vật cấp cao của Libya, có thể có cả cha con ông Gaddafi. Theo MENA, đoàn xe đã vượt qua thành phố Ghadamis, phía tây Libya và giáp ranh Algeria nhưng quân nổi dậy không thể đuổi theo vì thiếu phương tiện. Chính quyền Algeria tới nay chưa có phản ứng gì về thông tin này.

Trước đó, phe nổi dậy ở Tripoli ngày 26.8 một lần nữa tuyên bố sắp bắt được ông Gaddafi. Reuters dẫn lời luật sư Mohammed al-Alagi, đang giữ vai trò điều hành tư pháp của NTC khẳng định ông Gaddafi cùng các con trai và nhóm tùy tùng thân cận đang bị vây chặt. "Khu vực ông ta ẩn náu đang bị phong tỏa", ông al-Alagi nói nhưng từ chối cho biết địa điểm cụ thể. Trước đây, phe nổi dậy cũng từng tuyên bố "vây được ông Gaddafi", nhưng đến nay vẫn không ai biết nhà lãnh đạo này đang ở đâu. Bản thân ông thì liên tục ra thông điệp kêu gọi người ủng hộ đánh bại quân nổi dậy. 

Đến nay, phe nổi dậy đã gần như kiểm soát toàn bộ thủ đô Tripoli và phe Gaddafi chỉ còn giữ được một số ổ kháng cự nhỏ lẻ, theo BBC. Tuy nhiên, thành phố này đang đối mặt một cuộc khủng hoảng mới khi cơ sở hạ tầng tan hoang, điều kiện vệ sinh tồi tệ còn các bệnh viện thiếu thuốc men và nhân lực. TTK LHQ Ban Ki-moon kêu gọi đẩy mạnh viện trợ cho Libya để khôi phục đời sống tại đây.  

Lê Loan

 

Trung Quốc lo ngại

Theo AP, trong lúc tình hình vẫn còn nhiều biến động ở Libya, triển vọng các dự án của Trung Quốc tại đây khá u ám. Trong một cuộc phỏng vấn với Đài France 24 ngày 24.8, Chủ tịch NTC Mustafa Abdul Jalil tuyên bố: "Quốc gia Libya mới sẽ giữ quan hệ đặc biệt với những nước đã giúp giải phóng nước này". Ông Jalil cũng đảm bảo các đồng minh sẽ được ưu tiên nhận các hợp đồng xây dựng lại Libya và khả năng Trung Quốc được dự phần rất thấp.

Trước đó, Trung Quốc đã thúc giục Libya bảo vệ các dự án đầu tư của nước này và khẳng định hoạt động giao thương dầu mỏ đem lại lợi ích cho cả 2 bên. Reuters dẫn lời ông Abdeljalil Mayouf, phụ trách thông tin của Công ty dầu mỏ AGOCO thuộc phe nổi dậy, tuyên bố các Công ty Trung Quốc và Nga có thể mất các hợp đồng dầu khí tại Libya. Đáp lại, ông Văn Trọng Lương, một quan chức thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, ngày 23.8 tuyên bố Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến sự an toàn của các dự án đầu tư tại Libya và nhấn mạnh: "Đầu tư của Trung Quốc vào Libya, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, là vì lợi ích chung của nhân dân 2 nước".

Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới và trong năm ngoái, 3% lượng dầu thô nhập khẩu của nước này là từ Libya. Ngoài ra, theo truyền thông Trung Quốc, trước chiến tranh, khoảng 75 công ty nước này hoạt động ở Libya trong 50 dự án trị giá chừng 20 tỉ USD, chủ yếu ở các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.

Cùng với Nga, Trung Quốc hồi tháng 3 đã bỏ phiếu trắng cho Nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ cho phép can thiệp quân sự vào Libya, nhưng sau đó chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch không kích của NATO. Khi tình hình diễn biến bất lợi cho ông Gaddafi, Bắc Kinh cũng chìa cánh tay ra với NTC bằng việc cử Ngoại trưởng Dương Khiết Trì sang gặp ông Mahmoud Jibril, "thủ tướng" của phe nổi dậy, vào tháng 6. Và khi NTC củng cố quyền kiểm soát ở Tripoli, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mã Triều Húc tuyên bố Trung Quốc "luôn đánh giá cao vai trò của NTC trong việc giải quyết các vấn đề của Libya và vẫn giữ liên lạc với tổ chức này". Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá Trung Quốc đã "thay đổi" quá muộn màng. Qua chuyện này, người ta cũng nhận ra được sự thực dụng trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.

Trùng Quang

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.