Ngọt ngào bánh quy gai xứ Quảng

Bánh quy gai là niềm mong đợi của nhiều thế hệ tuổi thơ cùng làng.

Trong cái rét mướt một ngày tháng chạp, con đường bê tông dẫn về làng dường như dài hun hút. Mới đến đầu làng, đã nghe trong gió hương trứng gà hòa quyện với bột mì chín thơm lừng. Trong phút chốc tôi nhận ra đấy chính là mùi thơm quen thuộc của món bánh quy gai.
Nhớ mùa tết xưa, từ trung tuần tháng chạp cả xóm bắt đầu rủ nhau làm bánh thuẫn, bánh in, bánh tổ... và thấp thỏm chờ lò bánh quy gai đỏ lửa. Má tôi cũng vậy, dù khó khăn đến mấy cũng phải làm bằng được một ít bánh quy. Chị em tôi mỗi khi thấy má xách bột đi làm bánh liền lẽo đẽo theo sau. Cảm giác mong chờ, khao khát, thèm thuồng vỡ òa cùng niềm sung sướng trẻ thơ khi mẻ bánh ra lò, má cho chị em tôi mỗi đứa một cái.
Có lẽ không riêng gì chị em tôi, bánh quy gai là niềm mong đợi của nhiều thế hệ tuổi thơ cùng làng.
Rồi thời gian trôi qua, cuộc sống khá hơn, tết đến xuân về, chợ búa trưng bày bánh mứt nhiều hơn. Có tiền, chỉ cần một vòng quanh chợ là đã ê hề món lạ, đồ ngon. Vì vậy một thời gian dài, bánh quy gai không được chuộng nhiều nữa, quầy làm bánh quy cũng đóng cửa, để lại trong chị em tôi nỗi tiếc nuối khôn nguôi.
Bao năm xa quê, tưởng chừng bánh quy gai chỉ còn trong nỗi nhớ, vậy mà chuyến về quê lần này, ngay bên nhà tôi lại xuất hiện lò bánh quy gai. Không thể nấn ná được lâu, đặt ba lô trên tấm phản trước nhà, tôi chạy ngay qua lò bánh như sợ mất đi cơ hội “xin một vé” về tuổi thơ.
Chao ôi, vẫn hương vị ấy, vẫn mùi thơm ấy, cả hình ảnh những người đứng xung quanh máy làm bánh đợi đến lượt mình... Lò bánh quy vẫn đông khách như ngày nào. Có lẽ, trong sự xô bồ của nền kinh tế thị trường, người dân không thể nào quay lưng với “bánh quê”, trong đó có bánh quy gai, vừa rẻ, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, lại ngon.
Nguyên liệu làm nên bánh quy gai không khác gì cách đây mấy chục năm trước, gồm bột mì, trứng gà kết hợp với đường. Trứng gà, bột, đường được đổ vào một thau to trộn đều cùng lượng nước phù hợp. Cái giỏi của người thợ làm bánh là nắm được kỹ thuật trộn bột theo tỷ lệ sao cho bột không nhão nát hay khô cứng. Bột trộn xong liền đánh lên cho thật nhuyễn. Đánh mạnh từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, đánh sao bột nở đạt yêu cầu.
Tiếp tục quết bột lại thành khối lớn trước khi cho vào máy để nén bột xuống. Bắt đầu làm bánh, một người quay cần máy ép cho những chiếc bánh quy gai thuôn dài được đẩy ra, một người bắt bánh theo khay một cách nhịp nhàng. Bánh vừa ép xong được chấn thành từng đoạn nhỏ đều đặn dài chừng 8 cm. Bánh nhanh chóng được chuyển vào lò nướng. Công đoạn này đòi hỏi người làm bánh phải chú ý sao cho bánh chín đều thơm lừng và tuyệt đối không được để khay bánh cháy xém. Nướng xong thì nhanh tay cắt bánh, khi bánh còn nóng hổi. Mọi công đoạn làm bánh mất nhiều thời gian và tỉ mỉ, kỳ công, có lẽ chính vì vậy mà món bánh quy gai truyền thống ngon miệng hơn.
Mẻ bánh mới ra lò, như hiểu lòng tôi, bà chủ vui vẻ mời dùng thử. Vậy là không thể chờ thêm được nữa, tôi vội cắn một miếng, bánh giòn tan, vị bánh mịn, ngọt ngào tan dần nơi đầu lưỡi, nghe cả một khoảng trời hoa mộng ùa về.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.