(iHay) Vùng Quảng Ngãi quê tôi, loại cá có lớp da dai, hơi dày và cứng, vảy li ti màu đỏ hồng, hai con mắt luôn mở to, tròn xoe 'ngơ ngác' được gọi là cá thóc. Trong khi đó, ở các tỉnh lân cận người ta gọi là cá bã trầu.
>> Canh cá đổng quéo đậm đà vị biển
|
Có vẻ như cá cũng có tên… khai sinh và tên thường gọi. Hoặc nói như anh bạn dạy văn của tôi thì cá cũng có “dị danh” tùy theo từng địa phương. Riêng tôi, tôi “chịu” cái tên cá thóc hơn vì chữ “thóc” nghe có vẻ đông đúc, phồn thực, rất hiền hậu và rất quê hương như hạt thóc trên đồng, cá thóc dưới biển.
Nhiều bữa biển lành, nắng hanh, gió nhẹ, khi thuyền đi ngang con lạch dẫn về bến, người ta đã thấy màu hồng đỏ của cá thóc nổi bật lên như mảng màu “chủ đạo” trên các khoang thuyền. Cá thóc dù hương vị rất… đáng yêu nhưng vì khá nhiều nên giá rẻ. Chỉ vài chục ngàn có thể cầm trên tay con cá thóc tươi rói, nặng trĩu.
Nhớ những hôm trời trở gió, mẹ tôi đắng miệng, biếng ăn, bát canh cá thóc nấu ngọt với lá me đất (thứ lá thân thảo, mọc nhiều trong các chậu cây cảnh) đã khiến mẹ mỉm cười. Mẹ ăn được hai chén cũng nhờ thịt cá thóc ngọt lành, mềm mại. Ba nói cá thóc nấu canh với lá me đất là hạng nhất, miệng đang đắng mà gặp cá thóc là… đổi tông ngọt dịu liền.
|
Có bữa mấy chậu cảnh trước nhà “cháy” lá me đất, nồi canh cá thóc cũng “phát huy” cái dịu ngọt của mình với nắm hành lá xanh xanh, thơm thơm. Nếu vườn nhà lấp ló vài trái cà đang chín hườm thì tuyệt. Những lát cà khi cho vào nồi tiết ra chất ngòn ngọt chua chua, chỉ cần chan nước canh không thôi cũng đủ “dìu” từ chén cơm này đến chén cơm khác.
Thịt cá thóc trắng phau phau, chấm vào đĩa mắm “mộc” dằm chút ớt cay cay, bảo đảm thổi bay nồi cơm trong chốc lát. Tôi nhớ có lần anh tôi học trên huyện đạp xe về đột xuất vừa lúc bữa chiều vừa xong. Cơm chỉ còn lưng chén, nồi canh cá thóc chỉ còn lưng bát nước thôi. Mẹ nói để mẹ nấu thêm cơm. Anh ngăn lại, giữ nguyên “hiện trường”, sai tôi đi mua hai cái bánh tráng.
Anh nói bánh tráng cũng là cơm ở dạng… giòn. Bẻ bánh bỏ vào bát canh, trộn đều cho nước thấm đều vào từng miếng bánh, anh “lua” mấy phát là sạch tưng, lại còn “khà” một cách điệu đà như dân nhậu chính cống, khen… mùi cá thóc tươi ròng, ngon quá là ngon!
Ba tôi thường “biến tấu” cá thóc bằng món chiên vàng khi nhà có “chiến hữu” đến thăm. Ông nói món này nhắm rượu ngon quên… trái đất đang quay, lại “tiết kiệm” hơn món canh vì bộ vảy cá thóc giòn rụm, thơm ngon, béo ngọt, hương vị “hay” lắm.
Đĩa cá thóc chiên được rưới mắm ớt tỏi lên sao mà hấp dẫn lạ. Màu ớt đỏ tươi lẫn với những tép tỏi trắng ngần thấm đẫm trên mình cá hồng hồng nhìn muốn “rớt” con mắt. Ở món này thịt cá thóc săn lại, hơi khô ráo nhưng vị ngọt không hề mất tí nào. Ngược lại còn bổ sung thêm chất béo từ dầu thực vật nên miếng cá càng ngon.
Cúng giỗ ở quê, sau những món chế biến từ bộ ba bò - heo - gà, chủ nhà thường dọn thêm những đĩa cá thóc chiên rưới mắm tỏi rất bắt mắt. Khi dọn cỗ, các mẹ, các chị còn chêm xen những bát canh cá thóc ngọt ngào. Và, hữu xạ tự nhiên hương, những đĩa cá thóc luôn… phát đi lời mời mọc “vô thanh” khiến nhiều đôi đũa hay ghé đến.
Trần Cao Duyên
>> Ăn bánh canh cá lóc Huế ở Sài Gòn
>> Đậm đà canh cá móm
>> Canh cá nhiễu nấu măng tươi muối chua
Bình luận (0)