Không phải người Việt nào cũng biết đến sự tích tết Hàn thực, dịp mà mọi người quen gọi bằng cái tên mộc mạc: Tết bánh trôi, bánh chay.
Tinh hoa đất trời
Trong cả năm, có lẽ chẳng có ngày nào mâm lễ dâng tổ tiên lại thuần một thứ bánh thanh sạch, tinh khiết như sương mai đến thế. Thứ bánh chắt chiu từ hạt “ngọc thực” của đất trời, từ cái màu mỡ của đồng xanh, từ hương thơm thanh khiết của những đóa hoa bưởi trắng ngần như ngọc thạch, hớp ánh nắng non tơ mơ màng đầu hạ để lặng lẽ tỏa hương cho đời. Làm bánh trôi, bánh chay nhất định phải kén cho kỳ được cái thứ nếp cái hoa vàng mẩy căng như đang ngậm sữa. Nhà nào mà xuê xoa làm ẩu, xay bừa thứ nếp thường thì hôm đó mẻ bánh vừa sạm, vừa nhạt nhẽo lại chẳng có một chút hương thơm. Chọn được nếp rồi, lựa nhân bánh nữa là hội tụ đủ tinh hoa của trời đất. Nhân bánh chay phải là thứ đỗ tiêu nhỏ hạt xanh lòng. Đừng vì ngại vất vả mà chọn bừa loại đỗ mỡ hạt to lòng vàng, tuy rằng dễ đãi, dễ chín hơn thật đấy nhưng vị thơm ngon thì thua xa đỗ tiêu.
Đỗ được đãi sạch lớp áo xanh mỏng mảnh bên ngoài, đồ chín, giã nhuyễn rồi xào lên thơm phức với đường kính trắng. Đỗ với đường quyện lại thành một khối ngọt lịm vàng ươm như kén tằm. Nhân bánh trôi là viên đường phên, ngọt, cái ngọt chân chất thực thà của mật mía. Cứ từng thanh đường phên cắt ra thành 5, 6 viên đường nhỏ để làm nhân cho từng chiếc bánh.
|
Ai đã quen làm bánh trôi, ngày tết Hàn thực cũng phải thuộc làu công thức: 9 nếp, 1 tẻ. Nếp cái hoa vàng dẻo mướt là thế, nhưng nếu không thêm cái anh gạo tẻ vào thì sẽ dính quá mà khó thành hình. Nhưng cũng đừng cho nhiều gạo tẻ quá kẻo hạt nếp dỗi hờn, khiến chiếc bánh khô xạm lại. Từng hạt gạo trắng ngần, lông lống được xay nhuyễn mịn với nước mưa trong văn vắt. Sao cho khi cối đá quay lần cuối cùng thì khối bột trắng phau cũng đã uống no nước để quyện với nhau thành một khối mịn màng.
Mộc mạc mà tinh tế
Dù có vội vã cũng phải treo bột lên ít nhất chừng 4 tiếng cho thật ráo. Bấy giờ mới ngả bột xuống, cả nhà cùng xúm quanh mâm nặn bánh trong khi mẹ bắc nồi nước luộc lên bếp lửa. Từng viên bột tròn trĩnh được vỗ cho dẹt ra. Bánh chay thì nhón một chút nhân đậu xanh thơm lừng, bánh trôi thì chọn miếng đường phên nâu óng ả. Khẽ thả từng viên bánh vào nồi nước đang sôi, cứ để nó lênh đênh “bảy nổi ba chìm” trong làn nước nóng, đến khi nổi hẳn lên là bánh chín. Bánh vớt ra thả ngay vào chậu nước đun sôi để nguội cho lớp da mịn mềm săn trở lại.
Chục viên bánh trôi nhỏ xinh được xếp cạnh nhau trong đĩa. Bánh chay được xếp ba cái một trong bát nhỏ. Bàn tay người phụ nữ lại khéo léo chấm lên mỗi chiếc bánh trôi mấy hạt vừng lấm tấm như sao sa. Viên bánh trắng ngần chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái một chút xíu, thiêm thiếp nằm như viên ngọc ngủ quên. Bát bánh chay được rưới vào thìa nước đường pha bột sắn dây ngát thơm hương bưởi, cái thứ nước sóng sánh loang loáng ôm ấp lấy từng chiếc bánh nuột nà, vừa thấp thoáng cái nhụy vàng lấp ló ở bên trong. Thả thêm vài sợi dừa nạo trắng tinh, vài hạt đỗ xanh bung nở như hoa cau rụng xuống giếng vàng sau trận mưa đêm, bát bánh trông như một nụ hoa vừa hé, cánh trắng mỏng manh ôm lấy nhụy vàng ngan ngát. Cầm đĩa bánh trên tay, chẳng ai nỡ ăn ngấu nghiến, cứ ngẩn ngơ mà ngắm cái đẹp chân quê mộc mạc mà sao tinh tế đến lạ. Hương thơm dâng lên cũng khẽ khàng thanh sạch như hương lá non mới nhú. Miếng bánh chạm vào đầu lưỡi, mát rười rượi như giọt nước mưa đầu hạ, rồi bỗng ngỡ ngàng với vị bùi thơm nức nở của hạt đỗ xanh ong óng.
Tịnh Tâm
Bình luận (0)