|
Ở một số địa phương, sâm nam còn có tên gọi khác là sương sâm, sâm lông, tên khoa học là Tiliacora triandra. Đây là một loại thân dây leo, sống nhiều ở vùng đất đồi pha cát và sỏi. Mỗi dây trưởng thành dài chừng 3 - 10 m, lá mọc đơn, màu xanh lục hình trái tim, trên bề mặt của lá có nhiều lông tơ.
Để làm món sâm nam, người dân quê vào rừng hái số lượng lớn lá còn xanh non về rồi tự tay chế biến. Có thể làm lá tươi hoặc phơi cho lá khô héo tùy thích. Thường khoảng 2 - 3 kg lá có thể làm cho 5 - 7 người ăn. Bước đầu tiên là phần lá phải rửa thật sạch, người làm cũng phải rửa sạch tay, dùng tay vò lá hoặc chà lá vào rổ cước, vò đến khi lá sâm nam nát nhừ ra màu xanh ngắt rồi cho lượng nước sôi tùy ý đổ vào. Tiếp tục dùng tay trộn lại lần nữa cho lá thấm đều với nước rồi dùng khăn vắt lược thật sạch, loại bỏ phần xác và bã lá, chỉ lấy nước đã thật sạch bã. Khi đó phần nước lấy được sẽ thành màu xanh, đặc quánh. Nếu muốn sâm ngon cứng hơn thì lúc này cho vào một ít nước nang mực rồi cho phần nước đó vào ca hoặc ly, cất vào tủ lạnh. Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau thì phần nước đó sẽ đông cứng thành một khối màu xanh.
Để có bữa sâm nam ngon, phải nấu thêm nước đường cát trắng có pha gừng tươi rồi cho cả nước gừng đó cùng ít đá xay vào từng ly sâm nam đã cắt miếng vừa ăn. Sâm nam ngọt mềm, có vị thơm dễ chịu, mát và giàu dinh dưỡng. Theo đông y, ngoài để làm thức uống giải khát, sâm nam còn có chức năng nhuận gan, tiêu độc, thanh nhiệt, giảm đau và trị các chứng táo bón, làm hạ huyết áp. Ngoài lấy lá làm thạch, dây củ sâm nam cũng có thể phơi khô hoặc sao vàng sắc uống để an thần thanh nhiệt.
Do đặc tính của cây sâm nam có nhiều công dụng nên được nhiều người ưa chuộng. Từ một loại cây mọc hoang trên núi rừng, ngày nay nhiều gia đình nông dân đã đem loại dây này trồng trong nhà mình. Ngoài việc hái lá lấy dây củ dùng trong gia đình, một số hộ cũng đã có được nguồn thu nhỏ trong việc tăng thu nhập kinh tế cho gia đình.
Mỹ Tuyết
>> Cháo bổ dưỡng từ thịt dê
>> Cá chạch bổ dương
>> Hạt dẻ bổ dương
Bình luận (0)