Ốc gạo to bằng chiếc khuy áo, muốn ăn phải dùng gai lể ra. Loại ốc này thường xuất hiện vào tháng 11 âm lịch hằng năm, nhưng ốc to, béo và ngon nhất vào độ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 3 âm lịch. Đây cũng là khoảng thời gian ngư dân Đà Nẵng háo hức ra biển cào ốc gạo.
Từ tờ mờ sáng, nhiều ngư dân đã đổ ra bờ biển Mỹ An (Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) để cào ốc. Ngư dân mang theo dụng cụ cào ốc ra biển, mong chờ một ngày bội thu.
Ốc gạo thường sống dưới lớp cát biển, có nhiều ở các bờ biển miền Trung. Chính vì thế, cào ốc gạo phải cào lúc thủy triều xuống.
Vừa cào, vừa dùng tay gạt đi những giọt nước biển đánh vào mặt, ông Phạm Một (63 tuổi, ngụ P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) cho biết cào ốc phải cắm vợt xuống cát, vừa đi thụt lùi vừa kéo một đường dài. Khi nào thấy vợt nặng thì kéo lên, rũ hết cát, phần còn lại sẽ là ốc.
Nhìn đơn giản, nhưng nghề cào ốc vất vả dậy sớm, ngâm mình dưới nước biển lạnh do đó phải có sức khỏe tốt.
Nghề cào ốc gạo ở Đà Nẵng: Nghề khó chỉ chục người theo nhưng thu tiền triệu
"Nghề cào ốc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Nhìn con nước để biết ngày nào nước rút nhiều và chỗ nào có nhiều ốc. Phụ thuộc theo con nước, nước cạn sẽ dễ cào, khi sóng to và thủy triều cao sẽ khó cào và ốc thu về ít. Những ngày này, chúng tôi thường cào ốc từ 3 đến 9 giờ sáng", ông Một nói.
Cào ốc gạo là nghề vất vả, ngư dân phải ngâm mình dưới nước biển lạnh suốt nhiều giờ, thường xuyên bị những con sóng đánh rát mặt. Chính vì thế, đòi hỏi ngư dân phải có sức khỏe dẻo dai cùng khả năng chống chọi tốt với thời tiết. Nhưng đổi lại, sau những giờ lao động cực nhọc, ngư dân có thể bỏ túi tiền triệu.
Tranh thủ đang vào mùa ốc, ra biển từ lúc mặt trời chưa mọc, ông Nguyễn Bũa (ngụ P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) chia sẻ: "Nghề ốc gạo khó khăn, nguy hiểm, làm cực nhưng thu nhập khá. Trung bình mỗi ngày tôi kiếm được một triệu đồng, hôm nào cào sâu hơn thì được nhiều hơn. Nghề cào ốc thu nhập cao nhưng chỉ trong vòng 3 tháng, sau đó là hết mùa ốc".
Cào ốc gạo được xem là nghề cào một mùa, ăn cả năm. Năm nay, sản lượng ốc gạo giảm hơn những năm trước. Theo ngư dân, nguyên nhân do trước Tết Nguyên đán ốc còn nhỏ nhưng bị khai thác nhiều. Tuy nhiên, giá ốc hiện khá cao nên bà con vẫn có thu nhập khá. Giá ốc đã nấu chín dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/lon, tùy kích cỡ.
Để cào ốc, ngư dân dùng một chiếc sào dài bằng tre hoặc inox, gắn một đầu với khung sắt có bọc lưới, phía dưới có thêm một sợi dây để quàng vào lưng hoặc vai.
Ốc gạo là món ăn dân dã được nhiều người ưa thích. Với nhiều người dân Đà Nẵng, ốc gạo dần trở thành món ăn đặc sản, họ có thể tụm năm tụm bảy lể ốc hàng giờ.
Ốc gạo được chế biến rất đơn giản. Ốc cần ngâm sạch cát sau khi cào, nấu với sả, lá chanh, đem trộn cùng gia vị (ớt, gừng, mắm...) sẽ có món ốc gạo thơm ngon. Hương vị beo béo đã "thấm" vào khẩu vị và ký ức của người miền Trung, để khi xa quê hương vị ấy luôn khiến họ nhung nhớ.
Bình luận