Chánh án TAND tối cao:

Ngư dân hiểu và không vi phạm, 'trước bán 1 đồng nay bán được 10 đồng'

12/06/2024 19:20 GMT+7

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, việc ban hành Nghị quyết 04/2024 góp phần giúp ngư dân hiểu và tránh các hành vi vi phạm, chứ không phải để tòa án hoặc thẩm phán 'xử thật nhiều'; sản phẩm của ngư dân sẽ bán được giá cao nhất, 'trước đây bán 1 đồng thì nay có thể bán 10 đồng" .

Ngày 12.6, TAND tối cao tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 04/2024 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ 1.8.2024.

Ngư dân hiểu và không vi phạm, 'trước bán 1 đồng nay bán được 10 đồng'- Ảnh 1.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

PHÚC BÌNH

Nguy cơ "thẻ đỏ" rất cao

Theo TAND tối cao, thời gian qua, lợi dụng việc thiếu hiểu biết pháp luật, hoàn cảnh khó khăn của ngư dân, một số đối tượng đã tổ chức, môi giới đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và chưa đủ răn đe, nghiêm khắc.

Mặt khác, một số doanh nghiệp hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản xuất khẩu có dấu hiệu vi phạm quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Hậu quả là năm 2017, Việt Nam trở thành nước thứ hai trong khu vực Đông Nam Á bị Ủy ban châu Âu (EU) cảnh báo "thẻ vàng" đối với thủy sản do vi phạm IUU.

Cạnh đó, còn xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm ở ngoài vùng biển Việt Nam, bị các nước áp dụng những biện pháp cứng rắn như tiêu hủy tàu, bắt người, phạt tiền, gây nhiều khó khăn cho công tác bảo hộ công dân và quan hệ khu vực.

Thực trạng trên nếu không sớm được khắc phục thì không những không gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" mà có nguy cơ bị cảnh báo "thẻ đỏ" rất cao.

Ngư dân hiểu và không vi phạm, 'trước bán 1 đồng nay bán được 10 đồng'- Ảnh 2.

Lễ công bố Nghị quyết 04/2024 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao

PHÚC BÌNH

Xử lý các hành vi là tiền đề cho việc đánh bắt trái phép

Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho hay, Nghị quyết 04/2024 được xây dựng hơn 1 năm qua. Ban đầu, nghị quyết tập trung hướng dẫn xử lý các hành vi đánh bắt thủy sản trái phép.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nếu chỉ tập trung vào xử lý hành vi đánh bắt trái phép thì rất khó. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để ngăn chặn việc này?

Để trả lời câu hỏi trên, nghị quyết mở rộng theo hướng hướng dẫn xử lý các hành vi là tiền đề cho việc đánh bắt trái phép, ví dụ như xuất nhập cảnh trái phép, tổ chức môi giới người xuất nhập cảnh trái phép…

"Những nghị quyết khác đã có rồi, ví dụ buôn lậu hay rửa tiền qua biên giới đều có hướng dẫn về hành vi xuất nhập cảnh trái phép. Nhưng riêng với hành vi xuất nhập cảnh trái phép trên biển, liên quan đến khai thác thủy, hải sản thì chưa có hướng dẫn cụ thể", ông Tuệ phân tích.

Theo ông, việc ban hành nghị quyết sẽ là cơ sở pháp lý thống nhất, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và cơ quan, tổ chức trong việc xử lý hành vi vi phạm.

Vẫn theo Phó chánh án TAND tối cao, nghị quyết có tính răn đe, xử lý nghiêm nhưng vẫn đảm bảo tính phòng ngừa, giáo dục, tuyên truyền cho bà con ngư dân. Điều này được thể hiện qua việc nghị quyết hướng dẫn rõ chỉ xử lý người cầm đầu, ví dụ trưởng tàu, chủ tàu hoặc người tổ chức môi giới, không xử lý đối với ngư dân.

Ngư dân hiểu và không vi phạm, 'trước bán 1 đồng nay bán được 10 đồng'- Ảnh 3.

Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ

PHÚC BÌNH

Công cụ để bảo vệ ngư dân

Việc ban hành Nghị quyết 04/2024 khiến một số ý kiến băn khoăn liệu có ảnh hưởng đến phát triển nghề cá? Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ khẳng định, lo lắng này là không cần thiết, vì nghị quyết chỉ hướng dẫn xử lý các hành vi khai thác trái phép.

Còn với việc khai thác đúng theo quy định pháp luật, Nhà nước luôn có chính sách động viên, bảo hộ cho bà con ngư dân bám biển.

Thông tin thêm, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay, nghị quyết được ban hành không phải để cho tòa án hoặc thẩm phán "xử thật nhiều", mà làm sao để người dân thấy đâu là hành vi vi phạm để không vi phạm nữa, "tòa khỏi xử cũng được". "Đó mới là thành công của nghị quyết", ông Bình nhấn mạnh.

Với mục đích đó, nghị quyết ra đời như một công cụ để bảo vệ ngư dân. Thông qua nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm của ngư dân sẽ bán được giá cao nhất, cả trong nước và nước ngoài, "trước đây bán 1 đồng thì nay có thể bán 10 đồng".

Nghị quyết cũng sẽ góp phần ngăn chặn việc ngư dân vi phạm và bị xử lý, bởi "nếu mà đi tù thì còn gì phát triển thủy sản nữa, thậm chí hết nghề".

Khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước là hướng tới phát triển nghề cá một cách bền vững, Chánh án TAND tối cao cho rằng để làm được điều này cần bắt đầu từ việc làm sao cho đúng, đó là lý do để ban hành Nghị quyết 04/2024.

Cơ sở pháp lý quan trọng

Nghị quyết 04/2024 gồm 11 điều, hướng dẫn áp dụng 10 điều của bộ luật Hình sự liên quan đến các hành vi: xuất cảnh, nhập cảnh để khai thác thủy sản trái phép; bảo vệ nguồn lợi thủy sản; cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông để khai thác thủy sản trái phép; xâm phạm trong lĩnh vực thương mại thủy sản…

Nghị quyết là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hệ thống chính trị ở T.Ư và 28 tỉnh, thành phố ven biển tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản để phòng chống việc khai thác thủy sản bất hợp pháp không báo cáo, không theo quy định.

Nghị quyết còn là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.