Chuyện Bộ trưởng Quốc phòng Đức bị tố đạo văn trong luận án tiến sĩ cách đây 25 năm khiến hình ảnh của nhóm 5+ có phần lung lay trong mắt người hâm mộ. Đây chỉ là một thách thức nhỏ đối với nhóm 'thiểu số' những bóng hồng đứng đầu cơ quan quyền lực này.
Marise Payne |
Họ đến từ Na Uy, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Ý và mới nhất là đại diện của nước Úc.
Gọi đó là nhóm 5+ bởi nhóm này “chính thức thành lập” từ đầu năm 2014 với 4 thành viên chủ chốt khi bà Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Jeanine Hennis-Plasschaert đưa lên trang Twitter hình ảnh 4 nữ bộ trưởng quốc phòng Na Uy, Thụy Điển, Đức và Hà Lan chụp tại một cuộc họp thượng đỉnh ở Munich (Đức). Bộ tứ châu Âu này ngay sau đó củng cố thêm sức mạnh khi bà Roberta Pinotti, năm nay 54 tuổi, được bổ nhiệm làm người đứng đầu Bộ Quốc phòng Ý. Đến tháng 10.2014, người ngồi chiếc ghế nóng này sớm nhất (tháng 4.2012) - bà Karin Enström (Thụy Điển) rời nhiệm sở. Con số 5 lại quay trở lại vào tháng 9 vừa qua khi tân Thủ tướng Úc Malcom Turnbull chọn bà Marise Payne, 51 tuổi, làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Trong nhóm 5+ này, bà Enström, 49 tuổi là người duy nhất có kinh nghiệm chuyên môn trong lực lượng vũ trang. Xuất thân từ một gia đình thượng lưu, bà đứng vào hàng ngũ quân đội năm 1987 sau khi tốt nghiệp đại học và đến nay vẫn giữ hàm đại tá thủy quân lục chiến. Trước khi lên chức bộ trưởng, bà Enström từng là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng từ 2008 đến 2010 (từ 2002 đến 2008 là thành viên của ủy ban này).
Karin Enström
|
Gương mặt trẻ nhất trong khối nữ bộ trưởng quốc phòng châu Âu là bà Ine Eriksen Søreide, 37 tuổi đến từ Na Uy. Bà Søreide nổi tiếng từ năm 29 tuổi khi được giao trọng trách điều hành ủy ban giáo dục của quốc hội sau nhiều năm làm thành viên tích cực của ủy ban này. Với kỹ năng lãnh đạo, sự quyết tâm và tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, nữ chính trị gia trẻ tuổi với xuất thân khiêm tốn này được kỳ vọng sẽ đảm nhận vị trí cao hơn nữa trong tương lai.
Trong khi Thụy Điển và Na Uy đã trải qua lần lượt 3 và 4 đời nữ bộ trưởng quốc phòng thì hai đồng nghiệp từ Đức và Hà Lan là những người tiên phong của đất nước họ. Sự nghiệp chính trị của bà Jeanine Hennis-Plasschaert (Hà Lan) bắt đầu năm 2005 khi bà được bầu vào Nghị viện châu Âu (đến năm 2010) và sau đó là thành viên Hạ viện cho đến tháng 12.2012. Trong cuộc tổng tuyển cử ở Hà Lan năm 2012, bà là nhân vật thứ 4 trong Đảng Nhân dân tự do và dân chủ (VVD) và được tái bầu cử. Bà được thủ tướng trẻ tuổi Mark Rutte chọn làm nữ bộ trưởng quốc phòng đầu tiên trong lịch sử hơn 180 năm của cơ quan này. Bà Hennis-Plasschaert đánh dấu nhiệm kỳ của mình với câu nói bất hủ: “Chả quan trọng việc bạn có cái ấy hay không” (từ willy, trong tiếng lóng, là bộ phận sinh dục của đàn ông - NV).
Bà từng phát biểu: “Tôi nghĩ rằng các sĩ quan quân đội đã và đang làm việc với chúng tôi nhìn chúng tôi chả khác gì các đồng nghiệp nam. Mà nếu họ có nghĩ vậy thì họ cũng giữ điều đó trong đầu. Nhưng có một cuộc tranh luận công khai về chuyện phụ nữ nắm giữ ngày càng nhiều vai trò chính trị quan trọng và điều này hết sức lành mạnh”.
Jeanine Hennis-Plasschaert
|
Bộ trưởng Gia đình phụ nữ rồi Bộ trưởng Lao động xã hội và mới nhất là Bộ trưởng Quốc phòng (từ cuối năm 2013) là 3 chức danh nổi bật trong sự nghiệp chính trị từ năm 1990 của bà mẹ người Đức được “phong” là anh hùng 7 con này. Bà Ursula Gertrud von der Leyen sinh ra và lớn lên ở Brussels (Bỉ), nói thông thạo tiếng Đức, Pháp và Anh. Cùng với hai đồng nghiệp nam “trị vì” các bộ Tài chính và Nội vụ, bà tạo nên bộ ba bộ trưởng luôn sát cánh bên bà Angela Merkel từ khi bà lên làm thủ tướng năm 2005. Trước áp lực vì cáo buộc đạo văn, “người thừa kế Merkel” tự tin tuyên bố kiểu hành động này của trang web VroniPlag Wiki là “không mới” nhưng hẳn cũng đứng ngồi không yên bởi từng có hai bộ trưởng Đức phải từ chức vì scandal đạo văn.
Từ trái qua Ursula Gertrud von der Leyen, bà Ine Eriksen Søreide và bà Roberta Pinotti
|
Không thể là một đối trọng với nhóm 4 người ở châu Âu nhưng tân Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cũng khiến nhóm những nước nói tiếng Anh an ủi phần nào khi là người phụ nữ thứ 2 sau cựu Thủ tướng Canada Kim Campbell (bà làm Bộ trưởng Quốc phòng nửa đầu năm 1993) ngồi chiếc ghế này. Cũng là người không từng trải trong quốc sách bảo vệ an ninh quốc gia, bà Payne đã khẳng định sự cứng rắn của mình trước những rào cản về giới tính: “Tất cả những gì tôi mong muốn là được đánh giá dựa trên năng lực làm việc, chứ không phải trên giới tính của tôi”.
Thượng nghị sĩ này cũng tự tin trước tính “ngắn hạn” của vị trí này (có đến 11 bộ trưởng quốc phòng của Úc đảm nhiệm chức vụ này chỉ trong 2 năm), bà cho biết đã có sẵn kế hoạch để giữ được ghế nóng dài hơi. “Tôi không có ý định rời chính trường sớm. Tôi là thành viên mới của nội các. Đây là thông điệp quan trọng gửi đến Bộ Quốc phòng”.
Chắc hẳn đó cũng là thông điệp gửi đến những người đồng cấp của bà trên khắp thế giới. Để kết thúc bài, xin dùng một câu nói vui của ông Pieter De Crem (lúc đó đang là Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ) khi nghe bà Hennis-Plasschaert nhờ ai đó dùng điện thoại của bà để chụp tấm ảnh nói ở đầu bài: “Ồ, tôi không nên có mặt ở trong tấm ảnh này”.
Bình luận (0)